Trưởng phòng Marketing của RBS (Ngân hàng Hoàng gia Scotland), David Wheldon cảnh báo các nhà làm marketing không nên nhảy vào tất cả xu hướng và công cụ marketing mới mà nên tập trung vào những khía cạnh quan trọng nhất của marketing. Đó là xây dựng, duy trì thương hiệu riêng biệt cũng như thấu hiểu người dùng.
Phát biểu tại hội nghị thường niên của ISBA (10/3), Wheldon nhấn mạnh rằng các nhà quảng cáo hiện đang quá ám ảnh với các xu hướng mới và điều này đang ảnh hưởng tới việc tập trung vào chiến lược dài hạn.
"Trong marketing, xu hướng đương nhiên là điều quan trọng. Một phương thức marketing mới xuất hiện giống như một giáo phái mới mà ta buộc phải tuân theo. Các marketer chạy theo hết khái niệm này tới khái niệm khác. Xin đừng giống như một chú chó sủa với bất cứ ai đi qua," ông chia sẻ.
Vị Chủ tịch Hiệp hội các nhà quảng cáo của Anh cho hay: "Rõ ràng, điều quan trọng nhất trong marketing không phải là sự bắt kịp. Đúng là thiết bị kỹ thuật số, dữ liệu, mạng xã hội và điện thoại di động đã mang tới những cú "sốc điện" cho chúng ta. Nhưng điều đó đâu có nghĩa là chúng ta phải ngay lập tức "sống chết" với nó.
David Wheldon trích dẫn một nghiên cứu của MediaSense tìm hiểu suy nghĩ của các nhà làm marketing về tương lai của ngành trong năm 2020. Theo đó, họ tin rằng vấn đề quan trọng nhất họ sẽ phải đối mặt chính là phân tích dữ liệu và sự hiểu biết, phát triển nội dung sinh động cũng như lập kế hoạch truyền thông đa kênh.
Tuy nhiên, theo Wheldon, những quan niệm này thực chất chỉ để tuyên truyền về ý tưởng cho rằng marketing ngày nay đã thay đổi.
"Tôi mở Google và tìm kiếm từ khóa "Liệu Marketing đã thay đổi?" và nhận được hàng tá kết quả cho thấy chính sự phát triển của kỹ thuật số, mạng xã hội, công nghệ và big data đang thay đổi marketing.
Tuy nhiên, tôi hoàn toàn không đồng tình về điểm này. Một khi bạn cho rằng khái niệm của marketing đã thay đổi đồng nghĩa bạn đang đi trên con đường giết chết nó.
Những công ty đang coi nhẹ chức năng của marketing trong khi lại tập trung phát triển khối dữ liệu và kỹ thuật số thì hãy cẩn thận đấy. Bạn đang nhầm lẫn marketing với công cụ, kênh truyền thông và việc lắng nghe phản hồi."
Wheldon tin rằng nhiều marketer đang thực hiện và tiếp cận những điều mới mẻ hơn. Tuy nhiên, những nhà marketing giỏi sẽ sớm nhận ra vai trò của sự tích hợp, tương tác và sự lắng nghe.
Chiến dịch kêu gọi an toàn đường sắt được thực hiện bởi Tập đoàn đường sắt Metro Trains của Úc là một ví dụ.
Dumb Ways To Die
Đoạn video "Những cách ngu ngốc để chết" (Dumb Ways To Die) đã nhận được hơn 123 triệu lượt xem và 4,8 triệu lượt chia sẻ trên Youtube, trong khi 65 triệu người đã ký vào bản cam kết online về giữ an toàn đường sắt.
Thành công của chiến dịch này dựa trên nghiên cứu khách hàng sâu sắc, sáng tạo xuất sắc; thương hiệu được xây dựng đáng nhớ và tập trung truyền tải mục tiêu kinh doanh.
Theo chuyên gia Wheldon, đoạn clip chỉ ra một sự thật đơn giản rằng tàu hỏa luôn chạy thẳng. Chính chúng ta là người có lỗi khi chắn đường. Đây chính là yếu tố "tại sao". Marketing luôn nhắc tới yếu tố "cái gì" và "như thế nào", song giá trị lớn lại nằm ở yếu tố "tại sao". Nếu các nhà làm truyền thông có thể bảo vệ giá trị "tại sao" bằng mọi giá thì thương hiệu của bạn sẽ khó có thể đổ bể.
Minh Thảo
Theo Trí Thức Trẻ/marketingweek