Bảng câu hỏi là một yếu tố không thể thiếu trong mỗi doanh nghiệp khi tiến hành nghiên cứu thị trường.

 

Muốn nhận được thông tin như mong muốn, trước hết các marketer phải biết cách xây dựng câu hỏi đúng hướng và logic. Dưới đây là 6 nguyên tắc "vàng" trong thiết kế bảng câu hỏi giúp bạn có một phiếu điều tra hoàn chỉnh.

1. Có phần mở đầu và kết thúc

Một lá thư giới thiệu hay ít nhất là một lời giới thiệu ngắn gọn về mục đích của cuộc khảo sát, tầm quan trọng của người trả lời hay thông tin đơn vị tiến hành khảo sát sẽ tạo được sự hưởng ứng hơn từ phía đáp viên. Việc cảm ơn đáp viên cũng là một việc rất quan trọng sau khi kết thúc cuộc điều tra. Nó tăng cường khả năng hợp tác, hỗ trợ từ họ cho những lần khảo sát sau.

2. Sử dụng các câu văn ngắn gọn và đơn giản

Việc sử dụng các câu văn ngắn gọn, đơn giản sẽ tránh gây bối rối, mơ hồ cho người trả lời. Theo quy tắc, các câu văn nên bao gồm một hoặc hai mệnh đề, ba mệnh đề trở lên sẽ gây khó hiểu. Cũng đừng sử dụng tục ngữ, thành ngữ hay từ ngữ chuyên môn.

Những câu hỏi rõ ràng sẽ nhận được thông tin chính xác nhất

3. Không hỏi những câu thừa

Khác với việc phỏng vấn trực tiếp, bảng câu hỏi khảo sát không cần mang tính chất xã giao, làm quen. Câu hỏi với nội dung tương tự một vấn đề trước đó đã được hỏi chỉ làm cho bảng câu hỏi dài thêm và làm giảm hứng thú trả lời của người được khảo sát.

Nếu công ty bạn sản xuất loại nước ngọt A, đừng hỏi "Bạn thích uống loại nước giải khát nào nhất?" mà hãy hỏi trực tiếp "Bạn thích uống loại nước nào nhất trong 4 loại sau A, B, C,D?". Khảo sát thật kĩ về một việc nhỏ sẽ làm cho vấn đề chủ chốt của cuộc khảo sát được rõ ràng hơn.

4. Khéo léo với những câu hỏi nhạy cảm

Rất khó đạt được sự chính xác từ các câu trả lời đối với câu hỏi loại này. Vì vậy phải thật khéo léo khi đưa ra câu hỏi.

Ví dụ, câu hỏi "Bạn có kì thị người đồng tính không?" sẽ rất khó thu được câu trả lời chân thành. Vì vậy hãy tiếp cận đáp viên bằng một câu hỏi mang tính gián tiếp hơn. Một là, cách tiếp cận ngẫu nhiên: "Nhân tiện, cho hỏi bạn có kì thị người đồng tính không?" có thể dùng như một phần cuối của một câu hỏi mồi khác. Hai là, sử dụng như một đáp án trong câu hỏi có nhiều phươn án lựa chọn. Ba là, phương pháp cào bằng: "Có rất nhiều người tỏ thái độ kì thị người đồng tính, bạn có phải là một trong số đó?". Bốn là, phương pháp đánh giá thông qua người khác để biết thái độ đáp viên: "Một số người kì thị người đồng tính, bạn đánh giá như thế nào về thái độ này?"

Vì vậy chỉ cần biến hóa một chút bạn có thể khiến đáp viên thoải mái hơn khi trả lời cũng như làm tăng độ trung thực cho câu trả lời của họ.

Khéo léo trong cách đặt câu hỏi cho những vấn đề nhạy cảm

5. Độ dài của bảng câu hỏi

Không có một thống nhất chung về độ dài tối ưu của bảng câu hỏi khảo sát. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mục tiêu nghiên cứu, đối tượng cần nghiên cứu, thời gian nghiên cứu... nhưng đa phần người trả lời thường thiếu tập trung đối với những bảng khảo sát quá dài. Cho nên hãy cố gắng không hỏi những câu thừa hay diễn đạt dài dòng.

6. Sắp xếp các câu hỏi hợp lý

Thứ tự các câu hỏi cũng rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến tính logic của các câu trả lời và nó cũng thể hiện sự khéo léo của người thiết kế nhằm phát hiện người trả lời có trung thực hay không. Chẳng hạn, câu hỏi "Bạn thích uống loại café nào nhất trong các loại sau?" không thể được đặt trước câu: "Bạn có uống café không?" được.

Phải sắp xếp các câu hỏi theo một trật tự logic

Thông thường bố cục một bảng câu hỏi thường bao gồm 5 phần như sau:

  • Phần mở đầu: Giải thích lý do, có tác dụng gây thiện cảm để tạo nên sự hợp tác của người trả lời lúc bắt đầu buổi phỏng vấn.
  • Phần gạn lọc (Câu hỏi định tính): Có tác dụng xác định và gạn lọc đối tượng được phỏng vấn.
  • Phần khởi động (Hâm nóng): Có tác dụng gợi nhớ để tập trung vào chủ đề mà bảng câu hỏi đang hướng tới.
  • Phần chính (Câu hỏi đặc thù): Có tác dụng làm rõ nội dung cần nghiên cứu, cần nhấn trọng tâm.
  • Phần kết thúc (Câu hỏi phụ): Có tác dụng thu thập thêm thông tin về đặc điểm nhân khẩu học người trả lời (Tuổi tác, nghề nghiệp...)

Trong đó, cần lưu ý vài điểm như sau:

  • Đi từ tổng quát đến chi tiết
  • Đi từ dễ đến khó
  • Đi từ hiện thực tới trừu tượng
  • Bắt đầu với các câu hỏi đóng
  • Bắt đầu với những câu hỏi liên quan đến chủ đề chính
  • Không bắt đầu với những câu hỏi về nhân khẩu và cá nhân

Nguồn: Marketer Việt Nam

Pin It
Arthur Schopenhauer - Triết gia Đức

"Người ta nhìn thấy một thế giới hạn hẹp bởi chính cái tầm nhìn hạn hẹp của mình."

User Menu