Sáng ngày 12/9, tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động và bà bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh – Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam đã có cuộc trao đổi gây tranh cãi về chủ đề quản trị bằng yêu thương.

“Yêu thương” – “Tham số” vô hình, “giá trị” hữu hình

Kỷ nguyên 4.0 hay điển hình nhất là sự “lên ngôi” của công nghệ IoT (Internet of Things) – Internet kết nối vạn vật, đã thay đổi rất nhiều hình thái xã hội khác nhau và thay đổi cả cách mọi người giao tiếp với nhau hằng ngày.

T1

Cuộc đối thoại giữa ông Nguyễn Đức Tài và bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh thu hút rất đông doanh nhân.

Ngày nay, câu hỏi đặt ra cho các nhà lãnh đạo và các chuyên gia nhân sự tại mỗi doanh nghiệp luôn là: Làm sao để giữ chân được nhân tài ở lại với công ty khi mà nhân viên có quá nhiều sự lựa chọn? Nhưng liệu có thể quản trị bằng yêu thương, khi mà ranh giới giữa yêu thương với bao che, tin cậy và giao quyền với ỷ lại và núp bóng rất dễ xâm lấn lẫn nhau?

Liệu có thể dùng yêu thương để có được lòng tin, trung thực, tín nhiệm, công bằng, đoàn kết và khen thưởng thích đáng trong doanh nghiệp, giúp các nhân viên hiểu nhau hơn và cống hiến hết mình, trung thành và đem lại hiệu suất tốt hơn? Hay yêu thương vẫn là giải pháp xa xỉ đối với quản trị doanh nghiệp?

Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh phân tích: “Trước đây, nếu nhân viên chỉ làm những công việc bình thường tại văn phòng thì ngày nay họ có thể làm việc ở bất cứ đâu và bất cứ nơi nào. Nhân viên ngày nay ít bị lệ thuộc vào những người lãnh đạo của mình. Ngược lại, họ đòi hỏi nhiều hơn về mục tiêu, ý nghĩa và các mối quan hệ trong công việc. Họ gắn bó và lựa chọn môi trường làm việc là dựa trên mối liên hệ và sự quan tâm giữa mọi người với nhau”.

“Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn “ngủ đông” trong việc tạo ra văn hóa ứng xử với nhân viên của họ, trong khi những nghiên cứu cho thấy rằng trong một môi trường có văn hóa “yêu thương” – nơi mà sự ghi nhận và đánh giá hiện diện – nhân viên thường có kết quả công việc tốt hơn và gắn bó lâu hơn” – Bà Khánh Linh nói.

T2

Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh cho rằng doanh nghiệp thời 4.0 gặp nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Đức Tài được biết đến là một trong những doanh nhân tiên phong trong việc đưa yêu thương trở thành một trong 5 giá trị cốt lõi vào việc quản trị đội ngũ nhân sự của Thế Giới Di Động.

Theo ông Tài, thứ nhất là đổi mới ngoài thị trường bằng cách chú trọng, củng cố sự thấu hiểu môi trường kinh doanh, công nghệ và thương hiệu công ty; thứ hai là đổi mới trong môi trường làm việc bằng cách tập trung vào việc chiêu mộ nhân tài, phát triển và gắn kết đội ngũ.

Xây dựng văn hóa yêu thương trong doanh nghiệp

Thực tế là, văn hóa yêu thương có thể sẽ tạo ra sự thỏa hiệp với mục tiêu phát triển kinh doanh của các công ty nếu không có những phương pháp và hệ thống phù hợp. Nên việc kết hợp yêu thương có chủ đích, hướng tới hiệu quả kinh doanh chưa bao giờ là một điều dễ dàng.

Ông Nguyễn Đức Tài đưa ra quan niệm “CEO giỏi cần có chữ Tín và sự thành tâm”, theo ông Tài, đó chính là yếu tố đã đưa Thế Giới Di Động trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Ông Tài cho biết hồi năm 2015, là năm phát triển “nóng” của Thế Giới Di Động thì cũng đồng thời là năm đạt chỉ số gắn kết đội ngũ cao nhất, theo báo cáo khảo sát do Dale Carnegie Việt Nam thực hiện.

