"Nhất mar, nhì lượng" – đó là câu nói cửa miệng của nhiều sinh viên trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, nơi tôi theo học 4 năm đại học.

Môn marketing căn bản có lẽ là môn học ám ảnh nhiều thế hệ sinh viên trường tôi nhất kể từ khi ngành này ra đời và được giảng dạy tại đây. Lí do thì chắc không đếm hết nhưng khách quan thì môn học này có nhiều thông tin rời rạc và khá khó nắm bắt logic giữa một rừng khái niệm. Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm đúc kết từ bản thân về môn.

no

1. [Tên bạn], đừng sợ!

Thất bại đầu tiên khi đối mặt với môn học khá khó ăn này là nỗi sợ vô hình về cái "nhất" – môn học dễ trượt nhất ở Đại Học với các ngành kinh tế và kinh doanh. Và đó cũng là lí do lớn nhất mà điểm thi lần đầu tiên môn này của tôi chỉ vượt điểm qua môn một chút.
Bước vào một môn học mới nào, tốt nhất bạn hãy đón chào nó bằng một sự mới mẻ hơn là sự sợ hãi môn học đó. Sau đó bạn có thể dễ dàng tiếp thu môn học đó theo cách của mình. Nếu như bạn chưa học đã sợ thì vào học cái là bị cảm giác "ngợp" xâm chiếm khi phải hiểu-thuộc quá nhiều khái niệm.
Một điều nữa, câu chuyện thường là khó với họ, nhưng dễ với ta, do vậy hãy ném áp lực và suy nghĩ vào sọt rác trước khi bắt đầu môn marketing căn bản.

2. Câu chuyện về một nguyên lý của marketing
Nếu trên là nguyên nhân thất bại lớn nhất thì đây lại là chìa khóa thành công lớn nhất trong lần thứ 2 thi môn học này. Đó là logic xâu chuỗi một bồ khái niệm khó hiểu và tưởng như rời rạc và giúp bạn hiểu vấn đề tốt hơn.
Marketing trong cuốn sách màu xanh lam của NXB ĐH "Kiếm Tiền Quá Dễ" được thế giới đang định nghĩa như thế hệ 2.0 (giờ đã tiến hóa lên 3.0) và điểm đặc trưng là tập trung vào khách hàng. Tác giả của sách, theo quan điểm của tôi, muốn kể một câu chuyện về sự phù hợp: khách hàng tìm những giá trị để đáp ứng nhu cầu, và vì có nhiều hơn 1 sản phẩm có thể khỏa lấp sự thiếu hụt đó (cạnh tranh), nên họ sẽ ưu tiên chọn những gì gần gũi với thói quen sống và sở thích hơn. Và bạn sẽ là người tạo ra giá trị phù hợp với những đặc điểm đó của khách hàng: đừng chỉ bán sản phẩm tốt nhất bạn có, mà hãy bán sản phẩm phù hợp nhất với Khách hàng – đó là nguyên lý căn bản lớn nhất mà bạn cần nhớ không chỉ để học mà sau đó có thể sử dụng lại khi làm việc.
Do vậy, khi học môn này, bạn sẽ thành công khi bạn đưa ra được giải pháp phù hợp nhất và độc đáo nhất với tình huống đã cho. Và khi đó, ta sẽ có một chiến thuật làm bài thi thuyết phục như sau:

  • Hãy trình bày giải pháp theo mô hình: hành vi khách hàng – giải pháp marketing phù hợp với hành vi đó.
  • Cố gắng nêu và phân tích vấn đề cạnh tranh, cũng như phương án bạn muốn làm khác biệt trong phần trả lời.
  • Làm độc đáo câu trả lời bằng những kiến thức, hoặc thông tin liên quan bạn đọc ở bên ngoài. Nếu có thể, đưa thẳng ra một phương án sáng tạo ở bất cứ khía cạnh nào mà đề bài hỏi tới.

