“Mobile first” là một cụm từ mà chắc các bạn làm bên mảng marketing cũng thường xuyên nghe dạo gần đây. Nó nhấn mạnh rằng các thiết bị di động ngày nay đã là phương tiện được nhiều người dùng sử dụng để truy cập internet nhất và do đó các doanh nghiệp và công ty cần phải suy nghĩ về việc sản phẩm dịch vụ hoặc nội dung mà mình muốn truyền tải đến khách hàng phải được tối ưu cho trải nghiệm di động trước.

Để truyền tải nội dung đến người dùng trên di động thì hiện nay chủ yếu có 2 cách đó là thông qua mobile web và mobile app. Hãy cùng đi vào để hiểu chúng là gì, điểm mạnh cũng như điểm yếu và những giải pháp để giải quyết chúng.

mobile

Mobile web là gì?

Mobile web là các trang web được tối ưu hóa để hiển thị tốt hơn cho người dùng khi họ xem điện thoại. Có 3 loại mobile web thường thấy là:

1. Responsive site

Trang web tự động thay đổi kích thước và phương thức hiển thị tùy theo kích cỡ màn hình của thiết bị mà người dùng sử dụng để truy cập. Toàn bộ việc thay đổi của responsive website thường là dựa trên CSS, không tác động gì đến HTML và URL của website cũng không thay đổi.

Conversion.vn là một ví dụ về responsive site, hiển thị cùng một nội dung và HTML cho dù là trên mobile hay điện thoại.

2. Dynamic serving site

Trang web tự động cung cấp 2 phiên bản website khác nhau về mặt dựa theo thiết bị mà người dùng truy cập vào website. Khác biệt của dynamic serving so với responsive là HTML của các thiết bị nhận được sẽ khác nhau. Giống nhau là URL của website sẽ không thay đổi.

Google.com và Amazon.com là một trong trong số những ví dụ nổi bật về kiểu website dynamic serving.

3. Separated mobile site

Hay còn gọi là xây dựng 2 website riêng biệt cho desktop và mobile. Các website này sẽ không phụ thuộc nhau về mặt nội dung, URL cũng khác nhau. Các trang này thường sẽ tự phát hiện người dùng sử dụng thiết bị gì để redirect vào phiên bảng website phù hợp.

Facebook là ví dụ về một trang có trang desktop (facebook.com) và mobile (m.facebook.com) là 2 trang riêng lẻ.

Mỗi loại mobile website đều có đặc trưng riêng cũng như điểm mạnh và điểm yếu. Dưới đây là một bản thống kê so sánh các yếu tố của mỗi loại:

mobile1

Kết luận:

Responsive thì rất tiện lợi và phù hợp cho các website thiên về tin tức, nội dung mà chủ yếu người dùng chỉ cần đọc là chủ yếu. Chi phí thiết lập thấp, bảo trì dễ dàng, thực hiện nhanh chóng và dễ quản lý nội dung, URL và SEO. Đây là lựa chọn cho đa số các website vừa và nhỏ không có các tính năng phức tạp. Đối với các website có nhiều tính năng hơn và có tính tương tác người dùng thì responsive đôi khi sẽ không đủ để mang lại trải nghiệm người dùng tốt nhất.

Dynamic serving thì phức tạp và tốn kém hơn trong việc thiết lập và mặt kỹ thuật nhưng vẫn dễ về phần bảo trì, quản lý về nội dung, URL và SEO. Nhưng dynamic serving mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn so với responsive cho các website có nhiều tính năng ví dụ như e-commerce.

Separate mobile site có lợi ích là mang lại trải nghiệp tốt nhất cho người dùng trên di động vì toàn bộ website được thiết kế và lập trình để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên chi phí cũng như thời gian để thực hiện là tốn kém nhất và việc bảo trì về kỹ thuật cũng như quản lý nội dung, URL và SEO cũng trở nên phức tạp hơn. Nếu bạn có chi phí, thời gian và muốn mang lại trải nghiệm cao nhất cho người dùng thì đây là lựa chọn.

Mobile app là gì?

