Nhượng quyền thương mại được hiểu là một thỏa thuận mà trong đó bên nhượng quyền đã phát triển một hệ thống để điều hành một doanh nghiệp cụ thể, sau đó cho phép bên được nhượng quyền sử dụng hệ thống đó theo quy định của bên chuyển nhượng.

Hiện nay, nhượng quyền là một trong những phương thức kinh doanh rất phổ biến tại Việt Nam. Vậy, nhượng quyền là gì? Và giữa nhượng quyền với sở hữu trí tuệ có mối quan hệ như thế nào?

Nhượng quyền thương mại là một trong những phương thức mở rộng kinh doanh với chi phí rẻ (Ảnh: Hướng nghiệp Á Âu)

Nhượng quyền thương mại có thể được hiểu là một thỏa thuận mà trong đó bên nhượng quyền đã phát triển một hệ thống để điều hành một doanh nghiệp cụ thể, sau đó cho phép bên được nhượng quyền sử dụng hệ thống đó theo quy định của bên chuyển nhượng. Đổi lại, bên chuyển nhượng sẽ được nhận tiền thù lao từ bên được nhượng quyền.

Mối quan hệ này tiếp tục tồn tại khi bên nhận nhượng quyền nhận được sự trợ giúp và hỗ trợ; đồng thời hoạt động phù hợp với những tiêu chuẩn và thực tiễn được bên nhượng quyền thiết lập và giám sát.

Do đó, nhượng quyền thương mại liên quan đến một hệ thống mà bên nhượng quyền cho phép - hoặc cấp li-xăng cho - bên được quyền khai thác. Hình thức này dưới đây được gọi tắt là hệ thống nhượng quyền hay đơn giản là hệ thống.

Hệ thống trọn gói này bao gồm các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến một hoặc nhiều nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế hoặc những tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, cùng với bí quyết kỹ thuật và bí mật kinh doanh có liên quan. Tất cả những quyền sở hữu trí tuệ trên sẽ được khai thác để bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Ngoài ra, hệ thống này cũng chứa nhiều yếu tố khác đóng góp vào thành công của doanh nghiệp như công thức và phương pháp chuẩn bị bữa ăn, thiết kế đồng phục của nhân viên, kiến trúc của các nhà hàng, kiểu dáng của bao bì và hệ thống quản lý, kiểm toán.

Mối quan hệ nhượng quyền thương mại có một số đặc trưng cơ bản. Thứ nhất, li-xăng quyền sử dụng hệ thống. Sau khi thỏa thuận các khoản thanh toán, bên được nhượng quyền được phép sử dụng hệ thống nhượng đang hoạt động, được cấp li-xăng sử dụng hệ thống của bên nhượng quyền để tiến hành hoạt động kinh doanh. Theo đó, hệ thống nhượng quyền sẽ được khai thác tại một địa điểm cụ thể, như nhà hàng hoặc cửa hàng được nhượng quyền và các địa điểm đó thường được gọi là “đơn vị được nhượng quyền”.

Thứ hai, giữa hai bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền sẽ có mối quan hệ tương tác tiếp diễn. Mối quan hệ này sẽ tiếp diễn, liên quan đến việc bán sản phẩm được nhượng quyền (hoặc cung cấp dịch vụ được nhượng quyền) trong một thời hạn nhất định. Bên nhượng quyền sẽ không ngừng hỗ trợ cho bên được nhượng quyền thành lập, duy trì và phát triển đơn vị được nhượng quyền.

Về phần mình, bên được nhượng quyền cũng phải tiếp tục trả phí cho bên nhượng quyền để tiếp tục sử dụng hệ thống nhượng quyền hoặc các dịch vụ quản lý.

Thứ ba, với hợp đồng nhượng quyền, bên chuyển nhượng có quyền quy định cách thức kinh doanh đối với bên nhận nhượng quyền. Bên được nhượng quyền phải đồng ý tuân thủ những chỉ dẫn về cách thức điều hành hệ thống do bên nhượng quyền quy định. Các chỉ dẫn này có thể liên quan đến việc kiểm soát chất lượng, bảo vệ hệ thống, giới hạn về lãnh thổ, các chi tiết liên quan đến việc điều hành và các quy định khác nhằm kiểm soát hoạt động của bên được nhượng quyền trong hoạt động nhượng quyền.

Li-xăng về nhãn hiệu thường là điều kiện chính trong hợp đồng nhượng quyền thương mại. Trong các hợp đồng nhượng quyền thương mại, mức độ kiểm soát của chủ sở hữu nhãn hiệu đối với bên được nhượng quyền thường cao hơn so với các hợp đồng li-xăng nhãn hiệu tiêu chuẩn.

Hệ thống cửa hàng cà phê Trung Nguyên là một trong những ví dụ điển hình về nhượng quyền ở Việt Nam. Cà phê Trung Nguyên ra đời vào năm 1996 tại Buôn Mê Thuột, Đaklak. Tập đoàn cà phê Trung Nguyên sử dụng hoạt động nhượng quyền để giới thiệu và quảng bá tới khách hàng trên toàn quốc.

Khi nhận nhượng quyền, các cửa hàng nhận nhượng quyền của Trung Nguyên sẽ được hưởng các công thức đồ uống, những concept có sẵn. Menu của quán sẽ được đồng bộ về chất lượng và số lượng, concept của quán cũng được thiết kế đồng bộ, mang màu sắc và phong cách giống với concept của thương hiệu “mẹ”. Ngoài ra, Trung Nguyên cũng cung cấp cho các cửa hàng nhượng quyền đầy đủ trang thiết bị cần thiết, cũng như đào tạo sử dụng máy móc.

Với hoạt động nhượng quyền, các cửa hàng nhận nhượng quyền sẽ được thừa hưởng lợi ích từ thương hiệu “mẹ” chứ không phải xây dựng tất cả mọi thứ từ con số không như các cửa hàng bình thường khác.

Trung Nguyên quy định nếu các cửa hàng, quán cà phê muốn nhận nhượng quyền chỉ cần chi trả chi phí đầu tư ban đầu từ 65 – 175 triệu đồng cho các hạng mục xây dựng, bàn ghế, trang thiết bị và các nhu cầu phát sinh khác; và quy định chi phí nhượng quyền thương hiệu là 0 đồng. Chính vì thế, Trung Nguyên sẽ thu được doanh thu từ hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ chứ không nhận doanh thu từ chi phí nhượng quyền thương hiệu.

Theo WIPO

Pin It
Robert Anthony

"Đối nghịch với lòng can đảm không phải là sự hèn nhát mà là sự phục tùng"

User Menu