Thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội (MXH), trang tin giới thiệu sản phẩm, các phần mềm ứng dụng khi giao dịch... và các ứng dụng công nghệ được thế giới công nghệ phát triển và "du nhập" vào Việt Nam hiện đang thay đổi tư duy các nhà làm luật cũng như việc áp dụng pháp luật vào thực tế kinh doanh.

ldol

Các quy định pháp luật cũng đã có và đang dần hoàn thiện, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) và người khởi nghiệp chưa được trang bị những kiến thức pháp lý cần thiết về điều kiện kinh doanh và các chấp thuận cần thiết để tiến hành kinh doanh qua mạng internet hoặc có liên quan đến internet.

Đó cũng là lý do thời gian vừa qua có nhiều đơn vị kinh doanh qua mạng đã bị xử phạt, như trang Haivl.com hay Sgame, từ đây đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm khi kinh doanh qua mạng.

Kinh doanh TMĐT

Hoạt động TMĐT được hiểu là tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Pháp luật về hoạt động TMĐT đã quy định cụ thể những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của mình.

Hoạt động kinh doanh qua mạng thường được thực hiện thông qua hai hình thức chủ yếu là website TMĐT bán hàng và website cung cấp dịch vụ TMĐT, tất cả đều phải được đăng ký hoặc thông báo đến cơ quan chức năng. Ví dụ, chủ website TMĐT bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ TMĐT phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định.

Trang thông tin điện tử, MXH

Một website có các chuyên mục cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thống phải xin cấp giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp (ICP) tại Sở Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh nơi DN đặt trụ sở.

Chủ các website có dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến... phải đăng ký thiết lập MXH tại Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, nếu trang MXH có các hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT sẽ phải đăng ký với Bộ Công Thương. Cần lưu ý, với một tên miền, chủ website chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức là ICP hoặc giấy phép MXH.

Hoạt động quảng cáo (QC) trực tuyến

Việc QC trên báo điện tử có một số quy định cần tuân thủ như: Không được thiết kế, bố trí phần QC lẫn vào nội dung tin, hoặc đối với những QC không ở vùng cố định thì phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở QC, thời gian chờ tắt hoặc mở QC tối đa là 1,5 giây.

Các đơn vị khi thực hiện QC trên mạng thông tin máy tính phải đăng ký với cơ quan chức năng để xét duyệt nội dung. Không chỉ phải đảm bảo điều kiện kinh doanh hay điều kiện về sản phẩm, dịch vụ được QC mà trong một số lĩnh vực, các đơn vị thực hiện dịch vụ QC phải đáp ứng các quy định về hình ảnh, nội dung, thời lượng, thời gian QC, cách sử dụng từ ngữ...

Kinh doanh trò chơi trên mạng

Từ vụ việc của Sgame có thể nhận thấy rủi ro rất lớn từ việc kinh doanh trò chơi trên mạng không có giấy phép.

Các DN cung cấp dịch vụ trò chơi G1 (trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi, đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của DN) phải có giấy phép và quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đối với từng trò chơi điện tử.

Các loại hình dịch vụ trò chơi còn lại phải có Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và thông báo cung cấp dịch vụ đối với từng trò chơi điện tử.

Ngoài ra, DN cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử còn phải đáp ứng các điều kiện về tổ chức, nhân sự, kỹ thuật và lưu ý những hành vi bị cấm trong hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử.

Nghĩa vụ về thuế

Do đặc thù ngành dịch vụ và việc giao dịch sản phẩm, dịch vụ qua mạng nên việc tuân thủ quy định về thuế sẽ được xác định trên cơ chế tự khai, tự nộp của DN. Ngoài ra, khi thông báo, đăng ký thành lập website TMĐT, chủ website phải đăng ký nhập mã số thuế cá nhân và DN phải nhập mã số thuế DN, tuân thủ nghĩa vụ về thuế được pháp luật quy định.

Đơn vị nào tham gia bán hàng trên MXH có hình thức tương tự như sàn giao dịch TMĐT phải đăng ký với Bộ Công Thương và cũng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Tên miền, quyền sở hữu trí tuệ

Tên miền website được cấp theo nguyên tắc "duy nhất" và "first come, first served", tức là chủ thể đăng ký trước sẽ có quyền sử dụng trước.

Do vậy, cần phải bảo vệ tên miền bằng cách đăng ký "bao trùm", chẳng hạn như Công ty CP Kinh Đô đăng ký 63 tên miền .vn, hay eBay đã đăng ký trên 2.500 tên miền có chứa cụm từ "eBay" trên khắp thế giới.

Việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cũng cần thiết cho các đối tượng như bảo hộ tổ hợp các phần mềm để thực hiện chức năng TMĐT đặc thù, bản quyền đối với nội dung và hình thức website, nhãn hiệu công ty, bằng sáng chế...

Tóm lại, việc cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính do các vi phạm trong việc kinh doanh trực tuyến thời gian qua khá phổ biến và có thể tiếp tục gia tăng do sự phát triển của quá trình khởi nghiệp sáng tạo.

Do vậy, DN cần lưu ý các chấp thuận cần thiết về mặt pháp lý để đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, từ đó tránh những sai phạm không đáng có, bảo vệ DN khỏi những hành vi xâm phạm có liên quan.

Luật sư NGUYỄN VĂN LỘC - Chủ tịch LP Group
Theo DNSG

Pin It
John W. Teets

"Việc của người quản lý doanh nghiệp không chỉ để quan tâm đến hiện tại, mà là tương lai của của doanh nghiệp."

User Menu