Mobile app chính là các ứng dụng di động mà bạn có thể sử dụng để truy cập vào các nội dung mà bạn muốn trên các thiết bị như điện thoại di động. Hiện tại có 2 loại ứng dụng mà bạn thường dùng và 2 loại khác nữa sắp tới có thể sẽ là xu hướng. Hãy cùng điểm qua các loại mobile app này:

1. Native mobile app

Đây là các loại app mà bạn sẽ download nội dung xuống điện thoại và truy cập vào chúng khi sử dụng. Các loại app đặc trưng cho loại này có thể kể đến đa phần các games mà bạn thường chơi. Thông thường tất cả những hình ảnh, âm thanh và các level trong game đều đã được download xuống do đó bạn có thể chơi game mà không cần phải có internet (một số game bắt bạn phải có internet mới chơi được đơn thuần là vì chúng cần đăng nhập, có mua bán vật phẩm bên trong hoặc vì chúng là game online).

Facebook là một ví dụ điển hình của native mobile app.

2. Hybrid mobile app

Trước khi nói vào hybrid mobile app là gì, bạn cần hiểu về web app trước. Web app là các ứng dụng được viết trên nền tảng browser để người dùng có thể tương tác ngay trên đó. Ví dụ thường thấy nhất có thể kể đến các web game, ví dụ như slither.io hoặc mấy trò chơi trên Facebook mà thỉnh thoảng bạn lại bị bạn bè mời chơi.

Gọi là hybrid (lai) mobile app vì nó kết hợp những điểm đặc trưng của web app và mobile app với nhau. Các hybrid mobile app này được viết bằng ngôn ngữ lập trình web (HTML5, CSS3 và Javascript) và sau đó được “bao bọc” bằng một lớp vỏ (container) bên ngoài để trở thành giống như native mobile app và có thể download được trên appstore.

Một số app bạn thường xuyên sử dụng thật ra là hybrid: Uber, Instagram Gmail, Evernote, Twitter, v.v...

Native mobile app hay hybrid mobile app, mỗi cái đều có điểm mạnh và điểm yếu của chúng. Bên dưới là một bản so sánh:

mobile2

Kết luận:

Native mobile app: mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng tuy nhiên lại cũng tốn kém nhất về chi phí, thời gian phát triển ứng dụng cũng như là bảo trì. Việc nâng cấp các nội dung cũng không dễ dàng mà bắt buộc phải nâng cấp cả ứng dụng theo. Các ứng dụng native có thể hoạt động ngay cả khi không có mạng nếu tất cả file cần thiết đã được download xuống điện thoại.

Hybrid mobile app: trải nghiệm người dùng trên điện thoại tốt, việc phát triển ứng dụng dù không đơn giản nhưng ít phức tạp hơn native mobile app. Việc cập nhật nội dung sẽ dễ dàng hơn do nội dung được sync từ website.

Mobile web hay mobile app?

Mobile app chiếm phần lớn thời gian sử dụng, nhưng...

Nghiên cứu mới đây nhất của Flurry Analytics cho thấy 90% thời gian người dùng sử dụng điện thoại là tương tác với mobile app, chỉ 10% là sử dụng browser để truy cập internet.

Điều này có thấy rằng nếu bạn muốn tiếp cận người dùng di động thì bạn nhất định phải có một ứng dụng di động cho công ty của bạn? Và ứng dụng di động có phải là kênh truyền tải nội dung tốt nhất? Câu trả lời là, không hẳn. Vì sao?

5 ứng dụng di động hàng đầu gần như độc chiếm

Nếu bạn nhìn lại cách mà bạn đang sử dụng các ứng dụng di động bạn có thể thấy rằng đa phần thời gian khi sử dụng ứng dụng di động hằng ngày, bạn chỉ tập trung vào một số ứng dụng chủ yếu (Facebook, Youtube, email, chat app, v.v...).

Thực chất nghiên cứu từ comScore cho thấy 5 ứng dụng hàng đầu chiếm 80% – 90% tổng thời lượng sử dụng trên mobile.

Điều này cho thấy trừ khi bạn có thể đưa được ứng dụng của mình vào top, thì còn lại khả năng nhận được tương tác của ứng dụng bạn sẽ rất thấp hoặc gần như không có.

