c384c3347f0000010031cf6cb5fe4c46tang 0068eNhiều doanh nghiệp top đầu thuộc nhóm VN-30 (30 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa và thanh khoản lớn nhất trên thị trường chứng khoán) đã có một năm kinh doanh trồi sụt. Đường đi nước bước của họ sẽ thế nào trong năm nay?

Khẳng định thế mạnh cốt lõi

Đến hẹn lại lên, trước mùa đại hội cổ đông năm nào, các doanh nghiệp lớn cũng khéo léo hé lộ những chiến lược kinh doanh khả quan để lấy lòng nhà đầu tư.

Là cánh chim đầu đàn của ngành sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vẫn giữ được phong độ. Năm 2012, Công ty có mức tăng trưởng ấn tượng, với tổng doanh thu đạt 27.102 tỷ đồng, tăng 23% so với kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế đạt 5.819 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước đó.

Hiện Vinamilk nắm giữ hơn 40% thị phần ngành sữa. Ở một số dòng sản phẩm sữa đặc và sữa chua, Vinamilk chiếm tới 80 - 90% thị phần. Với lợi thế đó, năm nay, Vinamilk sẽ không khó để hoàn thành kế hoạch đặt ra, với tổng doanh thu 31.780 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2012 và 5.230 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Đặc biệt, với quyết tâm giữ vững vị thế số 1 của mình, Vinamilk đang gấp rút hoàn thành hai nhà máy chế biến sữa lớn và hiện đại nhất châu Á, với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Lý do, theo bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vinamilk, là do nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa và hầu hết các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam.

Ngoài kết quả kinh doanh ấn tượng và những dự án hoành tráng nêu trên, đại gia thuộc Top 10 trong nhóm VN-30 này còn hưởng lợi rất lớn từ uy tín thương hiệu của cá nhân bà Liên. Mới đây, lần thứ 2 liên tiếp, bà Liên được Tạp chí Forbes (Mỹ) vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân xuất sắc nhất châu Á. Không chỉ vậy, nhận định Vinamilk là một trong những thương hiệu có khả năng sinh lời tốt nhất tại Việt Nam mà Forbes đưa ra còn giúp nhà đầu tư yên tâm hơn với đường đi nước bước của Vinamilk dưới sự dẫn dắt của bà Liên.

Có vị thế đầu đàn không kém gì Vinamilk, Công ty cổ phần FPT cũng có vị thủ lĩnh đầy quyền lực và đang tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là công nghệ. Tuy nhiên, khi hệ quả của suy thoái kinh tế vẫn không ngừng tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh doanh và sự chuyển giao thế hệ không thành công đã làm cho FPT có một năm kinh doanh không như kỳ vọng.

Doanh thu của hầu hết các lĩnh vực hoạt động của FPT đều tăng trưởng khá cao, từ 17 đến 60%, nhưng doanh thu của hai lĩnh vực có vai trò quan trọng nhất đối với FPT lại giảm so với năm 2011. Cụ thể, lĩnh vực sản xuất - phân phối - bán lẻ sản phẩm công nghệ (chiếm 57% doanh thu) giảm 12%; mảng tích hợp hệ thống (chiếm 12% doanh thu) giảm 11% so với năm 2011.

Cách đây không lâu, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc FPT tin tưởng rằng, các hướng phát triển dịch vụ của FPT, như xuất khẩu phần mềm, dịch vụ tin học, nội dung số và giáo dục có thể tiếp tục tăng trưởng tốt và doanh thu mảng phân phối, tích hợp hệ thống sẽ phục hồi.

Kỳ vọng là vậy, song trên thực tế, FPT đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là sự cạnh tranh của dòng smartphone giá rẻ của Samsung.

Trong các hoạt động của FPT, mảng xuất khẩu được nhà đầu tư kỳ vọng hơn cả. Hiện FPT đã có mặt ở 14 thị trường toàn cầu và thời gian tới sẽ phát triển ở Mỹ, Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Riêng với thị trường Đông Nam Á, FPT đặt trọng tâm vào thị trường Myanmar. Tháng 6 tới, FPT sẽ lập văn phòng đại diện tại đây và sau đó sẽ mở công ty. Đặc biệt, gần đây, FPT Software đã thành lập liên doanh BPO (ủy thác nghiệp vụ kinh doanh) đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á với Agrex (Nhật Bản).

Mở rộng không gian tăng trưởng

Những tập đoàn lớn, đầu tư vào nhiều lĩnh vực cũng phải chịu ảnh hưởng tiêu cực, khi các nguồn thu tiềm năng chưa có nhiều đóng góp. Điển hình là Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN), với doanh thu tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong năm 2012, đạt 10.839 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2.018 tỷ đồng, giảm 19% so với năm trước đó.

Nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh là do sự gia tăng của các loại chi phí, cộng với sự sụt giảm của khoản thu nhập tài chính và lợi nhuận từ công ty liên kết. Đặc biệt, năm qua, lợi nhuận thu được từ mảng tài chính (Ngân hàng Techcombank) đóng góp vào mức lợi nhuận chung của MSN khoảng 318 tỷ đồng, giảm 67% so với năm 2011.

