Doanh thu của mảng bán lẻ trực tuyến hiện nay chỉ bằng 1-3% so với tổng doanh thu bán lẻ toàn thị trường. Do đó, "miếng bánh" TMĐT tại VN vẫn còn rất lớn và khá hấp dẫn.

Trực tuyến lấn sân ngoại tuyến?

sale-onl-tpĐã có một thời gian, hệ thống bán lẻ Thế giới Di động từng "kích cầu" hành vi mua sắm trực tuyến bằng cách chào bán sản phẩm trên trang web thấp hơn so với bán tại cửa hàng. Điều này đã nhanh chóng thu hút số lượng khách hàng đến cửa hàng xem sản phẩm, sau đó về nhà truy cập trang web thegioididong.com để mua hàng với giá bán rẻ hơn!

Tuy nhiên, sau đó Thế giới Di động lại thay đổi chính sách bán hàng, đưa giá bán trên thegioididong.com bằng với giá bán trực tiếp ở cửa hàng. Nhưng Thế giới Di động tiến hành đầu tư mạnh vào hệ thống bán hàng trực tuyến với phiên bản riêng dành cho những người sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Hệ thống bán lẻ Thế giới Di động, cho biết họ đang tiếp tục đầu tư cho hệ thống bán hàng trực tuyến, vì đây là một xu hướng mua sắm trong tương lai.
Cũng có một số trường hợp các doanh nghiệp đang kinh doanh mạnh về trực tuyến nhưng lại chuyển sang mở thêm cửa hàng kinh doanh trực tiếp. Đây cũng là cách làm thường gặp của những trang web bán hàng trực tuyến theo hình thức B2C (Business-to-Consumer, mô hình bán lẻ cho người tiêu dùng cuối).

Như Lazada cũng bắt đầu mở các cửa hàng bán hàng trực tiếp từ đầu năm nay tại Đà Nẵng nhằm khẳng định niềm tin của khách hàng vào hệ thống bán lẻ trực tuyến này. Lazada xác định các cửa hàng này sẽ trở thành trung tâm giới thiệu sản phẩm, nhịp cầu kết nối nhu cầu mua hàng trực tuyến với trang web lazada.vn.

Trước đó vài năm, trang web bán hàng theo nhóm Muachung.vn đã mở các cửa hàng với đầy đủ các mặt hàng đang bày bán trên trang web này. Tại đây, khách hàng có thể mua hàng hóa trực tiếp hoặc mua các deal (phiếu mua hàng theo nhóm) ngay tại cửa hàng; sau đó một số trang web bán hàng theo nhóm cũng tiếp bước mở cửa hàng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc phụ trách khối thương mại điện tử của Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp), đơn vị quản lý Muachung.vn, cho biết sau khi mở điểm bán hàng trực tiếp Muachung.vn đầu tiên, số lượng khách hàng đã nhanh chóng tăng lên gấp đôi. Hiện nay, các cửa hàng Muachung.vn vẫn tiếp tục được mở ở các tỉnh thành lớn.

Trong khi đó, Công ty Peacesoft (sở hữu chodientu.vn) lại tính đến việc hoàn thiện "hệ sinh thái" của hệ thống bán lẻ trực tuyến. Cho đến nay, Peacesoft đã có trong tay chợ bán lẻ trực tuyến chodientu.vn/ebay.vn; công cụ thanh toán trực tuyến Ngân lượng; gần đây nhất là shipchung.vn - cổng giao nhận cho thương mại điện tử...

Peacesoft hy vọng việc sở hữu một hệ thống bán hàng qua mạng - thanh toán trực tuyến - giao nhận hàng hóa sẽ giúp công ty chiếm ưu thế so với các đối thủ khác, bởi hai bài toán khó đối với doanh nghiệp thương mại điện tử là tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến và giao nhận hàng hóa.

Doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm ưu thế

Cuộc đua đang "nóng"?

Theo báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2013, tổng doanh thu trong năm 2013 từ 116 sàn giao dịch thương mại điện tử là khoảng 323 tỉ đồng. Đứng đầu doanh thu trong số các doanh nghiệp có gửi số liệu về Cục Thương mại điện tử - Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương là Chợ điện tử (29%); Lazada (22%); Vật giá (15%)... Còn tổng doanh thu 38 trang web khuyến mãi trực tuyến (bán hàng theo nhóm) đạt 774 tỉ đồng, trong đó Hotdeal dẫn đầu với 54% thị trường; tiếp sau đó là Muachung.vn (26%) và Nhommua.vn (3%)...

Các tập đoàn nước ngoài đang "tăng tốc" trong cuộc đua tăng thị phần bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam. Bên cạnh tập đoàn Rocket Internet của Đức huy động vốn lên đến 250 triệu đô la Mỹ trong năm 2013 cho Lazada; Rakuten, tập đoàn bán lẻ trực tuyến của Nhật Bản cũng đang thăm dò khả năng hợp tác với một doanh nghiệp thương mại điện tử ở Việt Nam.