Download giảm, tỉ lệ bỏ app tăng

Số lượng mobile app được tạo ra và đăng tải lên trên app store đang gia tăng liên tục trong nhiều năm qua:

Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây từ Quartz và comScore cũng cho thấy có tới hơn 65% người dùng không hề download ứng dụng mới vào điện thoại hàng tháng.

Và thời gian người dùng sử dụng app trước khi bỏ nó cũng đang giảm liên tục.

Điều này cho thấy hệ sinh thái các ứng dụng ngày nay đang dần trở nên ngày một cạnh tranh hơn với số lượng app quá nhiều, khiến cho những app mới và nhỏ gần như không có khả năng được tìm thấy và được download bởi người dùng. Và cho dù các app này có được download thì gần như khả năng bị bỏ sau một hoặc vài lần sử dụng là rất cao.

Chi phí để người dùng download app đang tăng

Để app của bạn được phát hiện và được download nhiều hơn thì hiện nay chỉ có 2 cách là hoặc bạn phải nằm trong top danh sách trên app store hoặc được quảng cáo chúng trên các kênh online để tiếp cận nhiều người download hơn. Trong đó việc quảng cáo là rất quan trọng vì số lượng download và sử dụng của app là một trong những yếu tố quyết định ứng dụng đó có lọt top hay không. Tuy nhiên theo thời gian thì chi phí quảng cáo để cài đặt app đang gia tăng một cách nhanh chóng, tăng gần 200% trong vòng chỉ 12 tháng, theo Fiksu.

Với sự gia tăng cost per install như vậy, việc đầu tư để tăng số lượng người sử dụng thông qua quảng cáo là gần như không khả thi với những app nào không có khả năng tài chính. Và ngay cả khi có người download rồi thì khả năng từ bỏ app vẫn là rất cao, khiến cho việc có được ROI như mong đợi từ ứng dụng là một điều khó khăn.

Với tất cả những yếu tố trên chúng ta có thể thấy khó khăn lớn nhất của ứng dụng chính là việc làm sao để thu hút người dùng trong điều kiện bão hòa, và khi đã có người dùng rồi thì việc giữ họ tiếp tục sử dụng cũng là một khó khăn lớn không kém.

Mobile web vẫn rất quan trọng

Dù được nói ở trên rằng chỉ có khoảng 10% thời lượng người dùng dành cho di động, tuy nhiên, theo nhiều nguồn thông tin thì mobile web lại được nhận định là mang lại nhiều traffic hơn so với mobile app. Thực chất việc kết nối giữa desktop web và mobile web tiện lợi hơn. Tùy theo độ tuổi người dùng hoặc category mà đôi khi mobile web lại có thể chạm tới được nhiều người dùng hơn:

Và trong một số ngành đặc trưng ví dụ như tài chính, bảo hiểm, bán lẻ, du lịch, v.v... thì mobile web đóng một vai trò quan trọng trong việc mang lại traffic và đóng góp vào sự phát triển.

Một số ngành thì mobile web vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc mang lại traffic. Nguồn: Morgan Stanley.

Mobile web là miệng phễu và mobile app là đáy phễu

Những thông tin trên cho thấy mobile web sẽ không vì việc mobile app chiếm ưu thế về thời gian sử dụng mà mất đi tầm quan trọng của mình mà hơn bao giờ hết nó ngày càng trở nên cần thiết hơn về việc bạn phải có một website tối ưu hóa tốt cho mobile.

Tuy mobile web có khả năng thu hút nhiều khách viếng thăm hơn nhưng với mobile app bạn sẽ có những người dùng trung thành hơn. Người dùng có xu hướng dành nhiều thời gian cho mobile app hơn là web sau khi họ đã cài ứng dụng:

Việc sử dụng mobile web hay mobile app là hoàn tùy thuộc vào tình hình và đặc tính mảng kinh doanh của bạn. Trong một số trường hợp, một mobile web tốt là tất cả những gì bạn cần để cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Một số trường hợp khác thì mobile app lại là một lựa chọn tốt hơn. Khi đối diện với câu hỏi về việc bạn nên đầu tư vào mobile web hay mobile app thì đây là một số câu hỏi bạn nên tự hỏi:

  • Những tính năng có quá phức tạp đến mức phải làm thành một mobile app hay nó có thể giải quyết được với website?
  • ROI của mobile app như thế nào nếu bạn đầu tư vào nó? Nếu bạn đầu tư nó vào một mobile web thì sao?
  • Khách hàng của bạn là ai? Họ thích dùng mobile web hay mobile app hơn?
  • Mobile app của bạn có phải là thứ được dùng thường xuyên hằng ngày hay không?
    ....

