Không bàn cãi đến các mô hình SEO, không nói đến các xu hướng SEO, không quan tâm bạn đang SEO theo kiểu nào... Nhưng có một bước được xem là quan trọng nhất trong các chiến dịch SEO hiện nay đó là “khởi đầu”.
Phần đông các freelancer sẽ bỏ qua bước khởi đầu và bắt tay ngay vào vệ tinh, forum, link link link, share, like, +, tweet ,..đủ thứ chuyện trên đời...vì các bạn chỉ tập trung vào những từ khóa có sẵn trong tay nhận được từ đối tác. Các bạn đã bỏ quên một thứ quan trọng sẽ giúp mọi việc nhanh chóng, dễ dàng, hiệu quả và bền vững hơn đó là “nội dung”
Các bạn đã bao giờ có trong tay:
- Mô hình nội dung cho từng bài viết
- Mô hình internal link + anchor text
- Từ khóa, tiêu đề và mô tả riêng cho từng trang
- Hình ảnh, video và những thứ liên quan trong từng bài viết
- vv.vv
Nếu chưa có các bạn hãy chuẩn bị ngay vì tất cả chúng đều gắn kết với nhau tạo nên một website được gọi là hoàn hảo. Những chuẩn bị này sẽ giúp bạn có một hướng đi cụ thể mà không mắc bất kỳ một sai lầm nào. Đừng nghĩ nó quá rắc rối vì nó thực sự cần thiết. Bất kể các bạn xây dựng hệ thống vệ tinh, đăng tin diễn đàn, rao vặt, đăng mạng xã hội... thì những nội dung đó cần phải nằm trong tầm kiểm soát và đi đúng mục tiêu mà bạn muốn.
Giải quyết vấn đề nội dung
Có nhiều người khi được hỏi thì luôn miệng bảo không biết viết gì trong khi mình hỏi một chút chuyện liên quan đến dịch vụ và sản phẩm đang làm thì nói một mạch 2 3 tiếng liền không nghỉ .. thế mà bảo không biết viết gì
Cứ cho là bạn học tập làm văn dốt lắm đi thì những thông tin đó sẽ giúp những cộng sự của bạn tạo nên những nội dung tuyệt vời. Bài học rút ra là phải biết cộng tác và chia sẻ!
Ở trên là trường hợp đã hiểu rõ dịch vụ/ sản phẩm mình đang làm, còn khi các bạn bắt tay vào làm một lĩnh vực mà trong đầu mình còn chưa hình dung ra nó là cái khỉ gì nữa thì sao? Hay những lĩnh vực mà bạn cho là nó nhàm chán và cạn kiệt nội dung rồi thì phải làm sao?
Có một bài viết rất hay của người đẹp Kiều Hải Yến có tựa: Cách “truy tìm” ý tưởng viết 1000 bài cùng chủ đề _ xin được sao y bản chính
“Chủ đề bài viết là vấn đề muôn thuở của các copywriter. Gặp ngày “vợt” được ý tưởng, có thể cho ra 1 loạt bài viết hay, cũng có khi ngáp ruồi cả ngày cũng không nặn ra nỗi 1 ý tưởng hay. Cái khó của 1 copywriter là ý tưởng đột phá cho 1 chủ đề, còn cái khó cho người làm nội dung, đặc biệt là nội dung để SEO phải viết 1000 bài cùng chủ đề là 1000 ý tưởng không trùng lắp. Làm thế nào để viết được 1000 bài với nội dung không trùng lắp và ý tưởng mỗi bài là độc nhất?
#1: Bí kíp 1 – Mind map
Để viết được thì không khó, chắc chắn thế, vì ai cũng biết viết. Nhưng để viết về 1 cái lọ hoa ngày này qua tháng nọ là điều không phải ai cũng có thể “vỗ ngực” đứng ra làm. Vậy làm thân 1 người viết, bạn phải có những bí kíp cho riêng mình để biến điều khó tưởng thành việc đơn giản như ăn kẹo. Đầu tiên, muốn viết được nhiều bài với cùng chủ đề, bạn phải liệt kê ra, mà khá hơn là phải biết vẽ ra.
Một nhánh mind map về trà
Bắt đầu từ chủ đề ở giữa, bạn vẽ ra những nhánh cơ bản như:
SẢN PHẨM
- Sản phẩm này là gì?
- Có điểm khác biệt nào so với những sản phẩm khác cùng loại?
- Điểm nổi bật của nó là gì? Gía cả hay dịch vụ đi kèm?
