Giải quyết nhanh hàng tồn kho, không trữ nhiều nguyên liệu và tìm cách tăng năng lực phân phối để quay nhanh đồng vốn, tránh áp lực lãi vay và các chi phí tăng cao là những giải pháp đang được các nhà sản xuất triển khai trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay.

Rút ngắn thời gian sản xuất, lưu kho

Tháng 3 là thời điểm diễn ra vụ thu hoạch khoai mì đầu tiên trong năm. Đối với các nhà sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, đây là cơ hội để mua được khối lượng lớn loại nguyên liệu này với giá rẻ. Thế nhưng, từ cuối tháng 2-2011, thời điểm diễn ra cơn “bão giá”, các nhà kinh doanh trong lĩnh vực này không dám mua nguyên liệu dự trữ. Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai cho biết trung bình mỗi tháng công ty sử dụng 1.000 tấn khoai mì để chế biến. Vì thế công ty thường phải trữ lượng nguyên liệu cho sáu tháng sản xuất. Tuy nhiên, kể từ quí 1-2011, lượng nguyên liệu dự trữ của công ty đã được giảm xuống còn một hoặc hai tháng.

Trước đây có những thời điểm các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi tranh mua nguyên liệu bằng mọi giá. Hiện nay, trước áp lực lãi vay ngân hàng, biến động tỷ giá, giá một số loại nông sản tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã dừng việc trữ nhiều nguyên liệu. “Tình hình làm ăn gặp nhiều khó khăn chắc chắn sẽ khiến nhu cầu mua hàng giảm, giá cả nguyên vật liệu và hàng hóa vì thế sẽ không tăng đột biến. Nhờ hàng tồn kho ít, dòng vốn quay nhanh hơn, chi phí lưu kho hàng hóa của doanh nghiệp cũng giảm”, người này nói.

Cũng áp dụng giải pháp này, Công ty Casumina chỉ trữ nguyên liệu ở mức vừa đủ cho sản xuất. Công ty cũng giảm thời hạn thanh toán đối với khách hàng từ 30 ngày xuống 15 ngày, chọn những đơn hàng có khả năng thanh toán tốt, giao hàng nhận tiền ngay. “Đây là kinh nghiệm rút ra từ những đợt khủng hoảng trước, hàng sản xuất ra đối tác không nhận hết, công ty phải ôm lượng hàng tồn kho lớn, chịu lỗ nặng”, ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc công ty, nói. Hiện công ty cũng áp dụng phương pháp sản xuất “Just In Time” nhằm quản lý hàng tồn kho một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, ông Trí cũng lưu ý, khi giữ mức nguyên liệu tồn kho thấp, nếu giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng mạnh, sẽ ảnh hưởng đến những đơn hàng đã ký dài hạn. Khi đó doanh nghiệp sẽ phải nhập nguyên vật liệu với giá đắt hơn nhiều để đáp ứng đơn hàng cho đối tác. Vì vậy, doanh nghiệp nên đàm phán với đối tác thực hiện những đơn hàng ngắn hạn theo thời giá nguyên vật liệu, hoặc có điều khoản thay đổi giá, khi nguyên vật liệu đứng ở mức cao.

Để quản lý hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp đã trữ lượng thành phẩm lớn. Tuy nhiên, theo ông Trí, đây là giải pháp không tốt trong dài hạn. Nếu giá bán sản phẩm không tăng đủ để bù lãi suất, doanh nghiệp sẽ bị lỗ. Để giải quyết bài toán hàng tồn kho, Công ty cổ phần Giấy tập Lệ Hoa đã tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống sản xuất, phân phối, thông tin liên tục với nhà cung cấp nguyên liệu, chính sách giá cả, lãi vay, công nợ... nhằm kịp thời xoay trở trước những tình huống xấu. Ông Lữ Trung Đạt, thành viên HĐQT công ty, cho biết Lệ Hoa đã đầu tư thêm dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm rút ngắn thời gian sản xuất, giảm tỷ lệ hao hụt trên sản phẩm xuống khoảng 1,5% so với trước đây. Công ty cũng giảm chủng loại sản phẩm từ 20 loại xuống còn 15 loại.

Đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất sắt thép, nhựa, trang trí nội thất, thực phẩm, gốm sứ... ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai cho biết chính gánh nặng lãi suất ngân hàng đã khiến họ không dám nghĩ tới việc trữ nguyên liệu đầu vào cũng như để lượng hàng tồn kho nhiều. Ngay cả mặt hàng đồ nhựa gia dụng hiện đang được thị trường tiêu thụ tốt cũng không thoát khỏi tình trạng trên. Theo ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty Đại Đồng Tiến, công ty sẽ căn cứ theo diễn tiến thực tế hàng tháng để sản xuất chứ không trữ hàng tồn kho từ 3-6 tháng như trước đây.

Tăng năng lực phân phối

Theo giám đốc kinh doanh một công ty sản xuất giấy, tập học sinh ở TPHCM, các nhà phân phối cấp một, cấp hai đã có động thái tích cực chia sẻ gánh nặng nguồn vốn đầu tư với nhà sản xuất. Ông cho biết: “Các nhà phân phối cấp khu vực đã đề nghị ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng nếu chúng tôi cần tiền mua nguyên vật liệu sản xuất. Nhờ đó, chúng tôi có thể giảm bớt áp lực trả lãi vay, chủ động được thời gian mua hàng, sản xuất, đồng thời vòng quay sản phẩm ra thị trường sẽ nhanh hơn”.

Còn tại Công ty cổ phần Giấy tập Lệ Hoa, nếu trước đây các đại lý cấp một, cấp hai có thể nợ tiền mua hàng từ 15-30 ngày, nay tiền lệ đó bị gác lại. “Nếu khách hàng chuyển tiền trực tiếp cho công ty khi mua hàng thì sẽ được chiết khấu theo tỷ lệ thỏa thuận, được mua hàng với mức giá đặc biệt, bù lại công ty cũng chủ động được sản xuất, giảm thời gian lưu kho”, ông Lữ Trung Đạt nói.

Vị tổng giám đốc công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai cho rằng một trong những biện pháp giải quyết hàng tồn kho hiện nay là phối hợp tốt với nhà phân phối. Ông cho biết: “Thay vì nuôi đội ngũ tiếp thị sản phẩm với chi phí khoảng 300 triệu đồng/tháng, chúng tôi chuyển số tiền này sang hỗ trợ nhà phân phối cấp hai, cấp ba để làm công tác tiếp thị, bán hàng với mức giá đã giảm, tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng. Nhờ đó, sản phẩm của công ty được tiêu thụ khá ổn định”.

Đối với ngành thủy sản, bà Nguyễn Thị Thanh Lâm, Phó giám đốc Công ty SG Fisco, cho biết hiện công ty phải nhập khẩu đến 70% nguyên liệu đầu vào, từ các sản phẩm đầu cá hồi, cá trứng, cá sa ba... Để giải quyết bài toán hàng tồn kho, công ty chỉ ưu tiên nhập khẩu những mặt hàng có sức mua mạnh trên thị trường. Bên cạnh đó, công ty cũng tiến hành thay đổi kích cỡ sản phẩm, thay đổi cách đóng gói, bao bì nhằm tiết giảm chi phí, tính toán lại để giảm giá thành. “Sản phẩm của SG Fisco là sản phẩm cấp đông nên việc phân phối lệ thuộc vào kênh phân phối hiện đại. Chúng tôi đang bàn với các siêu thị để tìm cách giảm bớt chi phí, cùng nhau chia sẻ khó khăn”, bà Lâm nói.

Uyên Viễn - Sơn Nghĩa / TBKTSG

Pin It
Nguyên tắc tấn công số 3:

"Mặt trận tấn công nên càng nhỏ càng tốt"

User Menu