Thăng chức là điều mà bất cứ ai cũng đều mong muốn đạt được trên con đường sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài sự nỗ lực trước đó, bạn phải đánh đổi rất nhiều thứ. Vậy, trước cơ hội thăng tiến “ngàn năm có một”, đồng thời cũng là lúc bắt đầu đối diện với nhiều thách thức, nên phấn khởi nhận lời hay ngậm ngùi từ chối? Hãy trả lời 5 câu hỏi này để có thể đưa ra cho mình quyết định đúng đắn nhất!

thang chuc nhan hay tu choi 1

#Câu hỏi 1: Bạn đã sẵn sàng để “gánh vác” vị trí này chưa?

Bạn đã thể hiện tốt năng lực bản thân trong vài dự án và sếp của bạn nhìn nhận được điều này, tuy nhiên, liệu bạn có đủ khả năng để tiếp tục làm tốt mọi thứ trong lâu dài không? Đảm nhiệm vị trí lãnh đạo ngoài năng lực vượt trội còn đòi hỏi nhiều kĩ năng mang tính chất “thiên phú”, bạn vẫn có thể học được chúng, quan trọng là bạn sẽ mất khá nhiều thời gian. Có điều, chiếc ghế “nóng” đó có chịu chờ đợi bạn hay không mới là chuyện đáng quan ngại. Vì vậy, khi được đề cử thăng chức, hãy chắc chắn rằng bạn đã trang bị cho mình đầy đủ, nếu chưa, hãy suy nghĩ lại!

#Câu hỏi 2: Mục tiêu nghề nghiệp trong dài hạn của bạn là gì?

Được thăng chức, đồng thời là cơ hội nhận được bổng lộc nhiều hơn một nhân viên bình thường, thật hấp dẫn! Nhưng dù sao đi nữa, bạn cần cân nhắc xem nếu nhận lời đề nghị thăng chức, vị trí này có làm ảnh hưởng đến mục tiêu nghề nghiệp mà bạn đã vạch sẵn không? Ví dụ, nếu sự thăng chức này chỉ là một bước tiến nhỏ, nhưng bạn có nguy cơ bị “mắc kẹt” với nó mãi mà không tiến lên được nữa thì bạn có muốn đảm nhiệm không? Hoặc, nếu được nhận một chức lãnh đạo “nhỏ” nhưng ngược lại, bạn phải chuyển đến nơi làm việc xa gia đình, cản trở bạn trong quá trình đạt được mục tiêu thì e rằng, bạn không cần phải “hi sinh” nhiều đến vậy!

#Câu hỏi 3: Chấp nhận đề xuất thăng tiến này, liệu bạn có còn được “sống chết” với đam mê của mình?

Thật ra, ai cũng có đam mê riêng, nhưng không phải người nào cũng có thể dùng đam mê của mình để kiếm ra tiền. Để có thể duy trì cuộc sống tốt nhất, đôi lúc chúng ta phải “cất” đam mê vào một góc nhỏ và tiếp tục cố gắng hoàn thành cho tròn trách nhiệm của những việc làm “tẻ nhạt” mang lại cho ta thu nhập. Ở vị trí của một nhân viên nhỏ, bạn có thể làm vậy, nhưng đã làm sếp, bạn không thể làm qua loa cho xong trách nhiệm mà phải gánh vác trên vai trọng trách rất lớn, áp lực đầy mình. Nếu lúc này bạn không có đam mê, không yêu thích công việc, thì bạn chẳng thể làm mọi thứ một cách tâm huyết và hoàn hảo nhất. Do đó, đừng làm lãnh đạo nếu bạn không hứng thú với công việc, vì điều này không những làm bạn mệt mỏi mà còn gây ra ảnh hưởng không tốt cho doanh nghiệp.

#Câu hỏi 4: Người từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo này giờ ra sao?

Hãy xem xem liệu người từng đảm nhiệm vị trí này hiện tại có đang thành công hay không, vì hình ảnh của họ cũng phản ánh phần nào bạn trong tương lai nếu như bạn “ngồi” vào chiếc ghế đó. Ví dụ, nếu người cũ bây giờ đã tiếp tục bước lên vị trí cao hơn thì khả năng chiếc ghế này là bàn đạp tốt để họ, và cả bạn, có thể chạm đến thành công. Ngược lại, nếu họ đã rời khỏi công ty, bạn cũng nên điều tra kĩ và thận trọng khi nhận công việc này. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự chủ động tìm đến người cũ, hỏi thăm đồng nghiệp,…sau đó tổng hợp ý kiến, lời khuyên để đưa ra cho mình quyết định đúng đắn nhất.

#Câu hỏi 5: Bạn sẽ nhận được gì nếu chấp thuận lời đề nghị thăng chức?

Những lợi ích mà bạn sẽ nhận được khi đảm nhiệm vị trí này không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định nhận chức của bạn, nhưng nó lại đóng vai trò rất quan trọng. Làm sếp thì trách nhiệm càng nhiều, thử thách càng tăng, nếu lương hay chế độ đãi ngộ vẫn “lèo tèo”, ai mà dám nhận đúng không nào? Do đó, hãy trao đổi, thỏa thuận cặn kẽ với cấp trên để bảo vệ quyền lợi cho mình, đồng thời tiếp thêm nguồn động lực để bản thân có thể làm việc một cách tốt nhất.

Xét đến cùng, nhận được đề nghị thăng chức chứng tỏ bạn đã vượt trội và xuất sắc hơn rất nhiều người rồi, chúc mừng bạn nhé! Còn quyết định chấp thuận hay từ chối thì sau khi nghiền ngẫm và tìm cho mình câu trả lời cho 5 câu hỏi trên, ắt hẳn bạn cũng đã phần nào quyết định được hướng đi tốt nhất cho con đường sự nghiệp của mình rồi. 

Sưu tầm

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Ngay cả khi mọi thứ đều thuận lợi, doanh nghiệp có kế họach marketing thường tạo ra được nhiều lợi nhuận hơn doanh nghiệp không có"

User Menu