DN phải xác minh rõ ràng nguồn gốc, danh tính, uy tín của khách hàng rồi mới "bắt tay" hợp tác.
Tìm từ đâu?
Trong năm 2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đứng ra tổ chức rất nhiều cuộc gặp gỡ, hội thảo giữa DN Việt Nam với các DN quốc tế, từ các quốc gia quen thuộc như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ba Lan, Thái Lan... cho đến DN tại các nước còn nhiều "mới lạ" như: Ai Cập, Azerbaijan, Hungary...
Bên cạnh đó, các DN Việt Nam còn được tham dự rất nhiều buổi hội chợ, triển lãm, giao lưu xúc tiến thương mại ở cả trong và ngoài nước. Đây chính là những cầu nối rất quan trọng, nếu DN biết tận dụng được những lợi thế này thì việc tìm kiếm, hợp tác với khách hàng mới, đáng tin cậy sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Đại diện Công ty TNHH chè Á Châu (Asia Tea) cho biết, DN thường tìm được khách hàng thông qua những thông tin ở hội chợ, triển lãm quốc tế, hoặc hai bên tự tìm đến nhau thông qua hệ thống website.
Cách để Asia Tea tìm nguồn khách hàng là dựa vào tên thương hiệu, quy mô công ty cũng như lịch sử kinh doanh lâu đời của họ. Với những khách hàng mới hợp tác thì DN phải vừa làm vừa tìm hiểu cùng những phương thức hợp tác thận trọng nhất có thể.
Bên cạnh đó, nhiều công ty như Công ty TNHH may Minh Anh thì đã có lượng khách hàng truyền thống, quen biết đủ để DN này hoạt động, nên chưa có nhu cầu tìm kiếm khách hàng mới. Hoặc như Công ty TNHH Hệ thống và Xúc tiến thương mại CG, bà Hà Thu Giang, Giám đốc công ty cho hay, đặc thù của DN là XNK thiết bị y tế, là sản phẩm đặc thù, không nhiều cơ sở sản xuất được nên việc tìm kiếm và hợp tác với khách hàng khá đơn giản.
Dù vậy, với một lượng lớn DN đang hoạt động trên thị trường hiện nay, nhất là các DN ở những địa phương nhỏ, thì việc tiếp cận khách hàng vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Nam Định, nguồn khách hàng mà các DN ở đây hợp tác được chủ yếu vẫn là hai bên tự tìm đến nhau, qua website của công ty nên việc xác minh nguồn gốc, độ tin cậy của khách hàng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khách hàng quốc tế. Các DN ở đây chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong công tác này.
Xác minh như thế nào?
Với một nền kinh tế đang ngày càng hội nhập và phát triển, bạn hàng quốc tế tìm đến với các DN Việt là điều tất yếu. Nhưng làm thế nào để các DN trong nước có thể tìm được thông tin để đảm bảo bạn hàng làm ăn chính đáng, không xảy ra lừa lọc hay nợ đọng?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng, trước khi DN đi vào sản xuất là đã phải tìm kiếm, xác định được đối tượng khách hàng là ai, khách hàng cần gì? Phải làm được như vậy thì DN hoạt động mới tránh được những rủi ro.
Còn theo ông Nguyễn Văn Khanh, việc xác minh khách hàng phải dựa vào thực chất của khách hàng, tên tuổi, thương hiệu tuy rằng có thể lớn nhưng nguồn vốn và tình hình tài chính mà họ hiện đang nắm giữ mới là vấn đề đáng quan tâm. Vì thế, DN trước khi hợp tác phải tìm hiểu kỹ, xác định qua các báo cáo tài chính, tình hình doanh thu, tình hình nợ đọng thuế, mức độ quan hệ với ngân hàng... của bạn hàng là như thế nào thì mới nên đặt bút ký kết hợp đồng.
Cùng với việc xác minh như trên, nhiều DN Việt Nam đã cẩn trọng hơn khi đưa ra những cách thức làm việc khoa học và thông minh.
Đại diện Asia Tea đã chia sẻ cách mà công ty này làm việc với khách hàng bên Pakistan như sau: Với các đối tác quen thuộc thì Công ty có thể chấp nhận thanh toán bằng hình thức trả tiền sau khi đã giao hàng, nhưng với các đối tác mới, tại những nước có nguy cơ xảy ra rủi ro thì Công ty đã yêu cầu bên NK đặt cọc khoảng 30% tổng chi phí.
Số tiền đặt cọc này đã được Công ty tính toán đủ khả năng để sản xuất, đưa hàng lên tàu vận chuyển sang nước bạn, thậm chí, đủ cả cước để hàng quay về nếu gặp sự cố. Sau khi hàng sang đến nơi, phía đối tác phải đồng ý thanh toán hết tiền theo hợp đồng thì Công ty mới gửi trả lại chứng từ bản gốc.
Cách làm trên của Asia Tea là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà có những khách hàng đặt đơn hàng ảo, DN nước ta chuyển hàng sang nhưng không có tiền trả về.
Do vậy, các DN khi hoạt động phải tìm được hướng đi hợp lý để phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh đó, DN có thể dựa vào các tổ chức, hiệp hội hay các cơ quan tham tán ở nước ngoài để giúp xác minh đối tác và có những hỗ trợ cần thiết khi xảy ra những rủi ro.
Theo Báo Hải Quan
Hương Dịu