Làm thế nào để chinh phục thị trường thế giới, vươn mình ra biển lớn và ghi danh mình trên bảng xếp hạng các doanh nghiệp lớn trên thế giới như Fortune 500, Fortune 1000 là nỗi niềm trăn trở suy tư của không ít doanh nhân Việt.
Kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn đầy thách thức và khó khăn, với sự suy giảm tăng trưởng trên toàn cầu, khủng hoảng nợ công ở châu Âu, tình trạng thất nghiệp tăng lên ở mức báo động ở Hy Lạp, Tây Ban Nha và thậm chí ở Mỹ.
Việt Nam cũng không tránh khỏi vòng xoáy của cơn bão khủng hoảng với số lượng lớn doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, lãi suất cho vay cao, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng tăng.
Bức tranh kinh tế thế giới có nhiều gam màu tối, nhưng ở đâu đó chúng ta vấn nhìn thấy những điểm sáng, mà điển hình là Apple.
Tại sao Apple và một số doanh nghiệp khác vẫn thành công bất chấp khủng hoảng? Làm thế nào để biến một công ty sắp phá sản như Apple trở thành công ty có giá trị vốn hóa đứng hàng đầu và được yên mến trên toàn thế giới? Chúng ta học được gì từ Apple để xây dựng công ty của mình đột phá trên thị trường?
Sau đây là những yếu tố quyết định thành công của Apple:
Vai trò xây dựng và thực hiện chiến lược xuất chúng của Steve Job
Apple có được thành công như ngày hôm nay, một phần là nhờ vai trò to lớn của Steve Jobs.Ngoài việc xây dựng chiến lược, tạo ra các sản phẩm mang tính đột phá và hướng đến người dùng, Steve còn kết hợp được các phòng ban, các cá nhân xuất sắc của công ty thực hiện chiến lược một cách xuất sắc.
Kết quả là Apple cho ra đời hàng loạt sản phẩm bán chạy “như tôm tươi” như: Macbook, Iphone, Ipad, Ipod...
Nhìn vào các doanh nghiệp Việt, chúng ta có thể thấy dường như vai trò điều hành doanh nghiệp của các CEO vẫn chưa được đặt đúng vị trí .
Đâu đó chúng ta vẫn thấy sự can thiệp quá mức của HĐQT vào việc điều hành, hay chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm luôn CEO. Thậm chí chủ tịch HĐQT là người đề ra chiến lược cho công ty và CEO là người thực hiện.
Chúng ta cũng ít thấy các CEO của doanh nghiệp Việt đưa ra chiến lược kinh doanh rõ ràng trong dài hạn, và quan trọng hơn nữa là việc thực thi chiến lược đó như thế nào.
Thậm chí các CEO Việt ngày nay có xu hướng thuê các công ty tư vấn chiến lược làm thay việc của mình trong khi lương của họ nhận được lại quá cao.
Steve Jobs và một số CEO khác ở Mỹ chỉ nhận lương tượng trưng 1 USD/năm nhưng họ có quyền chọn cổ phiếu (stock option), và tiền thưởng rất lớn căn cứ vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Đây cũng là một giải pháp đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của CEO phải gắn với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Bài học: Nên tách bạch giữa vai trò điều hành và giám sát giữa HĐQT và CEO. Giao nhiệm vụ xây dựng và thực hiện chiến lược với các tiêu chí cụ thể gắn trách nhiệm và quyền lợi của CEO với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
Không ngừng sáng tạo và đổi mới
Trung bình từ 6 tháng đến 1 năm là Apple tung ra sản phẩm mới. Kết quả đó chỉ có thể có được bằng sự sáng tạo và đổi mới không ngừng trong một môi trường sáng tạo và của những cá nhân xuất sắc và đầy nhiệt huyết.
Trên hết là việc CEO Steve Jobs thấy được vai trò quan trọng của bộ phận thiết kế (Design) và nghiên cứu phát triển (R&D) đồng thời đặt ra mục tiêu và cả áp lực to lớn để các bộ phận này sáng tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Ngược lại ở các doanh nghiệp Việt Nam dường như vẫn chưa quan tâm nhiều lắm đến vai trò của Design và R&D, nên chi phí đầu tư cho công việc này có khi còn thấp hơn cả chi phí tiếp khách và chi phí quan hệ.
Bài học: Để tạo ta được các sản phẩm Việt mang tính đột phá, vai trò của Design và R& D phải được đặt lên hàng đầu và tất nhiên phải đầu tư nhiều tiền bạc và công sức vào nó.
Luôn hướng đến hiệu quả hoạt động xuất sắc (Operation Exellence)
Để hướng tới hiệu quả hoạt động xuất sắc, Apple đã nỗ lực để đưa sản phẩm mới ra thị trường nhanh nhất có thể với chi phí hợp lý nhất, doanh thu và lợi nhuận cao nhất.
Chiến lược thuê ngoài (outsourcing) quá trình chế tạo và phát triển chuỗi Apple Store chính là giải pháp hoàn hảo cho vấn đề đó. Chúng ta thấy Samsung cung cấp chip, Sharp cung cấp màn hình, Foxconm lắp ráp sản phẩm .v.v... Tóm lại, trong quy trình hoạt động của mình, Apple đã outsourcing phần thuê ngoài quy trình sản xuất, chỉ tập trung vào R&D, design, tiếp thị và dịch vụ.
Hiểu một cách nôm na theo quy luật 20/80 là Apple chỉ làm trực tiếp 20% khối lượng công việc để tạo ra một sản phẩm mới, nhưng chính phần này lại tạo ra 80% lợi nhuận cho mình, còn 80% công việc còn lại - chỉ chiếm 20% lợi nhuận thì đi thuê ngoài.
Nói cách khác, họ chỉ phụ trách phần từ cổ đến đầu (kinh tế tri thức), phần còn lại của con người (kinh tế lao động giản đơn) thì thuê ngoài.
Khái niệm thuê ngoài không phải là mới ở Việt Nam nhưng dường như các doanh nghiệp Việt vẫn chưa quen với điều đó. Điều này có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Một trong số đó là tâm lý thích làm từ A đến Z, thích đầu tư xây dựng những nhà máy hoành tráng.Để có chiến lược thuê ngoài thành công thì chính Steve Jobs cũng đã nếm trải thất bại khi xây nhà máy ở Mỹ và kết quả là sản phẩm của Apple có giá thành quá cao và không bán được.
Bài học: Thuê ngoài là một giải pháp cần xem xét để tối ưu hóa mọi nguồn lực trong hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần hướng tới việc tối ưu hóa hoạt động nhằm mục tiêu đưa ra sản phẩm mới nhanh nhất, chi phí hợp lý nhất, lợi nhuận cao nhất.
Chiến lược bán hàng và tiếp thị hoàn hảo
Cách giới thiệu sản phẩm khác biệt của Apple
Phong cách giới thiệu về sản phẩm mới của Steve Jobs với quần Jean, áo phông đen cổ lọ và giầy thể thao cũng là điểm khác biệt làm người tiêu dùng khao khát mong chờ sản phẩm mới của Apple. Rồi đến chuỗi của hàng Apple store cũng tạo nên sự khác biệt trong cách bán hàng tiếp thị. Có thể gọi Steve Jobs ngoài bậc thầy về công nghệ và là phù thủy về bán hàng và tiếp thị.
Bài học: Tạo sự khác biệt về bán hàng và tiếp thị so với đối thủ cạnh tranh và phải luôn hướng đến và thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
NGUYỄN MẠNH THẮNG
Theo DNSG.