Hiện nay, nhiều DN cho rằng phải tham gia các trang xã hội càng sớm càng tốt vì không chỉ để có cơ hội thể hiện vai trò của DN với NTD, mà còn là nơi để gìn giữ và phát huy tên tuổi của họ. Vấn đề là cần có kế hoạch và một thời gian biểu giúp mọi người trong DN cùng đi đúng hướng. Muốn vậy, chúng ta cần quan tâm đến những điểm sau:

1. Xác định mục tiêu. Hãy trả lời những câu hỏi: Khía cạnh nào của DN cần đưa vào các trang web xã hội và để nhằm mục đích gì? Bạn có tin rằng các nỗ lực ấy sẽ giúp bạn gia tăng doanh số bán hàng? Bạn có nghĩ rằng truyền thông cộng đồng chính là một chiến lược đúng đắn cho việc xây dựng mối quan hệ với KH và gia tăng lòng trung thành của họ? Câu trả lời sẽ ảnh hưởng lớn đến các nội dung bạn dự định công bố cũng như các hoạt động bạn muốn tham gia trên web xã hội.

2. Đánh giá năng lực của tổ chức. Ai sẽ là người viết ra nội dung? Ai sẽ đóng vai trò duy trì các tài khỏan trên mạng xã hội? Ai sẽ chịu trách nhiệm trả lời các câu hỏi do người đọc gửi đến để thể hiện bộ mặt trực tuyến của DN? Liệu bạn đã có sẵn những nguồn lực công nghệ để tham gia vào các cuộc đối thoại trực tuyến với cộng đồng NTD? Nếu chưa đủ, bạn cần nhờ đến một đối tác bên ngòai hỗ trợ và giúp chăm lo các KH trực tuyến. Hãy cố gắng đảm bảo luôn có trong tay một lực lượng nhân sự vừa đủ chuyên trách các mảng công việc tiếp thị truyền thông xã hội!

3. Nắm bắt công chúng. Đâu là nơi những vị KH mục tiêu thường dành thời gian khi truy cập Internet? Những nội dung và các cuộc đối thoại nào họ thường muốn lắng nghe và tham gia trao đổi? Những thông tin nào họ muốn bạn cung cấp? Họ không thích những gì? Cần nhớ rằng bạn không nên làm công việc đăng tải thông điệp quảng cáo trên trang web truyền thông, mà cần tìm kiếm cho được những nhu cầu và khát vọng từ cộng đồng mạng, sau đó đáp lại bằng những câu trả lời thực sự hữu ích và hấp dẫn. Tính chất cá nhân hóa rất quan trọng vì yếu tố tương tác là điều hết sức cần thiết trong trao đổi thông tin trực tuyến.

4. Tạo nên các câu chuyện lý thú và gây sự ngạc nhiên cho người xem. Một khi đã biết được đâu là nơi KH mục tiêu thích lướt và nội dung họ muốn tìm, hãy nỗ lực mang đến nhiều hơn cho họ những điều họ thích và đang kỳ vọng. Bạn nên liên tục cung cấp cho KH những câu chuyện hấp dẫn nhằm xây dựng được nhóm độc giả trung thành, luôn tin tưởng vào bạn và dõi theo bạn như muột nguồn tin tức có uy tín trên xa lộ trực tuyến.

5. Đồng bộ hóa các công cụ tiếp thị. Tất cả các nỗ lực trong tiếp thị truyền thông xã hội cần thiết phải khớp với nhau. Có thể thực hiện các cuộc quảng bá kết hợp giữa trực tuyến và trong đời thường bằng sự hòa nhập nhuần nhuyễn các công cụ tiếp thị truyền thông xã hội và nỗ lực tiếp thị truyền thống.

6. Tập trung vào chất lượng chứ không vào số lượng. Một trong những chiếc bẫy lớn nhất mà bạn có thể gặp phải khi tiếp thị bằng mạng cộng đồng là dễ bị chìm ngập giữa những con số. Đừng bao giờ bị choáng ngợp trước số hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người theo dõi (follower) hoặc là thành viên đăng ký (subscriber) hay người hâm mộ (fan). Sẽ tuyệt vời hơn khi chỉ có khỏang một ngàn KH trung thành sẵn sàng quay lại mua sắm với tần suất cao hơn là có cả trăm ngàn người theo dõi, đăng ký thành viên nhận thư điện tử mà chẳng bao giờ giúp bạn tăng được doanh số.

7. Không chủ ý điều khiển KH. Bạn cần phải để khán giả tự quyết định những đề tài trò chuyện trực tuyến mà họ muốn tham gia và chỉ giúp họ cảm thấy thật thoải mái, tự do khi nói về mọi thứ gắn liền với công việc kinh doanh và thương hiệu của DN mà bạn đang quản lý. Khi ấy, họ sẽ thực sự có được sự gắn kết trong cảm nhận với bạn. Cần lưu ý rằng trong thế giới mạng xã hội nói riêng và thế giới Internet nói chung, thái độ hờ hững của khán giả và sự lu mờ về vai trò của bạn còn có hại hơn nhiều so với những nhận xét tiêu cực của người KH.

8. Không ngừng học hỏi. Công việc kinh doanh không bao giờ cho phép chúng ta tự thỏa mãn, mà phải biết luôn lắng nghe để học hỏi. Muốn thực sự thành công trong tiếp thị qua mạng xã hội, bạn cần phải hết sức linh hoạt và biết chấp nhận các xu hướng thay đổi ngày càng mau lẹ.

Hà Lam theo Entrepreneur.

Steven Wright

"Ở đâu cũng đều có thể coi là khoảng cách đi bộ nếu bạn có thời gian."

User Menu