3. Không hiểu nội dung sách viết, làm sao đây?
Chắc hầu hết các bạn đã từng xem phim/truyện Harry Potter và Hoàng Tử Lai, trong đó có kể Harry tự nhiên trở thành ngôi sao môn độc dược nhờ một cuốn sách cũ nát từng thuộc về một người có biệt danh là Hoàng Tử Lai. Thực tế, tôi cũng từng tìm thấy một cuốn sách như vậy khi học môn Marketing Căn Bản.
Thành thật mà nói, cuốn marketing căn bản (NXB ĐH KTQD) không khác gì một cuốn từ điển. Mà từ điển thì hiếm có ai có thể nhớ nổi sau một hai lần học và sau khi ra khỏi phòng thi còn có gì đó đọng trong não để làm việc sau này. Nguyên nhân của vấn đề nan giải này ở chỗ kinh phí. Sách thật thì khó bán, ra hôm nay ra sách cái là quán Tuấn Hùng có luôn – nhưng giá rẻ 1 nửa, thành ra lỗ. Vì vậy cả tác giả và nhà xuất bản đều không dịch và biên tập bản đầy đủ.
Nhìn chung, các thông tin trong sách mà sinh viên mua đều rất căn bản và được rút gọn từ cuốn Nguyên Lý Marketing – Philip Kotler. Đau đầu ở chỗ, phần rút gọn là các ví dụ thực tiễn để mô tả cho khái niệm được nêu trong sách. Lúc đầu, tôi cũng nghĩ, đọc thêm phần ví dụ đó thì cũng vậy thôi, lại tổ tốn thêm thời gian lúc ôn thi. Nhưng khi được đọc cuốn dịch đầy đủ Marketing Căn Bản – Philip Kotler (NXB Thống Kê 1997), mọi thứ thay đổi 180 độ, do các ví dụ viết trong đó rất hay và cuốn hút, thậm chí tôi còn thấy nó quyến rũ! Các câu chuyện kinh doanh, case study nhỏ được kể rõ ràng để giải thích cho các khái niệm của sách. Nhưng cái quý nhất ở chỗ, từ các ví dụ này, bạn có thể hình dung được, bạn sẽ làm marketing như thế nào?
Bạn có thể tìm cuốn Marketing căn bản – Philip Kotler (NXB Thống Kê 1997) ở khu đọc sách thư viện ĐH KTQD, màu vàng mỡ gà, nhàu nát. Cuốn này rất dày, dày đến mức làm gối đầu lúc ngủ ở thư viện cũng được nên theo tôi, bạn chỉ cần đọc các phần quan trọng như: cạnh tranh, định vị, lựa chọn thị trường và phần các chiến lược phát triển.

4. Đặt câu hỏi
"Lí do bạn xuống Trái Đất là gì?"
Câu nói troll nổi tiếng này đã gợi ý một chuyện rất quan trọng không chỉ học marketing căn bản mà còn hầu hết các môn học khác, thậm chí khi bạn đi làm: mục tiêu, mục đích.
Mỗi phần học của marketing căn bản thường nói rất sâu vào vấn đề đó, quá chi tiết đến mức, đôi khi mình mất đi cái nhìn toàn cảnh của câu chuyện mà tôi đã nêu ra ở phần 2. Mỗi khi cảm thấy bị lạc như vậy, hãy nhớ đến chiếc la bàn câu hỏi: "phần này học để giải quyết vấn đề gì cho câu chuyện về sự phù hợp phía trên?". Ví dụ:
- Lựa chọn thị trường để giải quyết vấn đề gì cho câu chuyện?
- Phần sản phẩm để giải quyết vấn đề gì từ câu chuyện?
Sau đó, khi đọc, bạn sẽ từ từ trả lời cho câu hỏi đã đặt ra và mọi chuyện dễ trở lên sáng sủa hơn.
Và cũng đừng quên tận dụng giảng viên của bạn cho những vấn đề bạn chưa hiểu. Vì bạn cũng đang mua dịch vụ giáo dục do họ cung cấp, hãy tận dụng tối đa vì "người bán hàng" cũng rất thích "bị tận dụng".

5. Học marketing căn bản toàn lý thuyết?!
Nếu ai nói câu này, thì thực sự họ chưa hiểu gì về ý nghĩa môn học này ở trường đại học. Marketing căn bản chính là một môn học rất thực tế, khi nó khái quát hàng tỷ các vấn đề kinh doanh trên thị trường (market) thành vài dòng ngắn ngủi để bạn đọc. Bạn hãy tưởng tượng, bạn sẽ thích đọc hàng triệu bài viết chuyên ngành hay chỉ đọc 1 dòng nhỏ dù nói cùng 1 vấn đề?

Hơn thế nữa, nội dung trong sách là tri thức về mặt tư duy (không kỹ năng) của hàng trăm năm và bạn chỉ cần mất vài tháng để học. Thành ra, hãy trân trọng tri thức của ông cha hơn là cố gắng đối phó với nó. Cái gì tự nhiên thì cũng dễ thấm và dễ dàng vượt qua hơn mà.
Và có lẽ do khái quát quá, nên nhiều người không nhìn nhận thấy điểm tương đồng giữa sách và thực tế làm việc. Tôi đã thử nghĩ theo cách này, bạn thử xem, khi học tôi đóng vai là sếp của nhãn hàng OMO và bắt đầu bóc tách những hoạt động phức tạp của nhãn này dựa trên những quan sát hàng ngày theo các đề mục trong sách. Khi đó bạn sẽ thấy mọi thứ trong sách rất đúng!
Suy ra công thức áp dụng: Thấu hiểu sự thật ngầm hiểu của thị trường + các đề mục trong sách = ý tưởng marketing để nộp cho sếp.

Theo marketingbakers.com

Không ghi tác giả

Pin It
Ted Levitt

"Sự khác biệt giữa sales và marketing nằm ở chỗ sales bán đi những gì mình có, trong khi marketing thì có những gì khách hàng cần"

User Menu