Sau thương vụ Chandler Corporation (Singapore) mua lại cổ phần của Fortis Healthcare (Ấn Độ) trong hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ, mảng đầu tư vào dịch vụ y tế ở Việt Nam có dấu hiệu "nóng" lên.

benh-vien 9a274Nhưng Chandler cho biết, sẽ không thay đổi thương hiệu Hoàn Mỹ thành thương hiệu Viva Healthcare của Tập đoàn.
Đầu tư 80 triệu USD để mua 65% cổ phần trong Hoàn Mỹ, nhưng ông Martin Robinson, Giám đốc điều hành lĩnh vực y tế của Chandler cho biết, Chandler sẽ không thay đổi thương hiệu Hoàn Mỹ thành thương hiệu Viva Healthcare của Tập đoàn.

"Lý do là, Hoàn Mỹ là một thương hiệu mạnh, có sự quản lý bài bản và đội ngũ nhân viên tốt. Hơn nữa, thương hiệu này cũng đã quen thuộc với người Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ không tìm cách thay đổi điều gì tại chuỗi bệnh viện này, bởi ở đây cũng đã có những dịch vụ rất thành công", ông Martin Robinson nói và cho biết, sự thay đổi duy nhất khi Chandler mua lại Hoàn Mỹ, đó là Tập đoàn sẽ tìm cách gia tăng giá trị cho Hoàn Mỹ để mở rộng kinh doanh.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, sau thông tin Chandler mua lại cổ phần của Fotis, không ít câu hỏi được đặt ra rằng, liệu tập đoàn này có trụ lại ở Việt Nam lâu dài không, hay cũng sẽ lại chóng vánh ra đi như Fotis.

Còn nhớ, cuối năm 2011, Fotis đã nổi đình đám với thương vụ chi 64 triệu USD để mua 65% cổ phần của Hoàn Mỹ, song cuối cùng lại sớm ra đi, chỉ sau có hơn 1 năm.

Tuy nhiên, ông Martin Robinson cho biết, ngoài việc mua lại cổ phần của Hoàn Mỹ, Chandler cũng sẽ xác định chiến lược phù hợp để đáp ứng nhu cầu thị trường. "Ở thời điểm hiện tại, mục tiêu của chúng tôi tại Việt Nam là mang lại những dịch vụ có tiêu chuẩn chất lượng cao. Chúng tôi hiểu rằng, nhu cầu tại Việt Nam hiện rất cao và hệ thống bệnh viện chưa thể đáp ứng được. Chandler sẽ đánh giá các cơ hội đầu tư mới và các cơ hội tăng trưởng mới tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới", ông Martin Robinson nói.

Các cơ hội đầu tư mới và tiềm năng của thị trường y tế Việt Nam là điều luôn được khẳng định trong thời gian gần đây, khi mà hàng năm, người Việt Nam chi hàng tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh, đồng thời cũng sẵn sàng móc hầu bao để được hưởng các dịch vụ y tế cao ở trong nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau hàng chục năm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế, mới chỉ có 6 bệnh viện có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư 94 triệu USD. Ngoài hai bệnh viện Việt Pháp ở Hà Nội và TP.HCM đang hoạt động ổn định, sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này còn khá hạn chế.

Cách đây khoảng 2-3 tháng, rộ lên thông tin về việc Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-la, một liên doanh giữa Công ty Dịch vụ Hoa Lâm của Việt Nam và Tập đoàn Đầu tư y tế Shangri-la (Singapore) sẽ khánh thành Bệnh viện Quốc tế Thành Đô tại TP.HCM trong quý II/2013. Tuy nhiên, nay đã bước sang quý III/2013, mà vẫn chưa có thông tin chính thức khi nào thì bệnh viện có quy mô 320 giường bệnh, vốn đầu tư 80 triệu USD này đi vào hoạt động.

Mặc dù vậy, với việc Shangri-la thuê Parkway Pantai, một trong những tập đoàn y tế lớn hàng đầu châu Á trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, với mạng lưới rộng lớn gồm 16 bệnh viện và hơn 3.400 giường bệnh khắp châu Á tư vấn, quản lý, vận hành, người Việt Nam hy vọng sẽ có cơ hội được hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất.

Trong khi đó, thông tin về việc Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội, được cấp phép đầu tư từ năm 1997, với quy mô 300 giường bệnh còn khá mờ mịt, bởi tốc độ thi công quá chậm.

Đầu năm nay, kỳ vọng cũng được đặt ra với Dự án Bệnh viện Quốc tế Đại An Việt Nam - Canada. Song tới thời điểm này, Dự án này chưa có tiến triển nào đáng kể.

"Mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng kéo theo nhu cầu y tế tăng theo. Cộng với tỷ lệ sinh ở Việt Nam đang có xu hướng giảm, dân số già hóa tăng, thì rõ ràng, đầu tư vào y tế ở Việt Nam có tiềm năng lớn", ông Rick Evans, Chủ tịch Columbia Asia Group, chủ đầu tư một bệnh viện ở Bình Dương, một bệnh viện và một phòng khám ở TP.HCM đã từng chia sẻ.

Và thực ra, đó cũng là điều mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài trông chờ ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, kinh doanh dịch vụ y tế ở thị trường Việt Nam không đơn giản. Sự ra đi của Fotis, một phần vì nhà đầu tư này muốn thoái vốn để tập trung vào các thị trường trọng điểm, như Singapore, Sri Lanka..., song cũng đã có những đồn đoán về việc có thể, những điều mà tập đoàn này ngóng đợi ở Việt Nam không như kỳ vọng.

"Chúng tôi hiểu rằng, thiếu bác sỹ và y tá giỏi là thách thức lớn của ngành y tế Việt Nam", ông Martin Robinson nói.

Theo Nguyên Đức

Báo Đầu tư.

 

Pin It
Robert Anthony

"Đối nghịch với lòng can đảm không phải là sự hèn nhát mà là sự phục tùng"

User Menu