Thương hiệu và influencer có mối quan hệ cộng sinh, hỗ trợ lẫn nhau. Vì để một chiến dịch hiệu quả và thành công, không chỉ cần đến sự nỗ lực của influencer mà còn đòi hỏi ở thương hiệu sự thấu hiểu và khả năng hợp tác tài tình với họ.
Bài viết dựa trên quan điểm của ông Tom Noble-Sabokbar, Trưởng bộ phận Dịch vụ Khách hàng tại social creative agency Hey Honey.
Những điều tiếng xung quanh influencer ảnh hưởng đến quyết định thực hiện chiến lược influencer marketing của thương hiệu. Theo báo cáo Socialbaker, nửa đầu năm 2020, các quảng cáo có sự góp mặt của influencer giảm 35%.
Mặc cho ngân sách marketing bị cắt giảm, các influencer, nhà sáng tạo, hay đại sứ vẫn giữ một vai trò chiến lược đối với thương hiệu. Vì đây cũng là một trong các kênh truyền thông, đóng một vai trò nhất định trong ma trận tiếp thị.
Ông Tom Noble-Sabokbar
Nguồn: Internet
Vì yêu thích công việc sáng tạo và truyền cảm hứng, các influencer, đại sứ, chuyên gia, người nổi tiếng, hay nhà sáng tạo luôn tạo ra nội dung mới từ chính bản sắc riêng của mình, và trở thành người tiên phong trong các xu hướng thống trị nền văn hoá năm 2020.
Họ sở hữu một lượng người theo dõi trung thành trên mạng xã hội, một bộ phận đối tượng mục tiêu mà các thương hiệu đang hướng đến để quảng bá sản phẩm. Thế nên, các influencer xứng đáng được đối đãi như những nhà sáng tạo thực thụ. Hiểu được điều đó, ông Noble-Sabokbar chia sẻ 4 lưu ý giúp các thương hiệu hay agency khai thác triệt để tố chất và tiềm năng của influencer.
Hợp tác chứ không ra lệnh
Các chủ doanh nghiệp có xu hướng áp đặt và muốn kiểm soát sản phẩm sáng tạo của influencer. Trong một sự kiện hay chiến dịch với influencer là nhân tố trung tâm, đừng xem họ như một không gian quảng cáo vì bản thân họ cũng chính là các cá thể sáng tạo nhiệt huyết. Hơn nữa, tinh thần trách nhiệm của họ càng cao, kết quả đạt được càng vượt ngoài mong đợi.
Việc cộng tác với influencer từ giai đoạn đầu của chiến dịch mang lại lợi ích và nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Influencer đóng vai trò giới thiệu hình ảnh thương hiệu và sản phẩm, giúp gắn kết và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Trong khi đó, các thương hiệu có thể nắm bắt nhanh chóng phản hồi và đưa ra chỉnh sửa kịp thời phù hợp với nhóm người tiêu dùng mục tiêu. Vì thế, thương hiệu cần sẵn sàng thích ứng với phong cách của influencer.
Thương hiệu cần sẵn sàng thích ứng với phong cách của influencer
Nguồn: Internet
Hiển nhiên, để cùng có lợi, cả thương hiệu và influencer đều phải có những điều chỉnh phù hợp với đối tác. Hãy đảm bảo sản phẩm và thông điệp đáp ứng 4 tiêu chí sau:
- Influencer cần cảm thấy hứng thú với sản phẩm của thương hiệu.
- Các influencer nhận được ích lợi từ sản phẩm hay thông điệp từ việc quảng bá cho thương hiệu.
- Sản phẩm phù hợp với hình ảnh của influencer và người theo dõi.
- Influencer thật sự quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ, thông điệp.
Ngừng “ép buộc” các influencer và người nổi tiếng “tỏ ra thân thiết”
Đa số tin rằng các cá nhân nổi tiếng trên mạng (internet personality) đều quen biết nhau. Minh chứng cho điều đó, hai YouTubers đến từ Anh là Zac và Jay thử nghiệm lý thuyết 6 chặng phân cách - tức là có thể kết nối hai người bất kỳ trên hành tinh này thông qua vài chặng người quen.
Họ bắt đầu bằng cuộc gọi trực tuyến qua Zoom và thử thách ba người bạn là influencer mời những người nổi tiếng khác tham gia cuộc trò chuyện. Sau vài giờ, các YouTuber tên tuổi tại UK lần lượt xuất hiện. Trong đó, sự có mặt của nữ diễn viên gạo cội Dame Judi Dench gây chú ý; song nó trở thành điều hiển nhiên và dễ hiểu vì cháu trai của bà vốn là Internet personality. Cho nên, các influencer và nhà sáng tạo có khả năng quen biết nhau nếu tham gia cùng một dự án, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng.
Bà Dame Judi Dench trong buổi live stream cùng Zac và Jay
Nguồn: Internet
Nhiều trường hợp tại các buổi chụp hình hay sự kiện, các thương hiệu cho mời nhiều influencer và yêu cầu họ tỏ ra thân thiết với nhau trong khi đó là lần đầu gặp mặt. Thực tế, sự thân thiết giữa các influencer chỉ là yếu tố phụ vì mức độ hiệu quả của chiến dịch quảng cáo phần lớn phụ thuộc vào sự hứng thú của influencer với dự án.
Một ví dụ điển hình là chuyên mục Live Instagram cùng nghệ sĩ thuộc dòng nhạc Grime của JBL với sự dẫn dắt của ca sỹ Yinka Bokinni. Cô đã có những cuộc trò chuyện tự nhiên và chia sẻ thân mật với những người bạn của mình. Buổi phát sóng trực tiếp này mang lại cảm giác thoải mái và thư giãn cho hơn hàng trăm khán thính giả quan tâm theo dõi.
Thấu hiểu
Một người có khả năng quản lý tốt sẽ biết cách hỗ trợ để giúp influencer thể hiện hết mình trong chiến dịch. Vì thế, họ cần tạo kết nối với influencer trong cả quan hệ cá nhân. Content Creator và Founder của Chicken Shop Date, bà Amelia Dimoldenberg chia sẻ: “Hai bên chỉ nên hợp tác khi hiểu rõ mục tiêu và kết quả mong muốn sau chiến dịch. Như influencer, họ phải chắc chắn thấu hiểu giá trị thương hiệu và truyền tải nó đến người tiêu dùng. Về phía thương hiệu phải tạo điều kiện influencer thể hiện quan điểm và tiếng nói của bản thân trong sản phẩm/ quá trình sáng tạo cho dự án”.
Tóm lại, influencer là nhà sáng tạo, và các ý tưởng của họ cần được trân trọng. Vì vậy, các influencer có cơ hội và khả năng góp mặt trong concept stage sẽ góp phần truyền tải hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: The Drum