Câu chuyện về văn hoá doanh nghiệp tại Starbucks từ lâu đã trở thành giai thoại nổi tiếng, được nhiều người mang ra mổ xẻ và học hỏi.

Howard Schultz – cựu Chủ tịch, cựu CEO của Starbucks, được biết đến là người đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành cà phê tại Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Schultz, Starbucks đã từ một công ty nhỏ trở thành chuỗi cà phê lớn nhất thế giới với hơn 30.000 cửa hàng trên toàn cầu. Dù là nhân vật đứng sau thương hiệu cà phê đình đám, Schultz từng tiết lộ rằng ông không hiểu biết nhiều về marketing.

Cụ thể, vào đầu năm 2019, cựu CEO Starbucks đánh tiếng cho biết ông đang cân nhắc ra tranh cử tổng thống Mỹ. Khi được hỏi về việc ông sẽ làm gì để “quảng cáo” bản thân với tư cách một ứng viên tổng thống, ông nói: “Phải nói rằng suốt 40 năm qua, tôi không biết nhiều lắm về việc xây dựng một thương hiệu.

Trong tuần này, có khoảng 100 triệu người tới các cửa hàng của Starbucks. Chúng tôi có 4.000 cửa hàng ở Trung Quốc và mở một cửa hàng mới mỗi ngày. Starbucks cũng mới được tạp chí Fortune vinh danh trong top công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới. Nhưng thú thật là tôi không biết nhiều về marketing”, Schultz nói với NBC News.

Tuy nhiên, Schultz cho biết một trong những quyết định quan trọng nhất ông từng đưa ra khi xây dựng thương hiệu Starbucks là cho nhân viên nắm giữ cổ phần công ty.

M1

Howard Schultz, cựu CEO của Starbucks
Ảnh: Reuters

“Chúng tôi đã làm vậy từ khi Starbucks chưa niêm yết và còn thua lỗ. Chúng tôi trả cho mọi nhân viên của Starbucks, kể cả nhân viên bán thời gian, 14% lương cơ bản dưới dạng quyền chọn cổ phiếu”, Schultz cho biết. “Bí mật của Starbucks là văn hoá, những giá trị, nguyên tắc và cách đối xử với nhân viên. Chúng tôi không hoàn hảo và cũng mắc sai lầm. Starbucks có 400.000 nhân viên và 30.000 cửa hàng, nhưng suốt 40 năm qua, chúng tôi đã chứng minh được rằng văn hóa là điều vô cùng quan trọng”.

“Ở Starbucks, chúng tôi học được rằng bằng cách mang đến những điều tốt đẹp cho nhân viên, cho khách hàng, chúng tôi có thể xây dựng được niềm tin vào giá trị thương hiệu. Bởi vì khi đó, họ sẽ muốn ủng hộ công ty có những giá trị tương đồng với của họ”, Schultz chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với NBC News đầu năm 2019.

Câu chuyện về văn hoá doanh nghiệp tại Starbucks từ lâu đã trở thành giai thoại nổi tiếng, được nhiều người mang ra mổ xẻ và học hỏi. Suốt nhiều thập kỷ phát triển, Starbucks xây dựng văn hoá chú trọng tới tinh thần và môi trường làm việc của nhân viên. Tại Starbucks, không chỉ khách hàng mà nhân viên cũng là “thượng đế”.

M2

Howard Schultz chụp ảnh cùng nhân viên trong một sự kiện của Starbucks
Ảnh: Starbucks

Vào thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong khi những công ty khác sa thải hàng loạt nhân viên để giảm chi phí, Starbucks lại đầu tư vào việc đào tạo nhân viên. Năm 2008, khi Starbucks gặp khó khăn về tài chính, Schultz quyết định tạm thời đóng 7.100 cửa hàng để đào tạo lại nhân viên pha chế nhằm tạo ra món Espresso hoàn hảo nhất. Năm 2014, Starbucks thông báo sẽ trả phí đại học cho nhân viên.

Tại chuỗi cà phê này, nhân viên được khuyến khích nêu quan điểm cá nhân và tạo nhiều ảnh hưởng hơn tới công ty. Mọi góp ý từ nhân viên sẽ được tiếp nhận để cải thiện sản phẩm và dịch vụ của Starbucks. Chính điều này mang đến cho nhân viên cảm giác được công nhận và có cơ hội chứng minh giá trị của bản thân.

Schultz tin rằng một khi nhân viên được chăm sóc tốt và mãn nguyện, họ sẽ nỗ lực hết sức để mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.

Có thể nói, trong suốt sự nghiệp tại Starbucks, ưu tiên hàng đầu của Schultz là chế độ cho nhân viên. Chính tuổi thơ khó khăn khi bố từng bị tai nạn lao động nhưng không được bồi thường và trợ cấp đã khiến Schultz dành sự quan tâm sâu sắc tới đời sống của nhân viên. Theo Schultz, đây chính là nhân tố quan trọng mang tới thành công cho Starbucks, giúp chuỗi này nhanh chóng phát triển ra hơn 70 quốc gia trên thế giới và thu về hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Trở lại cuộc đua vào Nhà Trắng, dù đã đánh tiếng, nhưng tới tháng 9/2019, Schultz chính thức tuyên bố không tham gia tranh cử. Gần đây, ông cho biết sẽ tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống Joe Biden. Hiện đã rời vị trí lãnh đạo Starbucks, Schultz vẫn là cổ đông lớn nhất của công ty này. Theo Forbes, hiện ông sở hữu tài sản 4,2 tỷ USD.

Lâm Phong
* Nguồn: BizLive

Pin It
Procter & Gamble

"Marketing là môn học liên quan đến giải quyết các vấn đề của khách hàng bằng sản phẩm và dịch vụ và qua đó tạo ra lợi nhuận"

User Menu