Trên các diễn đàn bất động sản hiện nay, ngày càng nhiều mẩu rao vặt với nội dung vỡ nợ, cần bán gấp nhà với giá siêu rẻ. Trong đó, biệt thự của các "ông chủ vỡ nợ" hấp dẫn hơn cả khi giá được giảm mạnh, thậm chí chỉ bằng giá nhà ở xã hội.
Biệt thự tại dự án Geleximco - Lê Trọng Tấn có giá rao bán "bèo" nhất, chấp nhận lỗ vốn. Một căn diện tích 200m2 có giá chỉ 14 triệu đồng/m2. Dường như chưa thấy đủ hấp dẫn, thành viên diễn đàn còn hứa vì cần tiền gấp nên sẽ thương lượng thêm về giá cả. Điều đó có nghĩa giá có thể thấp hơn 14 triệu đồng/m2.
Mảnh đất trong khu biệt thự Kiều Đàm rộng gần 450m2 cũng chỉ có giá 6,7 tỷ đồng. Tính ra, mỗi m2 chỉ khoảng 14,9 triệu đồng. Lý do được đưa ra vẫn là "chủ nhà vỡ nợ".
Trong khi đó, mức "trần" của giá nhà ở xã hội là 15 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, trên thị trường, không nhiều người rao bán biệt thự với giá ngang giá nhà ở xã hội như vậy. Hầu hết các biệt thự dù đã được quảng cáo giá siêu rẻ thì muốn sở hữu được chúng, chủ mới vẫn phải bỏ ra cả chục tỷ đồng.
Tại Tp.HCM, số lượng người rao bán biệt thự vì vỡ nợ nhiều hơn hẳn Hà Nội. Cũng với lý do vỡ nợ, một chủ nhà rao bán căn biệt thự mặt đường với giá 25,8 triệu đồng. Trong khi đó, dù vỡ nợ, chủ nhà căn biệt thự mặt đường Nguyễn Văn Thủ, Quận 1 lại được "hét" tới 75 tỷ đồng dù diện tích chỉ 238m2.
Với một chủ nhà của căn biệt thự sân vườn tuyệt đẹp, sang trọng 1 trệt 1 lầu ngang, rộng 150m2 lại thể hiện rõ sự cần tiền vì vỡ nợ khi quyết định chỉ bán đất và tặng miễn phí biệt thự. Chính vì vậy, bất động sản có giá rất hấp dẫn, chỉ 2,1 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, số lượng người tự khai "vỡ nợ" để bán đất có vẻ ít hơn. Có thành viên diễn đàn cần bán gấp biệt thự 201 m2 đã hoàn thiện tại Làng Quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy. với giá 26,5 tỷ đồng, tương đương hơn 130 triệu đồng/m2.
Trong khi đó căn biệt thự ở Tô Ngọc Vân rộng 150m2, xây 3 tầng chỉ có giá 20 tỷ đồng (xấp xỉ 133 triệu đồng/m2) cũng vì chủ nhà vỡ nợ.
Anh Nguyễn Thanh Quân, một người đang săn biệt thự giá rẻ cho biết anh thấy biệt thự Geleximco rất hấp dẫn vì giá quá bèo, 14 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, không quá mất nhiều thời gian, anh nhanh chóng nhận ra với mức giá siêu rẻ như vậy, hầu hết các biệt thự được rao bán vẫn ở dạng đất nền, nghĩa là chưa thậm chí cả xây thô. Và các biệt thự này thường nằm trong một dự án nào đó. Còn với các biệt thự đã hoàn thiện, giá cả cao hơn rất nhiều.
"Không chỉ vẫn là đất nền, các biệt thự này có giá bán không chênh nhiều so với thị trường. Cùng lắm là thấp hơn 500.000 đồng tới 1 triệu đồng/m2. Cũng có thể chủ nhà cần tiền thật nên họ bán rẻ hơn chút xíu. Nhưng rõ ràng, việc khoe vỡ nợ chỉ là cái chiêu để hút khách của họ mà thôi" - Anh Quân bình luận.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEN Group cũng cho rằng khi bán hàng ai chẳng phải quảng cáo hấp dẫn thu hút người mua. Giới kinh doanh bất động sản có nhiều chiêu độc từ trước, chứ không phải bây giờ mới có.
Bất động sản là sản phẩm tiêu dùng đặc biệt, không thể so sánh bằng con số đơn thuần. Ví dụ có nhà trên Phố Huế, Hàng Bài mà bán với giá 300 - 400 triệu/m2 thì nhiều người có thể coi đó là rẻ vì trước đây ở Hàng Bài, có người mua tới 1 tỷ đồng/m2. Nhưng ở vành đai 3, ai mua 30 triệu đồng/m2 lại bị coi là đắt.
Vì vậy, ông Hưng khẳng định rất khó để đánh giá bất động sản giá siêu rẻ hay không bởi giá bất động sản không thể so sánh định tính bằng con số. Bất động sản siêu rẻ hay không thì tùy thuộc vào từng cách đánh giá. Hơn nữa, nó phụ thuộc mục tiêu của mỗi người. Theo ông Hưng, khách hàng phải có hiểu biết vì bất động sản không giống như mua chai nước hay gói bim bim. Bất động sản mua tiêu dùng hay đầu tư thì khách hàng phải có kiến thức, nhất định không thể nghe quảng cáo hay thông tin chung chung.
Theo VTC News.