- Những con số có thể đem ra so sánh giữa sản phẩm này so với của đối thủ cạnh tranh. Ví dụ như chiếc điện thoại này có khả năng chống thấm nước, dung lượng cao,
- Sản phẩm này cũ hay mới? Định vị của nó với người dùng như thế nào?
- Có cần tái định vị không?
- Có chứng nhận nào hay bằng chứng nào chứng tỏ sản phẩm này tốt không?
- Sản phẩm này giúp được gì cho người dùng ngoài giá trị thực của nó. Ví dụ thỏi son không chỉ giúp người phụ nữ đẹp hơn mà nó giúp họ tự tin hơn. Gía trị khác của thỏi son chính là sự tự tin và là vật bất li thân của nhiều người phụ nữ.
- …
NGƯỜI ĐỌC
- Khách hàng mục tiêu là ai? Chân dung họ như thế nào? (Tuổi tác, vị trí địa lí, giới tính, sở thích và hành vi đọc của họ, … càng vẽ ra chi tiết bạn càng có nhiều hướng để viết bài)
- Người mua, người tìm hiểu và người sử dụng có phải cùng 1 người không?
- Người đọc sẽ tìm kiếm sản phẩm này thông qua các kênh nào? Kênh mà họ thích thú sử dụng phong cách viết chủ yếu nào?
- Người đọc có thích sự thay đổi từ nội dung không hay chỉ thích kiểu truyền thống?
- Người đọc có sẵn sàng rút ví ngay nếu họ thích không hay họ phải suy nghĩ và cần thời gian chờ?
- Người đọc bị “bóc mẻ” nhiều nhất bởi thông tin gì? Gỉam giá, khuyến mãi, hạn chót mua hàng, hàng hiếm, …
- …
DỊCH VỤ
- Có những dịch vụ nào? Online, offline?
- Điểm khác biệt của dịch vụ này so với dịch vụ của chỗ khác?
- Điểm nào khách hàng thích nhất từ dịch vụ ở đây? Như giao hàng trong ngày, giao hàng miễn phí trên toàn quốc, cho đổi trả hàng trong vòng 365 ngày, vì bất kì lí do gì, chính sách bảo hành trọn đời, chính sách đổi cũ lấy mới cho khách hàng thân thiết, …
- Dịch vụ nào là thế mạnh? (Thế mạnh của dịch vụ dưới góc nhìn của người bán có thể không trùng khớp với điểm khách hàng yêu thích từ dịch vụ).
- Dịch vụ nào sẽ được tăng cường? Dịch vụ nào sắp bị hủy bỏ? Dịch vụ nào đang được cải tiến?
- …
CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI
- Khuyến mãi này có được lòng khách hàng không? (Có thể hiểu là nó có quá rườm rà để tham gia không? Nó có quá lâu kể từ lúc mua sản phẩm đến lúc nhận khuyến mãi không? Nó có quá nhiều giới hạn hay quá nhiều khoản cần phải đảm bảo mới được khuyến mãi không?)
- Khuyến mãi nào dành cho đối tượng khách hàng nào? (Trung thành hay mới hay tiềm năng) Kéo dài bao lâu và có gì đặc biệt từ chương trình khuyến mãi này so với chương trình khuyến mãi cũ hay chương trình khuyến mãi ở nơi khác?
- Sắp có chương trình khuyến mãi nào?
- Các chương trình khuyến mãi có 1 không 2 và chỉ duy nhất (bao nhiêu ngày).
- Có bao nhiêu người đã mua hàng kể từ khi có khuyến mãi?
- …
CÁC NHẬN ĐỊNH
- Khách hàng nói gì về sản phẩm này? Khen hay chê? Khen ở điểm nào và chê ở điểm nào?
- Đặc trưng của sản phẩm có đáp ứng được những lời than phiền của khách hàng không?
- Làm thế nào để các nhận định không tốt sẽ được hạn chế bớt? (Tìm cách thay đổi dịch vụ hay sản phẩm hay nhân viên)
- Góc nhìn của người bán với người mua có giống nhau không? Mỗi người đang nghĩ gì và mong muốn gì?
- Nhận định nào là tác động mạnh mẽ vào thay đổi của sản phẩm? Ví dụ khách hàng nói nồi cơm này quá khó sử dụng. Mỗi lần nấu cơm, bà vợ hấp thêm đĩa rau bên trong nồi cơm, phải cách 5 phút lại mở nắp nồi cơm ra xem rau chín chưa, rất bất tiện. Thì sau đó, người bán có tiến hành làm nắp nồi cơm bằng thủy tinh để làm hài lòng khách hàng hay không? Điều này là có thể hay không thể? Nếu không thì tại sao?
