butChiếc bút Grayson Tighe khắc hình bản đồ Việt Nam.Thú chơi hàng xa xỉ của những người thành đạt đang chuyển hướng dần từ những biểu tượng, logo nổi bật,

“chói mắt” như Hermes, Louis Vuitton hay Rolex sang những hình ảnh “chìm” hơn nhưng chuyển tải những thông điệp ấn tượng hơn trên những món đồ càng ngày càng xa xỉ. Các hãng kinh doanh hàng cao cấp trên thế giới đang tìm ra những hướng đi mới để thỏa mãn nhu cầu khẳng định đẳng cấp, khẳng định bản thân của giới thượng lưu. Và khách hàng Việt Nam là một trong những đối tượng mà họ đang hướng tới. Khác với việc ghi những biểu tượng cá nhân như tên, năm tuổi, trên món đồ sử dụng, giờ đây các thương hiệu đang gắn mình với biểu tượng dân tộc, quốc gia. Bởi cho dù trong một thế giới toàn cầu hóa, một “đại gia Việt” có thể “ăn cơm Tàu”, “ở nhà Tây”, “lấy vợ Nhật” theo đúng nghĩa về địa lý nhưng sẽ không thể quên được quê hương, Tổ quốc của mình. Đó là sợi dây vô hình, mỏng manh nhưng gắn chặt vào sâu thẳm tiềm thức của mỗi người.

Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường hàng xa xỉ của thế giới theo cách đó. Một loạt các thương hiệu danh tiếng đã tạo ra những món đồ “siêu cấp” với số lượng hạn chế dành riêng cho các đại gia Việt. Với trình độ chế tác tinh xảo, truyền thống và danh tiếng lâu đời, họ đã tạo ra những sản phẩm cực kỳ cao cấp bằng những nguyên liệu quý hiếm mà vẫn đậm dấu ấn “con Rồng cháu Tiên”.

Đó là lý do mà hãng đồng hồ Speake Marin vừa cho ra mắt 2 chiếc Serpent Calendar có khắc hình bản đồ Việt Nam trên thân vỏ. Đồng hồ có vỏ làm bằng vàng hồng 18K, núm vặn nạm kim cương, cầu máy chạm khắc bằng tay, mặt số tráng men sứ thủ công. Ngoài 2 chiếc đặc biệt này, Speake Marin cũng sẽ làm thêm 18 chiếc đồng hồ mang hình họa tiết trống đồng Ngọc Lũ bằng vàng.

Speake Marin là hãng đồng hồ danh tiếng của Thụy Sỹ, nổi tiếng với chiếc đồng hồ được thiết kế cầu kỳ, độc đáo, bằng những chất liệu quý hiếm và có số lượng rất hạn chế. Khách hàng của Speake Marin là những nguyên thủ quốc gia, các doanh nhân thành đạt, những người rất sành sỏi nhưng cũng rất kín tiếng. Tất nhiên giá của những chiếc đồng hồ này không hề dành cho những người “bình thường”. Như chiếc Serpent Calendar có khắc hình bản đồ Việt Nam trên thân vỏ có giá 850 triệu đồng VN.

Đây là lần đầu tiên, Speake Marin đưa bản đồ của một quốc gia lên trên sản phẩm của mình. Thông điệp mà Speake Marin hướng tới khi sản xuất những chiếc đồng hồ đặc biệt này là 100 năm sau, khi rất nhiều thứ bóng bảy đã mất đi nước sơn, rất nhiều thứ trào lưu đã trở thành phù phiếm, rất nhiều ý tưởng độc đáo đã trở nên lỗi thời, thì những chiếc đồng hồ của Speake Marin sẽ vẫn còn nguyên giá trị của nó.

Ví dụ như với chiếc đồng hồ mang hình Việt Nam này, 100 năm nữa, nó vẫn tích tắc kể, qua hình bản đồ Việt Nam với đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông, về những ngày mà tinh thần người Việt hướng về đảo xa nhiều hơn bao giờ hết. Nó không giúp vặn ngược thời gian, nhưng nó lưu giữ thời gian theo cách đẹp nhất.

