Khoảng 35 - 40% dân số sử dụng internet là cơ hội cho thương mại điện tử phát triển nhưng vẫn còn đó những thách thức. Theo báo cáo của Ủy ban Băng thông rộng Liên Hiệp Quốc, hơn 40% dân số thế giới đã kết nối trực tuyến và đến năm 2017, sẽ có hơn 60% dân số toàn cầu truy cập internet. Cùng với sự phát triển đó, xu hướng mua sắm trực tuyến cũng ngày càng gia tăng.
Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo, sẽ có khoảng 90% số người truy cập internet mua hàng trực tuyến trong tương lai. Đây là tín hiệu đáng mừng dự báo tương lai tươi sáng của xu hướng kinh doanh thương mại điện tử trên toàn thế giới.
Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), thương mại điện tử đang có bước phát triển rất nhanh nhờ hệ thống viễn thông phát triển vượt bậc với khoảng 1/3 dân số Việt Nam truy cập internet.
Tỷ lệ website có tính năng đặt hàng trực tuyến cũng đã đạt đến con số 58%, trong đó, tỷ lệ website có tính năng thanh toán trực tuyến là 15%. Với những thuận lợi như dễ dàng tìm kiếm và chọn lựa mặt hàng, tiết kiệm tối đa thời gian, dịch vụ chăm sóc tốt và hàng loạt các lợi ích đi kèm, người tiêu dùng (NTD) hiện đại ngày nay rất ưa thích giao dịch bằng hình thức mua sắm trực tuyến.
Dù phát triển mạnh nhưng hiện nay, khoảng 64% giao dịch mua hàng qua mạng vẫn thanh toán theo phương thức trả tiền sau, đây là thách thức lớn đối với thương mại điện tử.
Theo các chuyên gia, phương thức thanh toán giao hàng nhận tiền (COD) trong thương mại điện tử vẫn đang chiếm ưu thế tại Việt Nam khi có tới trên 60% giao dịch thanh toán COD. Thói quen sử dụng tiền mặt và lòng tin của NTD trong giao dịch trực tuyến là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin Trần Hữu Linh cho rằng, nhiều doanh nghiệp (DN) chọn giải pháp kinh doanh hoàn toàn dựa trên hình thức thanh toán COD mà không sử dụng thanh toán trực tuyến. Việc thanh toán bằng COD đem lại nhiều rủi ro cho DN về chi phí, khả năng trả lại đơn hàng cao và làm giảm hình ảnh chuyên nghiệp của DN.
Số liệu nghiên cứu của MVV Digital Media JSC công bố hồi giữa năm 2015 cho thấy, sự trải nghiệm mua hàng trực tuyến rất khác nhau giữa các ngành hàng.
Đơn cử như với nhóm ngành hàng vận chuyển, dịch vụ bán vé máy bay, sau khi nghiên cứu trực tuyến, có 70% khách hàng quyết định mua hàng trực tuyến, số còn lại đến các quầy đại lý. Trong khi đó, với ngành hàng xe máy, có chưa đầy 17% quyết định mua hàng trực tuyến, còn lại là đến các cửa hàng xem sản phẩm và quyết định mua hàng.
Bên cạnh đó, sự phát triển của dịch vụ chuyển phát vẫn chưa theo kịp sự phát triển của bán lẻ trực tuyến. Với 35 - 40% dân số sử dụng internet hằng ngày, mua sắm trực tuyến đang dần trở thành xu hướng tất yếu, tạo cơ hội cho các DN thương mại điện tử và nhà chuyển phát phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, sự phát triển của dịch vụ chuyển phát vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Đây cũng là trở ngại lớn đối với thương mại điện tử.
Các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, việc triển khai các phương thức thanh toán điện tử là cần thiết trong tăng trưởng bền vững của DN. Các DN cần chủ động chuẩn bị hạ tầng và phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước để đẩy mạnh thanh toán trực tuyến. Hình thức có thể thông qua việc khuyến mãi khi sử dụng thanh toán trực tuyến hoặc hỗ trợ trực tiếp, phối hợp với các ngân hàng.
Hiện nay, xu hướng của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến đang hướng tới sự chuyên môn hóa cao. Người bán hàng tập trung nguồn lực vào các hoạt động dẫn người mua tới giao kết hợp đồng trực tuyến. Cùng với đó, các dịch vụ liên quan như lưu kho, đóng gói, chuyển phát, thanh toán, nhận trả hàng... cũng phải phát triển theo kịp đà tăng trưởng. Mối quan hệ giữa các nhà bán lẻ trực tuyến với các nhà cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng có tác động rất lớn đối với sự phát triển của thương mại điện tử.
Sự thiếu tin tưởng vào việc mua bán trên mạng cũng như việc thanh toán tiền hàng trực tuyến đã trở thành thách thức chính khiến thương mại điện tử ở Việt Nam chưa thể tăng trưởng như mong muốn. Việc làm thế nào để có được niềm tin của khách hàng là cực kỳ khó khăn. Vì vậy, giải quyết bài toán thanh toán điện tử phải song hành với việc tạo dựng niềm tin nơi NTD trong thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom), các yếu tố từng kìm hãm thương mại điện tử vài năm trước như hạ tầng công nghệ thông tin, khung pháp lý... đã được khắc phục. Các rào cản hiện nay là lòng tin của NTD, bảo vệ thông tin cá nhân và bảo vệ NTD, giải quyết cạnh tranh trong giao dịch mua bán trực tuyến.
Mặc dù việc thanh toán hiện đã trở nên dễ dàng hơn nhờ sự hợp tác giữa các trang thương mại điện tử và các ngân hàng, nhưng số lượng này cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ ở Việt Nam.
BẢO NGỌC/DNSG