Nói thách, nguồn gốc sản phẩm không có xuất xứ rõ ràng, phong cách phục vụ chưa chuyên nghiệp là những trở ngại lớn nhất của chợ truyền thống trong cuộc cạnh tranh với các cửa hàng tiện lợi.
Cửa hàng tiện lợi xuất hiện ngày càng nhiều ở TP HCM và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới, đe dọa trực tiếp tới hoạt động buôn bán của các tiểu thương chợ lẻ. Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM chia sẻ với VnExpress.net về chiến lược kinh doanh cửa hàng tiện lợi và giải pháp vực dậy chợ truyền thống.
Cửa hàng tiện lợi xuất hiện ngày càng nhiều ở TP HCM. Theo bà, đâu là nguyên nhân chính?
Ưu điểm của cửa hàng tiện lợi là kiểm soát đầu vào hàng hóa chặt chẽ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điều này phù hợp với xu hướng hiện nay, khi người tiêu dùng có ý thức hơn về việc sử dụng sản phẩm sạch.
Những cửa hàng này nằm xen kẽ trong khu dân cư, công nghiệp, chế xuất, tạo kênh phân phối tiện lợi cho người dân.
Sự phát triển của cửa hàng tiện lợi có làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân và tới lúc nào đó các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa sẽ mất đi?
Sự xuất hiện của cửa hàng tiện lợi buộc tiểu thương ở chợ truyền thống phải tự làm mới mình. Chuyện nói thách phải chấm dứt và sản phẩm cần đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thay đổi phong cách phục vụ. Hiện tại sản phẩm ở chợ không có truy xuất nguồn gốc, kiểm soát đầu vào chưa chặt chẽ, trong khi cửa hàng tiện lợi làm tốt khâu này.
Để giúp chợ truyền thống đứng vững trước các kênh mua sắm hiện đại đang phát triển mạnh, Sở Công thương TP HCM tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương và thí điểm bán thực phẩm sạch ở chợ Bến Thành và Hóc Môn.
Xu hướng kinh doanh của cửa hàng tiện lợi trong thời gian tới?
TP HCM khuyến khích phát triển cửa hàng tiện lợi ở khu vực ngoại thành, hạn chế phát triển chợ trong nội thành. Thành phố cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại để phát triển hệ thống phân phối.
Với cửa hàng tiện lợi nếu mang yếu tố nước ngoài, khi kinh doanh phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đâu là điểm khác biệt chủ yếu giữa cửa hàng tiện lợi và siêu thị?
Cửa hàng tiện lợi là mô hình mới nên TP HCM đang xây dựng tiêu chuẩn cho loại hình hoạt động này để trình Bộ Công thương. Một siêu thị thường có khoảng 20.000 - 30.000 mặt hàng với diện tích tổng hợp từ 500 mét vuông trở lên. Nhưng có thể đối với một cửa hàng tiện lợi thì diện tích khoảng 150 mét vuông trở lên với khoảng 2.000 mặt hàng.
Khi có chủ trương chính thức từ Bộ Công thương thì mới có tên gọi đầy đủ và các quy chế quản lý đi kèm. Mặc dù gọi danh từ chung là cửa hàng tiện lợi, nhưng hầu như các cửa hàng vẫn chưa để dòng chữ này.
Các cửa hàng tiện lợi đã xuất hiện và phát triển theo chuỗi như FamilyMart, SatraFood, New Chợ... tuy nhiên vẫn chưa thống nhất về mặt hàng, chẳng hạn có nơi bán thực phẩm tươi sống, có nơi cung cấp thực phẩm chế biến sẵn hay chỉ bán đồ khô.
Tại TP HCM hiện có khoảng trên 475 cửa hàng tiện lợi, 243 chợ truyền thống nằm trong quy hoạch, 175 chợ tự phát và 163 siêu thị.
Riêng hệ thống siêu thị Co.op mart có 53 cửa hàng tiện lợi, 25 siêu thị. Chuỗi SatraFood cũng là dạng cửa hàng tiện lợi, có hơn 10 cửa hàng. Công ty Vissan có trên 100 cửa hàng tiện lợi. Hệ thống FoodCoMart của công ty lương thực TP HCM có khoảng 50 cửa hàng, chưa kể các doanh nghiệp khác như New Chợ, Circle K, Shop&Go, FamilyMart...
Hiện tại, có khoảng 40 doanh nghiệp tham gia vào mô hình cửa hàng tiện lợi. 70-80% hàng hóa ở đây sản xuất trong nước.
Theo Phương Mai
VnExpress