Cùng xu hướng, Grayson Tighe, hãng sản xuất bút viết cao cấp của Canada cũng giới thiệu 1 chiếc bút đặc biệt có tên Lạc Long Quân với thân làm bằng thiên thạch 4 tỷ năm tuổi – tương đương tuổi của trái đất. Nắp của chiếc bút được làm bằng vàng khối, chạm nổi hình rồng phun mây với mắt rồng bằng kim cương. Chiếc bút chạm hình rồng, biểu tượng của Lạc Long Quân có giá 635 triệu đồng. Ngoài ra, Grayson Tighe cũng giới thiệu bộ bút 12 chiếc về chủ đề Việt Nam. Những chiếc bút này có chạm khắc nổi hình bản đồ Việt Nam, sóng biển Đông trên thân bút làm bằng san hô đỏ, một vật liệu tự nhiên quý hiếm. Những tuyệt tác này được chăm chút ở mọi công đoạn bởi chính Grayson Tighe - Chủ tịch hãng và cũng là nghệ nhân làm bút độc lập. Tham gia vào việc khắc nổi bản đồ Việt Nam trên chiếc bút này còn có cả Jose de Braga, Chủ tịch Hiệp hội làm kiếm báu Canada, một trong những nghệ nhân điêu khắc kim loại xuất sắc thế giới.

Tiếp theo, Reuge - hãng sản xuất hộp nhạc cơ khí nổi tiếng của Thụy Sĩ, chuyên sản xuất những món đồ chơi cho các bậc vua chúa - cũng sẽ làm 88 hộp nhạc có hình bản đồ Việt Nam trang trí bên ngoài. Bên trong, các cỗ máy sẽ chơi bài nhạc quốc ca Việt Nam. Bản nhạc này được cất lên qua một hệ thống máy móc tinh xảo, với âm thanh trong trẻo lạ kỳ, mang đến một sắc thái mới cho một bài hát thân quen.

Không chịu thua kém, hãng điện thoại cao cấp của Canada, Mobiado cũng giới thiệu bộ điện thoại di động số lượng có hạn 100 chiếc, lấy cảm hứng từ truyền thuyết bọc trăm trứng của cha Rồng mẹ Tiên. Serie đầu tiên sẽ là 50 chiếc Mobiado 712 GCB có bản đồ Việt Nam dát vàng trên nắp pin. Trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được thể hiện cách điệu bằng hai biểu tượng hàng hải. Trên đỉnh của mỗi máy đều khảm một viên kim cương lớn. Hình ảnh bản đồ Việt Nam được dát vàng ở trên phần nắp pin làm bằng sapphire nguyên khối. Thông tin về 50 chiếc điện thoại tiếp theo chưa được công bố nhưng đó chắc chắn cũng là những sản phẩm quý giá cả về ý nghĩa vật chất và tinh thần. Mobiado với dòng điện thoại đặc biệt này đang mở ra một trào lưu mới: đem lại những sản phẩm gắn với niềm tự hào của người dùng. Bên cạnh truyền thống đặt hàng theo sở thích riêng (made by order), giờ có thể sẽ có thêm một nhánh mới làm theo niềm tự hào chung (make to be proud).

Số lượng những thương hiệu cao cấp sản xuất dòng sản phẩm dành riêng cho Việt Nam chắc chắn không chỉ dừng lại ở đó. Cùng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, nhu cầu về những món hàng cao cấp đầy nghĩa như vậy là có thực và sẽ ngày càng được ưa chuộng. Và việc sở hữu một món đồ quý giá mang hình ảnh đất nước chắc chắn sẽ khiến chủ nhân của nó cảm thấy gắn bó và tự hào hơn về quê hương, Tổ quốc.

Hoàng Yến-Theo VnMedia

Pin It
Robert Heller (chủ bút Mỹ)

"Quản lý hiệu quả luôn luôn hàm nghĩa hỏi đúng câu cần hỏi".

User Menu