Xây dựng thương hiệu là một quá trình bao gồm nhiều hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu chung là tạo ra một vị trí xác định cho doanh nghiệp trên thị trường, trong đó, gây được sự chú ý nhiều nhất và tạo ra ấn tượng sâu sắc nhất cho khách hàng chính là logo (biểu trưng).
Trong hệ thống nhận diện thương hiệu của một doanh nghiệp, logo là một dấu hiệu làm nổi bật thương hiệu, là yếu tố tạo dấu ấn riêng của doanh nghiệp. Mang tính khái quát cao, logo cũng trở thành dấu hiệu dễ nhớ nhất đối với khách hàng về thương hiệu doanh nghiệp.
Trong thực tế, một logo tốt đưa công ty vượt ra khỏi sự im lặng, tạo ra tiếng nói, đồng thời phô trương sức mạnh và giá trị của công ty. Một công ty phát đạt luôn quan tâm tới tiếp thị và một công ty quan tâm tới tiếp thị không bao giờ chấp nhận một logo mờ nhạt.
Trong bất kì trường hợp nào, logo tốt sẽ gây ấn tượng ở ngay cái nhìn đầu tiên. Mục đích là chỉ sau một vài lần nhìn, người ta có thể cảm thấy quen với logo đó và có thể phân biệt giữa hàng trăm logo khác vẫn thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, trong thời buổi hội nhập quốc tế, logo tốt sẽ giúp các công ty đến với khách hàng mà không phải mất quá nhiều thời gian giải quyết trở ngại bất đồng ngôn ngữ. Người ta có thể không biết "Shell" có nghĩa là gì, nhưng logo hình vỏ sò nổi tiếng của công ty này được biết tới ở khắp nơi trên thế giới.
Richard Moore, chuyên gia tiếp thị và là người đã tham gia một số khoá huấn luyện tiếp thị tại Việt Nam khẳng định: "Các logo thành công nhất khi nhà thiết kế sử dụng màu sắc, kiểu chữ một cách nhất quán và thậm chí có một công thức thiết kế nhất quán với các yếu tố khác nhau của thông tin tiếp thị".
Cũng theo ông Moore, một logo tốt kết hợp với cách thức tiếp thị hiệu quả sẽ tạo ra "một hình ảnh vô hình nhưng lại là tài sản quan trọng của công ty, đôi khi còn có giá trị hơn cả những tài sản hữu hình".
Theo tổng kết của tạp chí Entrepreneur, có 5 hình thức sử dụng logo được đánh giá là đem lại hiệu quả khá cao.
Hình thức thứ nhất là tài trợ cho các sự kiện. Ví dụ như tham gia tài trợ cho các cuộc triển lãm thương mại, các cuộc hội thảo hay các cuộc thi... Đây là nơi có thể thu hút sự chú ý của các đối thủ cạnh tranh, khách hàng thuộc nhóm đối tượng tiềm năng. Trong hình thức này, hiệu quả của việc quảng bá nhãn hiệu, logo sẽ tùy theo mức độ chi phí doanh nghiệp bỏ ra. Hiệu quả cao nhất của hình thức này là logo của doanh nghiệp sẽ có mặt và nổi bật trong các chương trình hoạt động hay các tài liệu tiếp thị.
Hình thức thứ hai là tài trợ các đội tuyển thể thao. Doanh nghiệp nên xác định các đội tuyển thể thao nào có thể tạo ra hình ảnh lớn nhất đối với khách hàng mục tiêu để tài trợ. Đổi lại, logo của doanh nghiệp sẽ được xuất hiện trên những bộ trang phục thi đấu, các bảng ghi thành tích hay các tài liệu tiếp thị.
Hình thức thứ ba là sử dụng các sản phẩm khuyến mãi.
Hình thức thứ tư là in logo trên bao bì.
Và hình thức thứ năm, doanh nghiệp có thể tạo ra những logo di động bằng cách quảng cáo, dán các logo lên một số phương tiện giao thông phù hợp. Nhờ đó, logo doanh nghiệp sẽ có cơ hội và tần suất xuất hiện trong xã hội khá cao.
Ngoài những cách sử dụng logo điển hình để doanh nghiệp tham khảo như trên. Thực tế còn cần phải căn cứ đặc thù sản phẩm hay hoạt động của doanh nghiệp, mỗi trường hợp khác nhau cũng sẽ tạo ra cơ hội sử dụng logo hiệu quả. Tất nhiên, hiệu quả tới đâu còn tùy thuộc vào mục tiêu và phương thức quảng bá logo và thương hiệu chính của doanh nghiệp đó.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất đằng sau những chiếc logo tốt, các doanh nghiệp không được quên một yếu tố vô cùng quan trọng, đó là đăng ký cho mình quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp. Trong bối cảnh Việt nam là một trong số những nước có tỉ lệ vi phạm bản quyền cao nhất thế giới như hiện nay, thì việc làm đó giúp cho doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trước những "tranh tối, tranh sáng" tranh chấp về bản quyền đang diễn ra nhan nhản hiện nay.
Theo Tần nhìn