Lĩnh vực thực phẩm, thông qua công ty con là Masan Consumer (MSC), tiếp tục là động lực chính cho sự tăng trưởng của MSN. Các ngành hàng chính của MSC tiếp tục đạt doanh số ấn tượng, với thị phần áp đảo liên tục qua các năm. Trong đó, sản phẩm mì ăn liền có mức tăng trưởng mạnh, thực hiện thành công chiến lược nâng cấp giá trị mặt hàng nước mắm Nam Ngư ở phân khúc trung cấp lên phân khúc cao cấp Chinsu – Nam Ngư và tăng thị phần cà phê hòa tan.

Tuy nhiên, dư địa tăng trưởng các sản phẩm tiêu dùng chủ lực nêu trên đang ở thời điểm bão hòa, nên MSN phải thâm nhập các mảng kinh doanh gắn liền với tiêu dùng, như chăm sóc y tế, bán lẻ và nông nghiệp. Đó là lý do để MSC tiếp tục tiến hành tìm không gian tăng trưởng cho mình qua các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong thời gian tới.

Ngoài ra, MSN kỳ vọng nhiều vào lĩnh vực khai thác khoảng sản trong năm nay. Lãnh đạo MSN khẳng định, giữa tháng 4 này, doanh nghiệp này sẽ khai thác mỏ đa kim Núi Pháo ở tỉnh Thái Nguyên. Trước mắt, Masan sẽ xuất khẩu sang một số thị trường và đạt giá trị khoảng 100 triệu USD. Đến năm 2014, các sản phẩm khai khoáng sẽ được chế biến sâu trước khi xuất khẩu, nhằm mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Song giới phân tích cho rằng, giá cả vonfram trên thị trường thế giới nhiều khả năng suy giảm, do nhu cầu phụ thuộc vào tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, trong khi nền kinh tế này được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, lượng cung vonfram trên thế giới sẽ tăng lên trong thời gian tới, khi một loạt dự án mới đi vào hoạt động.

Năm của đầu tư

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đạt mức tăng trưởng doanh thu tới 39,9% trong năm qua, nhưng lợi nhuận sụt giảm mạnh do tỷ suất lợi nhuận gộp của các lĩnh vực kinh doanh giảm. Trong đó, lĩnh vực bất động sản, nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận của Tập đoàn, có tỷ suất biên gộp giảm từ 47,7% xuống 26,8% do giá bán căn hộ giảm, trong khi chi phí giá vốn tăng. Tỷ suất lợi nhuận của các lĩnh vực xây dựng và dịch vụ, nhất là khoáng sản, cũng giảm do quy định cấm xuất khẩu quặng sắt áp dụng từ tháng 1/2012, khiến Hoàng Anh Gia Lai phải tiêu thụ ở trong nước, chủ yếu bán cho Tập đoàn Hòa Phát, với mức giá bán không cạnh tranh.

Riêng lĩnh vực cao su và mía đường lại đang được ông chủ Đoàn Nguyên Đức đặt nhiều kỳ vọng. Mặc dù tỷ trọng đóng góp của cao su vào doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai còn rất khiêm tốn (46 tỷ đồng), nhưng trong năm qua, Hoàng Anh Gia Lai đã trồng thêm được 14.497 ha, nâng tổng diện tích cao su lên 43.500 ha. Trong đó, diện tích trồng nhiều nhất là tại Lào, với 24.300 ha. Dự kiến, năm nay, sản lượng cao su thu hoạch đạt 10.000 tấn, với mức giá xuất khẩu trung bình dự báo ở mức 3.000 USD/tấn, thì doanh thu sẽ đạt khoảng 620 tỷ đồng. Ngoài ra, theo kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đầu tư trồng cao su, nâng tổng diện tích lên 51.000 ha.

Ở lĩnh vực mía đường, hiện diện tích trồng mía là 6.000 ha, nếu năng suất bình quân là 120 tấn/ha, thì sản lượng mía thu được đạt khoảng 720.000 tấn, sản lượng đường đạt 72.000 tấn.

Hiện chưa có thông tin chính thức về đầu ra cho sản phẩm đường của Hoàng Anh Gia Lai, song theo tính toán của ông Đức, trong trường hợp được phép nhập khẩu đường về Việt Nam, với mức giá bán ước tính là 13.500 đồng/kg, thì doanh thu từ mía đường có thể đạt 972 tỷ đồng.

Có thể thấy, năm nay, mảng bất động sản sẽ vẫn đóng góp chủ yếu vào doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai, trong khi lĩnh vực này được cho là chưa có tín hiệu khởi sắc. Những khoản đầu tư khác của Hoàng Anh Gia Lai đều là dài hạn, nên doanh thu và lợi nhuận chỉ có thể bứt phá trong những năm tới. Ông Đức tin rằng, khi đó, doanh thu từ mía đường và cao su sẽ có tỷ trọng đóng góp lớn hơn và có thể hỗ trợ Hoàng Anh Gia Lai gồng gánh các dự án trong những lĩnh vực còn lại.

Như vậy, năm nay vẫn nằm trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai ở cả trong và ngoài nước. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên rót vốn vào lĩnh vực khách sạn và du lịch tại thị trường Myanmar và hiện cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đầu tư vào lĩnh vực này tại Myanmar, chiếm 26% tổng vốn FDI.

Có thể thấy, doanh nghiệp Top VN-30 dù đưa ra kế hoạch hoành tráng hay thận trọng, thì họ vẫn thể hiện quyết tâm giữ vững vị thế của mình.

Theo Báo đầu tư.

Pin It
C. V. Ramanan

"Không thể có một cách làm đúng cho một hành động sai."

User Menu