- …
Mind map có thể mất khá nhiều thời gian, nhưng nó giữ cho bạn đi đúng hướng và không bị trùng lắp các ý tưởng khi lượng bài quá nhiều.
#2: Bí kíp 2 – Google
Mọi thứ hầu như đã sẵn sàng để bạn tìm kiếm. Thông tin có ở khắp mọi nơi, chỉ cần bạn biết cách tìm kiếm và chịu tìm kiếm, mọi thứ sẽ bày trước mắt bạn.
Khi phải viết về 1 chiếc khăn choàng, bạn có nhiều cách để tìm ý tưởng. Hãy lên Google và search với Google Suggest, bạn sẽ biết được người dùng ngoài kia tìm kiếm gì liên quan đến khăn choàng. Với các từ khóa chính và các từ khóa ngách, bạn chắc chắn có được hơn 50 ý tưởng cho mình.
Tìm hiểu những bài khoa học, những con số sẽ cho bạn nhiều thông tin hơn. Bằng cách kể chi tiết, so sánh những con số đó, bạn đã có ngay cho mình nhiều bài dưới góc độ nghiên cứu và kĩ thuật. Dành cho đối tượng khách hàng muốn tìm hiểu kĩ về sản phẩm và những vấn đề xung quanh đó, bài viết cấp độ “chuyên gia” của bạn sẽ được đánh giá rất cao. Đơn cử như bài viết về 1 sản phẩm có chứa vitamin C tinh khiết với cách trích xuất cực kì khó khăn. Nếu bạn tìm hiểu và có thể đưa ra con số trung thực, so sánh, trong mỗi chai Obagi Japan Line C10 12ml có chứa lượng vitamin C bằng với 75 quả chanh tươi thì chắc chắn người đọc sẽ không ngần ngại nhấn nút đặt mua ngay. Nhưng muốn làm được điều đó, đòi hỏi bạn phải tìm hiểu và đi sâu vào sản phẩm, chứ không đơn thuần là search bề nổi trên Google và sao y những bài viết nằm trên top.
Tiếp theo, hãy tìm hiểu nó ở góc độ nhận xét, bình luận. Bạn có thể tìm được hàng trăm bình luận tại các forum. Mỗi một ý kiến sẽ cho bạn thêm 1 ý tưởng về bài viết. Ví dụ nhận định đó đúng hay sai? Tại sao người ta luôn nhầm tưởng về vấn đề đó? Cách khắc phục vấn đề đó như thế nào? Làm thế nào để thay đổi nhận thức của người ta về vấn đề đó? Mấu chốt nằm ở đâu và có bao nhiêu ý kiến phản hồi về vấn đề đó? Mỗi 1 nhận định sẽ đưa bạn đến với 1 góc nhìn hoàn toàn mới, và cách xử lí vấn đề mới. Vì họ là người đã dùng sản phẩm và cách họ phân tích nói lên được nhiều khía cạnh của sản phẩm cần viết.
Sau khi lục tung các bình luận trên diễn đàn, bạn đã xoay được 3 mặt của Rubik, hãy tiếp tục tìm đến với nhiều khía cạnh hơn bằng Google Images. Trên này có rất nhiều ý tưởng về sản phẩm, như công dụng khác của chậu hoa là làm bể cá, làm chân cho kệ sách, làm chậu trồng cây, trang trí phòng như 1 vật phong thủy, làm đèn, làm nhà cho 1 chú chuột, làm quà tặng, … mỗi ý tưởng đó mang đến một bài viết khác nữa cho bạn.
Tiếp theo là các mạng xã hội, hầu như đều có hashtag để bạn tìm kiếm dưới dạng #keyword. Xem mọi người nói gì về cái chậu hoa, giá cả biến động ra sao, cách bảo quản của mỗi gia đình hay cách họ nâng niu, trân trọng chiếc bình hoa như thế nào. Mỗi dòng viết trên mạng xã hội cũng gợi mở cho bạn thêm nhiều hướng đi khác.
Google là 1 đại dương kiến thức, nhưng hãy thận trọng với nội dung đó, vì không phải cái nào cũng đúng đắn. Việc lựa chọn nội dung cũng là một trong những kĩ năng bạn cần phải thực hành nhiều.
