Quan hệ cổ đông (Investor Relations - IR) giúp doanh nghiệp (DN) thu hút nguồn vốn, hỗ trợ các kế hoạch kinh doanh và giữ vững thị phần. Thế nhưng, hầu hết DN Việt Nam vẫn chưa nhận thấy sự cần thiết của các hoạt động này và các nhà đầu tư (NĐT) thường phải đối mặt với một rào cản rất lớn là sự hạn chế thông tin của DN.

Tại hội thảo "Hoạt động quan hệ cổ đông" do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) phối hợp với Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng tổ chức, ông Harold Woo - Chủ tịch Hiệp hội Các chuyên viên IR Singapore - nhận định: "Trong giai đoạn hiện nay, nguồn vốn là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và thị trường chứng khoán chính là nơi đáp ứng nhu cầu vốn đó. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, DN chỉ huy động được nguồn vốn khi tạo dựng được niềm tin với NĐT bằng tầm nhìn phát triển bền vững".

ir

Và ông nhấn mạnh: "Chỉ có tổ chức IR chuyên nghiệp mới là cơ sở giúp DN nâng cao năng lực quản trị, hướng tới tăng trưởng bền vững và thu hút NĐT đồng hành cùng DN".

Đánh giá về tầm quan trọng của hoạt động IR, các chuyên gia thống nhất quan điểm: IR sẽ giúp DN mở rộng mạng lưới các NĐT dài hạn, tối đa hóa giá trị của cổ đông và giảm chi phí vốn của công ty, xây dựng hình ảnh DN và tăng sức cạnh tranh trong việc thu hút vốn, NĐT.

Vì vậy, minh bạch và tin cậy là yếu tố quan trọng trong IR. Ngoài ra, các thông tin DN cung cấp cho cổ đông cần kịp thời và chính xác, đảm bảo tính thống nhất và liên tục.

Thực tế đến thời điểm này, IR không còn xa lạ với DN Việt Nam, thế nhưng theo bà Trần Anh Đào - Phó tổng giám đốc HOSE thì: "Trong khi các NĐT nước ngoài và các tổ chức chú trọng đến hoạt động này thì hầu hết DN Việt Nam vẫn chưa quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, các NĐT muốn tìm hiểu về DN Việt Nam thường phải đối mặt với rào cản rất lớn là sự hạn chế về các thông tin nền tảng của DN".

Đơn cử, khi gửi thư mời dự hội thảo về chủ đề này cho hơn 300 DN niêm yết trên HOSE thì chỉ nhận được phản hồi từ 70 DN; hay một chương trình khảo sát của HOSE cũng chỉ nhận được ý kiến của chưa tới 80 DN.

TS. Nguyễn Thu Hiền - Giám đốc Chương trình Cao học Quản trị kinh doanh Maastricht MBA, Đại học Bách khoa TP.HCM, chuyên gia quản trị công ty khu vực ASEAN - cũng chia sẻ: "Trên website của các DN trong nước, phần nội dung IR còn khá nghèo nàn so với DN trong khu vực".

Ông Goh Keat Jin - thành viên Hội đồng Thành viên, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng - đưa ra lời khuyên giúp DN khai thác nguồn vốn hiệu quả: "DN cần có sự hiểu biết sâu sắc về các NĐT quốc tế, hiểu cách họ tư duy và điều họ cần tìm kiếm trước khi quyết định đầu tư vào các công ty niêm yết thì mới có thể giữ chân NĐT ở lại với công ty".

NĐT thường quan tâm đến những nhân tố đẩy mạnh giá trị của công ty. Bộ phận IR cần chuyển tải hiệu quả, kịp thời các chiến lược mang lại giá trị cho cổ đông, hỗ trợ NĐT và chuyên viên phân tích hiểu thêm về công ty qua việc cung cấp dữ liệu tài chính, diễn giải ý nghĩa các con số,... đặc biệt phải biết được thị trường cần gì, định hướng kỳ vọng của thị trường sao cho phù hợp với kết quả khả thi.

Ông Harold Woo chia sẻ thêm, tâm lý các NĐT đều muốn được tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo DN, bởi họ sẽ được nghe thông tin từ nguồn đáng tin cậy.

Theo chuyên gia này, trên toàn cầu, tổ chức roadshow là hình thức thu hút được nhiều NĐT nhất và cũng mang lại hiệu quả cao nhất. Cuối cùng là yếu tố minh bạch và tin cậy, DN cần áp dụng cách tiếp cận mở và nhất quán, thiếu minh bạch sẽ dễ tạo ra sự nhầm lẫn, mất uy tín.

Muốn vậy, DN phải có IR tốt, nghĩa là thông tin cung cấp bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chí kịp thời, minh bạch và được cập nhật chính xác, đây là những yếu tố làm nên giá trị công ty và tạo lợi thế giúp DN có thể tiếp cận với nhiều kênh huy động vốn khác nhau, có chi phí rẻ hơn. "Tạo dựng niềm tin bền vững với NĐT chính là lợi thế cạnh tranh lớn nhất", ông Harold Woo nhấn mạnh.

Đại diện Công ty niêm yết PVD chia sẻ kinh nghiệm giai đoạn đầu lên sàn chứng khoán: "Lần đầu lên sàn năm 2007, công tác IR của Công ty còn rất lỏng lẻo và việc truyền thông, xử lý khủng hoảng thông tin là một thách thức rất lớn với bộ phận IR. Sau thời gian trải nghiệm các biến động của thị trường và xác định tầm quan trọng của việc công khai, minh bạch thông tin, các hoạt động IR của chúng tôi dần chuyên nghiệp hơn. Đến giai đoạn 2012 - 2015, chiến lược IR được hoạch định chuyên nghiệp và hỗ trợ các kế hoạch phát hành của Công ty theo hướng cân đối giữa giá thị trường và giá trị DN, bộ phận IR cũng chuyển từ cách thức thông tin thụ động sang thông tin chủ động".

Đánh giá tầm quan trọng của IR, ông Vũ Hữu Điền - đại diện Quỹ Dragon Capital cho rằng, các công ty quản lý quỹ phải xem NĐT góp vốn là ông chủ thực sự. Phải giới thiệu được DN quan tâm họ như thế nào, phải xem IR là cuộc chiến giành NĐT về công ty mình, nếu làm tốt thì họ sẽ về với DN...

Theo ông Trần Chí Sơn - phụ trách IR của Công ty Vinamilk, IR không chỉ là kêu gọi vốn mà còn là cầu nối với NĐT và nhiệm vụ quan trọng của IR là cung cấp thông tin để mọi NĐT tiếp cận DN. IR trên website của DN phải có tính khoa học, cần chia mục cụ thể, như báo cáo thường niên, thông tin tài chính theo quý, năm... và nên công bố bằng cả tiếng Anh để có thể thu hút dòng vốn ngoại.

Ý NHI/DNSG

Pin It
David Packard

"Nguyên tắc đầu tiên trong quản lý: động lực phát triển sản phẩm mới không phải là công nghệ, không phải là tiền, mà là trí tưởng tượng của con người."

User Menu