Liệu bạn đã có tư duy thực thụ của một doanh nhân khởi nghiệp ? Mọi thông tin tôi được đọc hay nghe về giới startup đều liên quan đến những khía cạnh khác nhau của tinh thần khởi nghiệp. Đó là ý tưởng về việc bắt đầu một thứ gì đó mới mẻ, phát triển một sản phẩm chưa từng xuất hiện trên thị trường – như Facebook chẳng hạn.

 

Bạn sẽ được coi là một “nhà khởi nghiệp” nếu bạn có ý tưởng về một sản phẩm hay dịch vụ mới chưa từng có, xây dụng một công ty, thuê một team, xây dựng một ứng dụng di động và thuyết phục được người dùng sử dụng sản phẩm mới. Thành công và thất bại được quyết định bởi việc bạn có  nhận được tiền từ các quỹ đầu tư, mở rộng, hay được mua lại hay không. Ồ, và ngày cả khi thất bại, bạn vẫn được coi là một “nhà khởi nghiệp” đầy dũng cảm. Đây thực sự là một mô hình tuyệt vời, một thế giới trong mơ và thật may mắn cho chúng ta khi sống tại môi trường này, trải nghiệm thứ văn hóa này…

Khoan đã, liệu những yếu tố trên đã thực sự phản ánh đúng tinh thần khởi nghiệp?

Tôi vừa có chuyến đi tới Đông Nam Á, nơi tôi phát hiện ra rằng tư tưởng kể trên dường như không còn đúng tại nhiều quốc gia có tốc độ phát triển cao như Thái Lan, Hàn Quốc hay Việt Nam. Những mô hình kiểu này nếu có manh nha tồn tại thì cũng rất hạn chế, và thường bị giám sát và kiểm soát ngặt nghèo bởi các thủ tục quan liêu hay tác động từ các tập đoàn doanh nghiệp lớn. Nhưng mặt khác, các quốc gia này đang xây dựng “thương hiệu” startup riêng của mình thông qua việc ấp ủ các ý tưởng mới, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ngay trong chính nhân viên của mình nhằm mở ra các thị trường mới. Ta có thể thấy nhiều ví dụ của mô hình này ngay trong chính các doanh nghiệp phương Tây. Họ đánh cược vào sản phẩm mới nhưng hạn chế rủi ro về tài chính nhờ có sự đỡ đầu, nhân viên không phải mạo hiểm cả sự nghiệp của họ hay liều lĩnh đầu tư vào những thị trường chưa được kiểm chứng để tìm kiếm thị phần và lợi nhuận.

Hãy cùng xem xét một vài ví dụ dưới đây:

    Với dòng sản phẩm Galaxy, Samsung đã có trong tay một “iPhone killer” thực sự – mục tiêu mà rất nhiều hãng khác cũng hướng đến nhưng đều thất bại cay đắng. Những thành công mà Galaxy đạt được đã sánh ngang (nếu không muốn nói là bắt đầu nhỉnh hơn) iPhone của Apple, nhưng trong khi chúng ta nhìn nhận Apple như một biểu tượng của tinh thần khởi nghiệp, Samsung chỉ là một (trong rất nhiều) tập đoàn lớn.
    Nhiều tập đoàn lớn phương Tây – bao gồm những gã khổng lồ như GE, IBM hay P&G – cũng thường xuyên tự thay đổi chính mình và đã cho ra đời nhiều sản phẩm tuyệt vời (tất nhiên đôi khi cũng phải chịu những thất bại đau đớn và tốn kém). IBM đã đi vào lịch sử nhờ giai đoạn chuyển đổi thành môt công ty dịch vụ trong những năm 90 dưới thời CEO Lou Gerstner. Gần đây hơn, Netflix đã quyết định tập trung hơn vào video streaming thay vì cố bám lấy dịch vụ cho thuê DVD qua thư đã lỗi thời.
    Nhiều nhân vật chính trị cấp cao đã tranh thủ thời kì tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước của Liên Xô cũ trong những năm 90 để làm giàu một cách nhanh chóng thông qua nắm giữ cổ phần trong các công ty khai thác tài nguyên (có thể bằng cả những cách mờ ám). Mặc dù không phải là cách minh bạch, nó cũng cho thấy một ví dụ tiêu biểu cho khả năng nắm bắt cơ hội cùng lòng nhiệt huyết kinh doanh tuyệt vời.