#3: Bí kíp 3 – Đọc
Không ngừng đọc và đọc. Đọc nhiều nội dung, tìm hiểu nhiều thứ sẽ cho bạn tư duy nhìn nhận mở rộng hơn so với việc bạn chỉ đứng bên cạnh cái đèn và nhìn chằm chằm vào nó. Đứng quá gần 1 chiếc đèn đang sáng bạn sẽ bị lóa mắt, không thể nhìn rõ được chân đèn hay thậm chí là hình dáng của đèn. Đọc nhiều sách sẽ giúp bạn có góc nhìn đa chiều và rộng hơn về sự vật, hiện tượng. Nó có thể không hữu ích ngay bây giờ, nhưng trong tương lai sẽ có. Bằng cách xâu chuỗi lại nhiều nội dung bạn đã đọc được và đúc rút được, bạn sẽ khiến cho bài viết của mình có chiều sâu và dễ thuyết phục người đọc hơn. Người đọc chỉ có thể bị thuyết phục nếu bạn cũng bị thuyết phục sau khi đọc bài viết của chính mình. Vì người đọc ngày càng khó tính và thông minh hơn, nên nội dung càng phải đi nhanh và cao hơn để người đọc có thể tìm thấy cái gì đó thật cuốn hút và mong muốn được sở hữu sản phẩm có tầm như vậy. Bạn có thể note lại ý này: “Không có sản phẩm nào tầm thường, chỉ có những sản phẩm chưa được khai phá hết điểm mạnh thông qua ngòi bút hay lời nói”.
Bạn được phân công viết về các chuyến bay, nếu bạn đã từng xem phim Up in the air, chắc chắn bạn sẽ có lời mở đầu thật hay và thuyết phục cho bài viết của mình. Rằng cuộc đời là những chuyến đi, và mỗi người đều có những chân trời thuộc về họ. Rằng chuyến bay không mang lại cho bạn giá trị về vật chất nhưng nó mang lại giá trị về thời gian, về trải nghiệm, về sự trẻ trung và năng động. (Bạn cũng nên xem phim này, vì nó rất ý nghĩa )
Đọc nhiều không lấy đi của bạn thời gian, nó làm tăng giá trị sống và thỉnh thoảng giúp được bạn như trong tình huống này. Tất nhiên, bạn cũng phải biết đọc có chọn lọc!
#4: Bí kíp 4 – Ghi chép
Ghi chép, ghi lại bằng hình ảnh hay câu chữ đều là những việc cần phải làm, đặc biệt là trong ngành sáng tạo. Mỗi một khoảnh khắc bạn bắt gặp đều sẽ hữu ích cho bạn trong tương lai. Một câu tagline trên đường, 1 hình ảnh ngộ nghĩnh của poster đều sẽ là ý tưởng sáng giá sau này cho bài viết của bạn. Ghi lại mọi khoảnh khắc, viết ra mọi ý nghĩ thoáng qua trong đầu của bạn, nó sẽ hữu dụng trong những thời khắc riêng của nó. Do đó, muốn viết “nhiều”, “sâu” và “chạm” bạn phải biết nhìn thật nhiều, ghi thật nhiều, chụp thật nhiều.
Ghi chép giữ các ý tưởng của bạn lại, kết xâu chúng và giúp bạn viết thêm được 50 nội dung khác nhau
#5: Bí kíp 5 – Sáng tạo
Xâu chuỗi và cho ra các bình luận riêng cũng là một trong những sáng tạo mà người viết hay vận dụng nhất. Bạn cũng có nhiều cách để sáng tạo dựa trên 1 chủ đề chán ngắt mà bạn đã cố nặn ra 900 ý tưởng. Sáng tạo có thể dựa trên những thông tin cũ, những sáng tạo cũ hoặc sáng tạo mới hoàn toàn. Thông thường, người ta hay sáng tạo dựa trên những điều cũ, bởi vì nó dễ và nhanh chóng hơn.
Viết về bình hoa, bạn có thể mở đầu một cách sáng tạo dựa trên câu dụ ngôn cũ “Bình cũ rượu mới”: Bạn thích Bình cũ rượu mới hay Bình mới rượu cũ? Mở đầu này có thể viết về cách bảo quản bình hoa cũ hoặc viết về những lí do nên thay đổi bình hoa mới.