Trong một số trường hợp, nếu bạn muốn vươn tới được nhiều hơn nữa những đối tượng khách hàng của mình thì có thể bạn sẽ cần phải có cả mobile web và mobile app. Mobile web như là miệng phễu hứng những người dùng mới và mobile app như là đáy phễu, giữ lại những khách hàng trung thành cho bạn.

Những giải pháp mới đang xuất hiện

Định nghĩa về mobile web và mobile app thực chất đang càng ngày càng mờ đi với sự phát triển và xuất hiện của những giải pháp mới hướng đến việc giải quyết những giới hạn đang có của cả mobile web và mobile app.

1. Progressive web app

Progressive web app (PWA) là một xu hướng mới mà trong đó hướng đến việc biến các web app thành một chuẩn mới của ứng dụng trên mobile. Lúc này người dùng có thể skip hoàn toàn việc cài đặt một ứng dụng chỉ để truy cập vào nội dung của dịch vụ đó. Người dùng có thể truy cập vào website mobile của dịch vụ đó thông qua browser và sau đó chỉ cần add icon của dịch vụ vào home screen, đại loại cũng giống như 1 bookmark vậy. Lần sau người dùng có thể bấm mở dịch vụ đó ngay trên điện thoại mà không cần phải vào browser nữa.

Flipkart.com là một trong những website đầu tiên ứng dụng PWA. Xem clip dưới đây để hiểu PWA là thế nào và biết làm sao trải nghiệm thử PWA của Flipkart.

Note: ở Việt Nam thì Lazada.vn dường như cũng đã có PWA. Không biết các bạn e-commerce khác như thế nào.

2. Mobile app streaming

Nghe tên chắc bạn cũng phần nào đoán được, mobile app streaming cho phép bạn có thể sử dụng một ứng dụng một cách trực tiếp và ngay thời gian thực mà không cần phải cài đặt trên điện thoại của mình bằng cách “streaming” ứng dụng đang được nằm trên cloud server (máy chủ trên mây).

Hiện tại vẫn chưa có ứng dụng nào ứng dụng công nghệ mobile app streaming mới này, trừ một demo từ Google như bạn có thể thấy dưới đây:

mobile3

3. Phát triển trên nền tảng OTT

Tại sao phải phát triển một ứng dụng và tốn rất nhiều chi phí để đẩy nó đến người dùng trong khi đó bạn có thể giúp cho ứng dụng của bạn được tiếp cận bởi hàng triệu người dùng có sẵn? OTT chat app ví dụ như Zalo hiện đang có hơn 45 triệu người dùng, chiếm gần như toàn bộ dân số có mạng internet tại Việt Nam. Lúc này nếu bạn có thể phát triển một ứng dụng nằm ngay trong Zalo thì bạn có thể thông qua Zalo để tiếp cận được hơn 45 triệu người dùng. Người dùng không cần phải download hay cài đặt một ứng dụng mới vì Zalo là một ứng dụng mà họ đã có sẵn trong máy.

Việc những ứng dụng OTT trở thành một nền tảng mới của ứng dụng là xu hướng không thể chối cãi và chắc chắn sẽ rất phổ biến trong tương lai. Tại sao bạn cần phải cài app Uber nếu bạn có thể gọi Uber ngay trên Facebook Messenger:

Những giải pháp mới này dù có thể chưa phổ biến ngay nhưng rất có thể sẽ là xu hướng của mobile trong vòng 1 – 2 năm tới. Hãy cùng chờ xem xu hướng nào sẽ được người dùng lựa chọn nhiều nhất. Nếu bạn có thắc mắc gì hãy để lại bên dưới comment.

Nguồn: Conversion.vn
Theo BrandsVietnam

Nguyên tắc vàng:

"Marketing là một trận chiến về ý tưởng. Nếu bạn muốn thành công, bạn phải có một ý tưởng hoặc là một thuộc tính của chính bạn để mà tập trung vào."

User Menu