Trước đó, ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DKT (sở hữu giải pháp thương mại điện tử Bizweb), đã dự báo rằng quy mô của ngành thương mại điện tử Việt Nam trong những năm 2014-2015 sẽ tăng gấp đôi so với năm 2013. Sẽ xuất hiện xu hướng mới là mua sắm trực tuyến thông qua các thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng...).

Ông Alexandre Dardy, Tổng giám đốc Lazada, nhận xét thương mại di động với hình thức mua sắm trên mạng bằng điện thoại thông minh sẽ trở thành xu hướng trong tương lai. Nhóm khách hàng trẻ tuổi ở Việt Nam sẽ trở thành đối tượng thích hợp cho phong cách mua sắm này.

Theo thống kê mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Flurry Analytics, mức tăng trưởng số lượng người dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam đang đứng thứ hai trên thế giới. Đây là một điều kiện tốt để các doanh nghiệp thương mại điện tử mở thêm kênh bán lẻ trực tuyến thông qua các ứng dụng di động iOS hoặc Android.

Các công ty sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn của Việt Nam như FPT Shop, Nguyễn Kim, Thế giới Di động... cũng bắt đầu tăng cường mảng bán hàng trực tuyến từ đầu năm 2013, như thay đổi giao diện trang web bán hàng, bổ sung các tính năng tiện ích khi mua sản phẩm qua mạng...

Bà Nguyễn Thị Bạch Điệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT Retail, cho biết bên cạnh việc mở hàng loạt cửa hàng ở nhiều tỉnh thành, chúng tôi cũng chú trọng đến mảng bán lẻ trực tuyến của hệ thống FPT Shop. Trong sáu tháng đầu năm 2014, kênh bán hàng trực tuyến của FPT Shop tăng trưởng 600%.

Một số công ty cũng bắt đầu chuyển từ hình thức kinh doanh B2C sang mở C2C (mở cửa hàng bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử) như Lazada, Zalora Việt Nam... Hoặc mở rộng cơ cấu mặt hàng kinh doanh như Tiki.vn, trước đây chủ yếu kinh doanh sách, văn hóa phẩm trực tuyến; nay Tiki.vn hướng đến đa dạng ngành hàng, bổ sung thêm các mặt hàng kỹ thuật số, điện gia dụng, thời trang...

Trở ngại thanh toán

Hiện nay việc lướt web, nhấp chuột để mua hàng trực tuyến khá đơn giản. Tuy nhiên, khâu thanh toán vẫn tồn tại một số rắc rối về thủ tục, thời gian thanh toán khi người mua trả tiền bằng thẻ ghi nợ nội địa, thanh toán qua ví điện tử...

Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Banknetvn, cho biết việc thanh toán bằng thẻ nội địa vẫn còn trục trặc so với thẻ tín dụng quốc tế. Điều này cũng gây trở ngại cho người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại TPHCM, lại nhận xét thanh toán trực tuyến đối với thương mại điện tử nếu xét về công nghệ không có gì khó khăn; nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích hợp công cụ thanh toán trên trang web bán hàng trực tuyến của họ. Khó khăn lớn nhất là thói quen mua sắm của người tiêu dùng, họ vẫn muốn cầm, nắm sản phẩm trước khi quyết định trả tiền.

Do đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử phải chọn cách thức giao hàng trước - trả tiền sau.
Theo một số doanh nghiệp thương mại điện tử quy mô nhỏ và vừa, về lâu dài thương mại điện tử Việt Nam sẽ cần đến sự hỗ trợ của các công ty làm hậu cần, dịch vụ sau bán hàng. Do loại hình kinh doanh trực tuyến, người mua không tiếp xúc với người bán nên sẽ gặp trở ngại không ít khi bán các mặt hàng như ti vi, điện thoại di động, máy tính xách tay... là những sản phẩm liên quan đến bảo trì, bảo hành.

Đón đầu nhu cầu này, dự kiến trong năm 2015, Công ty Giaohangnhanh sẽ tổ chức một loạt điểm giao dịch ở nhiều tỉnh thành. Các điểm giao dịch của Giaohangnhanh sẽ trở thành nơi cung cấp các dịch vụ sau bán hàng của các doanh nghiệp thương mại điện tử. Sau khi mua hàng trực tuyến, nếu hàng hóa gặp trục trặc hoặc liên quan đến bảo hành... khách hàng có thể tìm đến các điểm giao dịch đại diện của Giaohangnhanh.

"Miếng bánh" thương mại điện tử Việt Nam đang ngày càng lớn hơn trước, mức độ đầu tư của doanh nghiệp vào mảng bán lẻ trực tuyến cũng đang tăng lên. Do đó, cuộc chạy đua dài hơi giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử nội - ngoại như Chodientu.vn, Sendo.vn, Lazada, Zalora... cũng đang trở nên quyết liệt hơn.

Chí Thịnh

Theo TBKTSG

Pin It
David Packard

"Nguyên tắc đầu tiên trong quản lý: động lực phát triển sản phẩm mới không phải là công nghệ, không phải là tiền, mà là trí tưởng tượng của con người."

User Menu