Còn việc sáng tạo nhiều và xa đến đâu là do khả năng lẫn việc rèn luyện của mỗi người. Thông thường người ta có xu hướng lơ là sự việc đó để trong phút chốc xuất thần sẽ nghĩ ra ý tưởng thật hay ho. Nhưng sau nhiều năm làm việc trong ngành, tôi nhậnn thấy việc để tâm đến sự việc càng nhiều, bạn càng có nhiều cái nhìn hơn về hướng đi, hướng giải quyết. Vì sự tập trung nào cũng sẽ được đền đáp xứng đáng.
Để khả năng sáng tạo được bộc lộ và tiến xa hơn, bạn có thể luyện tập bằng cách nhìn một vật gì đó và nghĩ ngay 1 chủ đề hay ho cho nó, càng hài hước càng tốt. Ngược lại, khi nhìn thấy 1 câu nào đó, bạn hãy nghĩ ngay đến 1 hình ảnh tượng trưng cho nó. Luyện tập này sẽ giúp ích được bạn trong việc sáng tạo sau này.
Người có đầu óc hài hước và nhạy bén thường dễ sáng tạo hơn
Sáng tạo không phải việc của những người hình-như-có-khả-năng-sáng-tạo, mà đó là việc của mọi người. Ngay cả 1 bác thợ mộc cũng phải sáng tạo mới có được nhiều dụng cụ hữu ích và tiết kiệm thời gian như bây giờ.
Kết luận: Có nhiều cách để bạn nặn ra 1000 ý tưởng cho 1 sản phẩm. Trong đó, việc luyện tập, đọc, học hỏi, ghi chép và kiên trì là chìa khóa để bạn tìm thấy bầu trời ý tưởng. Nhưng hãy nhớ, bài viết nào cũng phải quy về người đọc, đừng mải mê sáng tạo mà quên đi chân dung khách hàng của bạn.”
Phân tích, thu thập và lựa chọn từ khóa
Công cụ sử dụng:
- Google Keyword Planner
- Google suggest
- Google Related Searches
- Google Trend
- Bing keyword research
- Yahoo search
- …
Công cụ cuối cùng là dùng cái đầu để phân tích thói quen, thị hiếu và các vấn đề liên quan đến người tìm kiếm và đưa ra những từ khóa phù hợp với hiện thực nhất. Cái này rất quan trọng vì các công cụ chỉ đưa ra một phần những từ khóa liên quan gần nhất, từ khóa chúng ta cần là những từ khóa hướng khách hàng và mang lại hiệu quả doanh thu
Các bạn cứ gom đủ tất cả những gì mình nhìn thấy được từ gợi ý của google, những từ khóa được liệt kê theo nhóm trên GKP, các gợi ý ở dưới kết quả tìm kiếm, các từ khóa đang thịnh hành trên G Trend, các từ khóa được lọc từ iKeywordResearch, bạn nào có Longtail Pro thì xài luôn. Ở đây mình đang sử dụng các công cụ ~FREE.
Tất cả cho và một file exel và tiếp tục với bước tiếp theo rất hại não.
Phân tích đối thủ cạnh tranh seo
Không có công cụ hỗ trợ phân tích đối thủ nào tốt hơn tự mình tìm hiểu đối thủ, phải không?. Các thông số bạn cần quan tâm:
- Số lượng backlink
- Tổng quan website: (tên, tuổi, pa, da, onpage, index, nội dung, traffic...)
- Hoạt động social: tương tác fanpage, profile..
- Quảng cáo trên Google, Facebook, ..
- Hệ thống vệ tinh: mô hình, cách đi link…
- vv.vv
Để nhanh chóng các bạn sử dụng Netpeak checker, Seo Powersuite, Các công cụ Onpage checker... bạn nào có điều kiện thì sử dụng Moz pro, Ahref, SEMrush… Những công cụ này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan nhất về đối thủ cạnh tranh của mình và đưa ra một hướng đi phù hợp nhất.
Xác định các từ khóa
- Từ khóa ít cạnh tranh
- Từ khóa cạnh tranh
- Từ khóa tìm kiếm nhiều
- Từ khóa mở rộng
- Từ khóa tiềm năng
- Từ khóa kéo traffic
Tại sao lại chia ra nhiều loại như vậy làm gì? Mỗi nhóm từ khóa trên đều gắn liền với chính tên gọi của nó. Vậy làm sao để xác định được đâu là từ khóa kéo traffic, từ khóa tiềm năng…?
Thật khó đưa ra mặt bằng chung để xác định và lựa chọn từ khóa cho tất cả các lĩnh vực trong một bài viết. Mong các cao nhân sớm có bài viết cụ thể giúp anh em giải quyết vấn đề này.
Theo facebook Huy Tuấn