Có nhiều người sử dụng những phương pháp độc đáo để tạo ra khách hàng mới. Bạn đã sẵn sàng để đưa những chiêu kỳ quặc đó vào công việc kinh doanh và khiến khách hàng phải tự tìm đến với mình? Hãy chiêm nghiệm 3 trường hợp dưới đây.
Bán hàng tận nhà
Andy Dunn, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành hãng quần jeans nổi tiếng Bonobos (trụ sở tại NewYork) đã khởi nghiệp khi không có nổi một cửa hàng để trưng bày và cất giữ sản phẩm. Bởi vậy, ông lựa chọn cách bán những chiếc quần bò của mình tới nam giới mua hàng online. Để xây dựng cơ sở khách hàng, ông dùng ô tô chở một số mẫu quần và bôn ba khắp vùng NewYork, tổ chức các sự kiện trong nhà của các hộ gia đình sống quanh khu vực này. Các đấng mày râu có thể mặc thử quần và trải nghiệm chất liệu tốt cũng như sự vừa vặn của chúng. Sau đó, các sản phẩm mà họ ưng ý sẽ được chuyển trực tiếp đến tận nhà của họ. Đây được coi là mô hình phục vụ tốt hơn các nhà cung cấp quần bò khác lúc bấy giờ.
Các khách hàng đã mua sản phẩm của Dunn lại trở thành một kênh quảng cáo truyền miệng cho sản phẩm quần bò Bonobos mà họ vừa mua. Lịch trình của Dunn trở nên dày đặc với các sự kiện trong nhà do dân cư từ khắp các nơi yêu cầu. Bonobo đạt doanh thu 1 triệu USD đầu tiên mà không cần tiêu tốn 1 USD nào để làm các chiến dịch rầm rộ nhằm thu hút khách hàng (ngoại trừ tiền phí xăng xe cho ôtô). Ngày nay, Bonobo trở thành một hãng kinh doanh lớn và tên tuổi. Tất cả là thành quả của bán hàng trực tiếp và sự xông xáo tiếp thị tận nhà khách hàng.
Cung cấp dịch vụ không giới hạn
Trang đăng kí tên miền Name.com được biết đến với dịch vụ chăm sóc khách hàng độc đáo của họ và đây không phải cách kinh doanh thông thường trong trò chơi tên miền này. Thử hỏi có bao nhiêu doanh nghiệp mà bạn biết đã chủ động cung cấp dịch vụ tới những đối tượng chưa phải là khách hàng của mình? Đó chính xác là những gì mà Name.com đã làm vào đầu năm 2011.
Thông qua Twitter, đội ngũ của Name.com đã nghe phong thanh về việc một nhà phát triển phần mềm có tiên miền bị cướp mất (Điều này thường xảy ra khi nhà cung cấp tên miền, do một vài nhầm lẫn nào đó, chuyển tên miền đã được đăng ký cho đối tượng khác sử dụng khi chưa có sự đồng ý của người chủ hợp pháp). Name.com đã chủ động liên hệ tới khổ chủ – lúc đó chưa phải là khách hàng của Name.com – và theo đuôi, lần ra kẻ đã tấn công và cướp tên miền đang ở tận Ukraina. Nỗ lực phi thường của công ty (cũng chính là một phương thức PR hay mà họ sử dụng) đã kiếm về cho Name.com hàng loạt những hợp đồng của các khách hàng mới, đăng kí đổi tên miền.
Như vậy, không cứ gì các khách hàng đang trực tiếp đem doanh thu và lợi nhuận về cho bạn, mà bất cứ ai đang cần sự giúp đỡ và bạn có mặt thì sau "hoạn nạn", người ta sẽ tìm đến bạn một cách lâu bền hơn.
Khác biệt hóa "lá thư" trực tiếp tới khách hàng
Nhà tư vấn kinh doanh Ashley Ambirge sẽ chẳng là gì nếu bà tiếp tục đi theo những lối mòn hay quy ước. Tư duy phía sau dự án Ngón Tay Giữa đã thúc đẩy người ta phải "nhấc mông ra khỏi băng ghế dự bị" và đứng lên hành động. Ambirge trở thành điển hình khích lệ các khách hàng của mình hành động theo những cách độc đáo, không truyền thống, không lối mòn và đôi khi chấp nhận trải qua những con đường chông gai, ít ai dùng tới để đạt được thành công trong công việc kinh doanh của mình.
Xuất thân là một Copywriter, Ambirge quyết định sáng tạo những chiến dịch gửi trực tiếp, nhắm đến các công ty mà bà muốn họ trở thành khách hàng. Bà đã đi gặp một công ty cung cấp tấm lợp và mua 30 sản phẩm này. Tiếp đó, bà gửi tới 30 công ty (xây dựng nhà mới), mỗi công ty một tấm lợp mái đơn giản, có ghi dòng chữ "Công ty của tôi + Công ty của bạn = Bán hàng trên các mái nhà". Kết quả là gì? 100% các công ty được gửi "thư" đã phản hồi và gần như tất cả những đơn vị phản hồi đó đã trở thành khách hàng ruột của bà trong những năm về sau.
Chìa khóa để có được nhiều khách hàng đó là phải nghĩ đến nhu cầu của họ. Đi tới những nơi họ có mặt. Làm cho họ cười. Giúp đỡ họ. Và nếu bạn có họ được một lần thì hãy cung cấp thêm các dịch vụ đặc biệt để họ gắn bó với bạn mãi mãi, đồng thời còn trở thành kênh truyền thông lôi kéo thêm khách hàng mới về cho doanh nghiệp bạn.
Đừng lo ngại việc đối thủ cạnh tranh đánh giá bạn đã dùng những trò hết sức kỳ dị và tai quái để lôi kéo khách hàng. Hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng đó là sự nỗ lực và cống hiến mà bạn muốn đem lại cho nhu cầu của khách hàng hiện tại cũng như khách hàng tương lai.
Admicro, theo Erica Napoletano
Theo digtalmarketing