“Hồi trước, Thế Giới Di Động cũng chỉ là vài cửa hàng. Nhìn ra xung quanh, thấy các doanh nghiệp khác phát triển rần rần, mà sao mình cũng đâu có kém họ mà tại sao mình vẫn ì ạch thế? Sau khi trăn trở và đưa yêu thương vào làm giá trị cốt lõi và thúc đẩy quyết liệt bộ máy lãnh đạo phải thực hiện, thì tình hình đã khác. Bởi tôi cho rằng, chúng tôi đang kinh doanh ngành dịch vụ, nên yếu tố yêu thương phải được coi là vô cùng quan trọng, khác hẳn các ngành khác. Một người nhân viên không hạnh phúc thì không thể nào anh ta mang niềm vui đến cho những người khách hàng xa lạ” – Ông Tài nói.

T3

Ông Nguyễn Đức Tài kể về quá trình xây dựng văn hóa yêu thương trong doanh nghiệp

“Năm 2015 đánh dấu một cột mốc lớn với Thế Giới Di Động. Vì phát triển nhanh, “nóng” nên cũng nhiều trưởng bộ phận được thăng chức, nhưng nếu chỉ toàn áp lực kinh doanh, thì mọi mục tiêu mà doanh nghiệp muốn đạt được đều trở thành nỗi dằn vặt của nhân viên. Tôi cho rằng đập bàn quát tháo nhau có thể đạt được kết quả nhưng nhẹ nhàng thảo luận cũng có thể đạt được. Thế nên tôi kiên quyết xây dựng chiến lược giá trị yêu thương. Tất cả những quan niệm cũ phải loại bỏ. Trước kia nếu trưởng phòng sa thải nhân viên “trong vòng một nốt nhạc” thì nó chứng tỏ là “em quyết liệt lắm”, còn ngày nay đó là điều tầm bậy, thậm chí nó chứng tỏ em thiếu kỹ năng lãnh đạo. Trước kia các phòng ban có thể đưa ra nhiều mức phạt hà khắc thẳng tay để đảm bảo kỷ cương, nhưng ngày nay lại phải suy nghĩ rất kỹ trước khi phạt bất cứ một nhân viên nào” – Ông Tài cho biết.

“Khi đã triển khai được giá trị yêu thương, thì công việc kinh doanh không còn thuần túy kiếm tiền nữa mà mỗi ngày đến công ty, tôi phải gặp được những con người có cùng chí hướng, cùng niềm tin, cùng hệ giá trị. Tôi cho là đó mới là con đường kinh doanh bền vững” – Ông Tài bày tỏ.

Tất nhiên, để triển khai thành công giá trị cốt lõi là yêu thương, thì bộ phận nhân sự, công tác tuyển dụng phải rất tốt. “Nhân sự phải phù hợp với giá trị yêu thương mà công ty đang có, thì bộ máy mới chạy tốt, chứ rất khó để thay đổi một con người. Giả sử nếu người nhân viên đã trưởng thành hơn 20 năm trong một gia đình “sống chết mặc bay” thì rất khó để có thể triển khai giá trị yêu thương với người đó, và cũng rất khó để người nhân viên đó truyền yêu thương, niềm vui, sự tin tưởng… đến khách hàng. Tuy nhiên, vẫn có thể học được cách yêu thương, nếu nhân viên được chứng kiến nhiều chuyện xảy ra trong cuộc đời đi làm của họ” – Ông Tài lưu ý.

“Hơn nữa, để một văn hóa có thể sống được trong doanh nghiệp thì quá trình xây dựng, thực nghiệm, lan truyền, để nó ngấm vào trong máu của nhân viên cũng phải mất từ 3 đến 5 năm mới thành công. Nếu không đủ thời gian, sẽ chỉ là hô khẩu hiệu mà thôi” – ông Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dù khó, ông Tài vẫn tin rằng quản trị bằng yêu thương là phương pháp đúng, bởi điều quan trọng nhất, cho dù chúng ta có phát triển trên nền tảng công nghệ máy móc hoàn toàn đi chăng nữa, thì vẫn là con người điều hành, quản trị máy móc, cho nên phải đặc biệt coi trọng kết nối giữa con người với con người.

* Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị

Pin It
Ruud Gullit

"Người thủ môn là người thủ môn bởi vì anh ta không biết chơi bóng đá."

User Menu