Trong những ví dụ này, chúng ta luôn thấy bóng dáng của những doanh nhân, kỹ sư hay những nhà hoạch định chiến lược tài ba – những người nhìn ra và nắm bắt được cơ hội, những con người không ngần ngại tiến hành những bước đi táo bạo, vượt qua vô số trở ngại trên đường đi, đồng thời cũng biết tận dụng lợi thế từ hoàn cảnh lịch sử hay đặc điểm của môi trường xung quanh để tìm kiếm và đảm bảo thành công.

Vậy nên rõ ràng, “tinh thần khởi nghiệp” không chỉ như những gì nhiều người tưởng tượng khi nghe về anh chàng sinh viên Mark Zuckerberg ngồi “tu” tại phòng ký túc xá của mình, rồi biến nó thành một công ty trị giá nhiều tỉ đô chỉ sau 18 tháng. Đó còn là khi nhóm R&D của công ty nọ phát minh ra một sản phẩm mới, khi đội ngũ kinh doanh tìm ra một cách mới đột phá nhằm tăng thị phần và lợi nhuận, hay khi CEO quyết định từ bỏ mô hình kinh doanh cũ để áp dụng phương pháp mới hiệu quả hơn.

Reid Hoffman trong cuốn Startup of You đã lập luận rằng mỗi con người đều có “startup” tại chính bản thân mình. Quan điểm này đã đơn giản hóa ý niệm kinh doanh, đưa nó về đơn vị cơ bản nhất – bản thân mỗi chúng ta. Nếu xem xét mỗi cá nhân như một hàng hóa kinh tế, thì chúng ta đang không ngừng tìm cách duy trì và nâng cao giá trị của “hàng hóa” đó (chính bản thân chúng ta) thông qua các khoản đầu tư có thời hạn và mang tính chiến lược – đi học để tích lũy kiến thức, đi thực tập nhằm nâng vao kỹ năng và kinh nghiệm thực tế… Việc bạn muốn tối đa hóa lương hay thưởng của mình chính là hành động nhằm tăng tỷ lệ hoàn vốn (ROI) cho những khoản đầu tư vào chính bản thân mình trước đây. Nếu có những khoản đầu tư đúng đắn, giá trị của bạn tăng lên, khi đó bạn sẽ được thuê, hay tự khởi tạo một công việc với mức thu nhập hậu hĩnh (nói cách khác, “hàng hóa” này mang lại một chỉ số Price/Earning hấp hẫn).

Dù bạn có đang làm việc tại một tập đoàn khổng lồ hay một startup còn chưa có tên tuổi, thì bạn cũng đang không ngừng phấn đấu để tăng thêm giá trị, để giải quyết vấn đề – đó cũng chính là điều cốt lõi của tinh thần khởi nghiệp. Khác biệt duy nhất giữa một startup với một tập đoàn lớn chính là, về mặt nguyên tắc, startup sẵn sàng mạo hiểm, “được ăn cả, ngã về không”, trong khi “khởi nghiệp” trong tập đoàn lớn chấp nhận ít rủi ro hơn, đổi lại phần thưởng cũng hạn chế hơn (tương tự như sự khác nhau giữa cổ phiếu và trái phiếu vậy). Tuy vậy ý kiến này cũng không chính xác hoàn toàn, vì trong thực tế, các startup thường phải một mình đối mặt với hiểm nguy, nhưng cuối cùng phần lớn lợi nhuận lại chui vào túi các VC thay vì quay lại với các thành viên trong nhóm. Trong khi đó, các tập đoàn lớn được hưởng lợi lớn từ giá cổ phiếu sau mỗi sản phẩm thành công, đồng thời vẫn có thể được một phần lớn rủi ro.

Xem xét cả hai mặt của vấn đề, tôi cho rằng mấu chốt của vấn đề là luôn tiếp cận mọi thứ bằng tư duy khởi nghiệp  – dù bạn đang ở trong những tập đoàn lừng lẫy hay một startup vô danh. Đánh giá và cân nhắc những lợi thế cũng như mục tiêu của bạn, kết hợp với những tính toán cẩn thận về chi phí cơ hội cũng như những rủi ro có thể gặp phải, từ đó xác định được mô hình phù hợp nhất cho mình.

Cuối cùng, như những gì Reid Hoffman đã nói, startup của bạn là chính bạn. Entrepreneurship is a state of mind – Khởi nghiệp chỉ là một trạng thái tinh thần !

Nguồn: Cường Nguyễn/Theo Technori/Westar

Pin It
Charles C. Noble

"Để khỏi bị nhụt chí bởi những thất bại trước mắt, bạn cần phải có một mục tiêu lâu dài."

User Menu