Lời nói của người bán hàng có thể khiến khách hàng vui vẻ mở hầu bao không cần suy nghĩ nhưng cũng có thể trở thành vũ khí sát thương, khiến thương vụ mua bán “xôi hỏng bỏng không” ngay lập tức. Để chinh phục khách hàng, đừng biến quy trình bán hàng thành việc diễn thuyết, phô diễn kiến thức hay đả kích mang tính cá nhân. Bạn cần tránh xa 9 kiểu nói dưới đây.

kỹ năng bán hàng

1. Lời nói có tính phê bình

Đây là thói quen khá phổ biến của nhiều người bán hàng, đặc biệt những người mới bước chân vào nghề, họ thường không suy nghĩ thấu đáo trước khi nói, khiến người khác bị tổn thương. Ví dụ, “Bộ quần áo này có vẻ không hợp với chị lắm!”, “Trà này có chút khó uống nếu chị không ưa ngọt”... Những lời nói này dù người nói không thực sự có ý chỉ trích, nhưng trong hoàn cảnh đó, khách hàng sẽ cảm thấy không thoải mái.

Nhân viên bán hàng nên sử dụng thường xuyên những lời khen ngợi, nhưng cũng phải chú ý đến mức độ, nếu không sẽ khiến người khác cảm thấy giả tạo.

2. Bảy tỏ ý kiến chủ quan

Trong kinh doanh, chúng ta nên tập trung vào chủ đề chính, đừng bàn và tham gia vào những vấn đề không liên quan đến mình như chính trị, tôn giáo... Những vấn đề này không có ý nghĩa thực tế với việc bán hàng, hơn nữa nếu nói sai bạn có thể vô tình gây ra những chuyện nghiêm trọng.

Một vài nhân viên mới vào nghề chưa đủ kinh nghiệm nên trong quá trình giao tiếp với khách hàng thường thiếu năng lực khống chế chủ đề đối thoại và sa đà vào những vấn đề mang tính chủ quan cao. Nhiều người còn cố gắng tranh cãi để bảo vệ ý kiến của mình một cách gay gắt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thỏa thuận kinh doanh. Tóm lại, những vấn đề không liên quan đến bạn hoặc thương vụ bạn đang nhắm tới thì nên bỏ qua, nhất là những đề tài mang tính chủ quan. Người bán hàng cần phải biết tự tiết chế bản thân mới mong thu được hiệu quả cao trong giao tiếp.

3. Sử dụng thuật ngữ chuyên ngành

Người bán hàng do thói quen nghề nghiệp thường sử dụng những từ chuyên ngành một cách vô thức khiến khách hàng bối rối. Thay vào đó, hãy dùng từ ngữ đơn giản để giải thích rõ ràng, chuẩn xác cho khách hàng nhằm tránh những trở ngại không đáng có.

4. Khoa trương thái quá, nói không đúng sự thật

Đừng nói khoác về tính năng của sản phẩm! Khách hàng sử dụng sản phẩm sẽ biết bạn nói hay hay dở. Đừng vì lơi nhuận nhất thời mà nói quá về tác dụng và giá cả sản phẩm. Bất kỳ sản phẩm nào cũng có những mặt tốt và những mặt thiếu sót. Người bán hàng nên đứng ở góc độ của khách hàng, phân tích rõ những ưu điểm và nhược điểm của sản phẩm, phân tích tình hình thị trường cũng như giá cả của những đối thủ cạnh tranh để họ tiếp nhận sản phẩm của bạn một cách cởi mở.

5. Dùng những từ ngữ có tính đả kích

Để hạ thấp giá trị của đối thủ cạnh tranh nhằm nâng tầm vóc của mình, nhiều nhân viên đã sử dụng từ ngữ có tính công kích mạnh. Tuy nhiên, việc này chỉ khiến hình ảnh của bạn trở nên thấp kém hơn. Đa phần những người bán hàng khi nói những lời công kích này thường không suy xét và không biết được rằng những lời công kích như vậy rất phản cảm. Việc tỏ ra chủ quan quá mức sẽ không có lợi cho việc làm ăn của bạn.

6. Đề cập đến những vấn đề riêng tư

Khi trò chuyện với khách hàng, các nhân viên bán hàng cần nắm bắt những yêu cầu của họ thay vì đề cập đến những chuyện cá nhân. Cho dù những câu chuyện riêng tư đó liên quan đến bạn, và cuộc sống của bạn thay vì khách hàng, nhưng nó không mang lại lợi ích gì cho mối quan hệ hai bên. Nó rất vô ích, gây lãng phí thời gian và ảnh hưởng đến cơ hội bán hàng của bạn.

7. Đặt ra những câu hỏi nghi vấn

Bạn có thể lo lắng khách hàng không hiểu những gì bạn nói nên thường hỏi lại “Anh hiểu không?”, “Anh biết điều đó chứ?”. Đây đều là những câu hỏi gây phản cảm, khiến khách hàng cảm thấy bị nghi ngờ khả năng nhận thức của họ, cảm thấy họ không được tôn trọng tối thiểu từ đối phương.

Nếu lo lắng khách hàng chưa hiểu rõ những gì mình nói, bạn có thể dùng những câu dò hỏi để tìm hiểu “Anh/chị có cần tôi nói lại lần nữa không ạ?”. Những cách hỏi như vậy sẽ khiến người nghe dễ chấp nhận hơn. Có khi khách hàng thực sự không hiểu cũng sẽ chủ động hỏi bạn hoặc yêu cầu bạn nói lại lần nữa.

8. Không linh hoạt trong các tình huống khô khan

Trong các thương vụ, có những vấn đề rất khô khan nhưng không thể không bàn tới tuy không ai muốn nghe. Tốt nhất hãy nói một cách đơn giản nhất, tóm tắt đại ý sẽ khiến khách hàng không thấy mệt mỏi. Trong quá trình trao đổi, bạn hãy thay đổi góc độ nhìn nhận, tìm vài câu chuyện họ thích nghe để khiến không khí bớt căng thẳng và trở lại vấn đề sau để tạo hiệu quả tốt nhất.

9. Nói lời thiếu nhã nhặn

Những người có giáo dục có ý thức luôn được người khác mến phục; ngược lại những người ăn nói khó nghe khiến người khác thấy bất mãn. Những người bán hàng nên nói lời nhã nhặn, uyển chuyển thay thế cho những từ ngữ nhạy cảm có khả năng mất lòng người khác.

Đừng biến quy trình bán hàng thành việc diễn thuyết, thay vào đó, hãy khéo léo để thuyết phục khách hàng.

Theo “72 thuật tấn công tâm lý trong bán lẻ”

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Nếu không có đủ ngân sách thì một ý tưởng dù hay đến mấy cũng không thể cất cánh"

User Menu