Đã có nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn - nơi chiếm hơn 60% dân số cả nước, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó...
Nhiều chương trình kết nối
Chiếm gần 2/3 dân số cả nước nên thị trường nông thôn rất rộng lớn đối với doanh nghiệp (DN) sản xuất các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày. Trong nước, đã có những thương hiệu như Bidrico, Mỹ Hảo... nhờ biết cách khai thác thị trường nông thôn nên phát triển tốt dù áp lực cạnh tranh với hàng ngoại là rất lớn.
Theo ông Lương Vạn Vinh - Tổng giám đốc Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, nhiều năm nay, Mỹ Hảo vẫn giữ được thương hiệu trước làn sóng thâu tóm của DN ngoại là nhờ vào thị trường nông thôn khi khu vực này đem lại 80% doanh thu cho công ty. Đến nay, Mỹ Hảo đã xây dựng được mạng lưới phân phối bài bản từ nhà phân phối khu vực, nhà phân phối tỉnh đến nhà bán lẻ, cùng những chính sách chăm sóc người bán, ưu đãi khách hàng không thua gì các tập đoàn đa quốc gia.
Bày bán, giới thiệu sản phẩm tại vùng nông thôn.
Nhưng không nhiều DN làm được như Mỹ Hảo, Bidrico. Để hàng Việt đến nhiều hơn với người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa, các cơ quan chức năng đã tổ chức xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, sau 10 năm triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đã có gần 4.000 đợt bán hàng về nông thôn với sự tham gia của hơn 100.000 lượt DN và 78.000 gian hàng, thu hút hơn 5 triệu lượt người dân địa phương tham quan, mua sắm. Sau 10 năm thực hiện, doanh thu mang lại từ chương trình đạt hơn 64.000 tỷ đồng.
Việc tổ chức các chuyến đưa hàng về nông thôn không chỉ giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt mà còn hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu. Chương trình giúp DN và người tiêu dùng có cơ hội giao lưu, trao đổi, tương tác nhiều hơn. Qua đó, tạo điều kiện để DN nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng tại mỗi địa phương để điều chỉnh sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt, phù hợp.
Một DN thường xuyên tham gia những phiên “Hàng Việt về nông thôn” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, chia sẻ: “Thông qua việc tổ chức hội chợ, triển lãm, phiên chợ hàng Việt, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã hỗ trợ tích cực các DN phát triển thị trường nội địa, tạo lập kênh phân phối, hệ thống bán lẻ ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn.
Doanh thu không như mong đợi
Thị trường nông thôn rộng lớn nhưng hệ thống bán lẻ hiện đại chưa vươn tới, sức tiêu thụ khó nên khó thu hút DN. Hiện nay, kênh thương mại truyền thống gồm hơn 1,1 triệu cửa hàng tạp hóa trải rộng khắp nước, việc đưa sản phẩm đến từng cửa hàng để thúc đẩy doanh số bán hàng từ lâu được cho là bài toán hóc búa đối với nhà sản xuất. Vì ngay cả các nhà sản xuất lớn với đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp và nguồn lực dồi dào cũng chỉ có thể phục vụ trực tiếp gần 30% cửa hàng.
Trong khi đó, mặc dù các cơ quan quản lý tổ chức nhiều hoạt động giúp DN khai phá thị trường nông thôn nhưng việc chinh phục người tiêu dùng khu vực này không hề dễ. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn chưa đạt như kỳ vọng của cả DN và người tiêu dùng.
Nhiều DN không muốn đưa hàng về nông thôn vì chi phí vận chuyển, thuê gian hàng và nhân công khá cao.
Để hòa vốn, DN phải bán được 130-170 triệu đồng/phiên nhưng thực tế, trung bình doanh thu trên mỗi phiên chỉ đạt chưa đến 100 triệu đồng.
Nhiều DN cho biết, hiệu quả về kinh tế từ các chương trình đưa hàng về nông thôn khiến DN không mặn mà vì chi phí vận chuyển, thuê gian hàng và nhân công khá cao. Để hòa vốn, DN phải bán được 130-170 triệu đồng/phiên nhưng thực tế, trung bình doanh thu trên mỗi phiên chỉ đạt chưa đến 100 triệu đồng. Đó là chưa kể các chuyến hàng Việt về nông thôn chủ yếu tập trung vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán theo hình thức hội chợ. Do diễn ra theo mùa vụ, trong thời gian ngắn nên khi kết thúc chương trình, người tiêu dùng muốn mua thêm sản phẩm cũng không biết tìm ở đâu, kết nối bằng cách nào.
Ngoài những vấn đề trên, hàng Việt vẫn chưa thể phủ kín thị trường nông thôn, mà theo Nielsen Việt Nam, nhiều DN chưa đánh giá đúng về người tiêu dùng nơi đây. Cũng giống như người tiêu dùng thành thị, người tiêu dùng nông thôn quan tâm đến sự tiện lợi, mua sắm nhiều kênh để có được giá tốt nhất, chất lượng sản phẩm phải cao và có giá hợp lý.
Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn trước đây, đại diện Công ty Nielsen Việt Nam cho rằng, vấn đề của DN khi tiếp cận thị trường nông thôn là phải xác định đâu là điểm cần tập trung bán hàng. Các nhà sản xuất không nên tham vọng phủ hàng hết các cửa hàng đang có ở thị trường nông thôn. Việc hiểu rõ khách hàng nông thôn mua sắm những gì, đâu là nơi họ mua sắm nhiều nhất chính là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của DN.
* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn