"Chiến lược đổi mới doanh nghiệp theo mô hình Marketing 7P" đã được chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang trình bày với các doanh nhân tham gia chương trình Kết nối kinh doanh Biz Group thuộc Câu lạc bộ (CLB) 2030 - một trong bảy CLB thuộc Saigon Times Club, ngày 21-5-2014.
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp với CLB Doanh nhân 2030, ngày 21-5-2014. (Ảnh: Tường Nguyên) |
Dựa vào kinh nghiệm và sự đúc kết nguyên lý marketing hiện đại, ông Võ Văn Quang với công trình nghiên cứu trong 5 năm (1999-2004) của mình đã xây dựng một mô hình quản trị marketing đơn giản nhưng súc tích và dễ hiểu mà các nhà quản trị doanh nghiệp có thể nắm bắt dễ dàng, áp dụng linh hoạt trong doanh nghiệp của mình trong việc xây dựng chiến lược và tìm ra những đối sách cạnh tranh hiệu quả cho thương hiệu sản phẩm và cho cả doanh nghiệp.
Trong mô hình Marketing 7P, theo ông Quang, có nấc căn bản nhất bao gồm 4P đầu tiên như sản phẩm; các giải pháp giá; phân phối và bán hàng; và các giải pháp quảng bá thương hiệu sản phẩm. Nấc căn bản này thích hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đến khi nào doanh nghiệp phát triển lớn mạnh thì hoàn thiện nốt "3P" còn lại, ông Quang nói.
Tại buổi tọa đàm "Chiến lược đổi mới doanh nghiệp theo mô hình Marketing 7P" nhiều doanh nhân thành viên CLB 2030 và những người đang hoạt động kinh doanh đã chia sẻ nỗi băn khoăn về việc cạnh tranh giá bán sản phẩm khốc liệt trên thị trường hiện nay. Các doanh nhân cũng cho rằng nếu chỉ chú trọng cạnh tranh về giá thì tất cả sẽ cùng chết chứ không phải là giải pháp hay.
Với góc nhìn của một chuyên gia thương hiệu, ông Quang lập luận việc cạnh tranh về giá cũng phải có chiến lược mới có cơ may thành công.
Dẫn giải câu chuyện của Công ty Hoàng Anh Gia Lai diễn ra cách đây mấy năm khi thị trường bất động sản đang sôi động thì đơn vị này đột ngột bán hàng giảm giá khiến các đối thủ trở tay không kịp, ông Quang cho rằng đây là trường hợp rất thành công.
Sự thành công cạnh tranh về giá của Hoàng Anh Gia Lai khi giảm giá bán các căn hộ, với khoản tiền hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng thu được, công ty này đã chuyển sang đầu tư ở thị trường Myanmar, Campuchia và Lào.
"Đây cũng gọi là kế 'Ve sầu thoát xác' một cách khôn ngoan, chứ nếu công ty này chỉ bám mỗi thị trường Việt Nam thì số phận chưa chắc đã khác các doanh nghiệp bất động sản khác", ông Quang nói.
Ở cấp độ hai (nấc 2) trong mô hình 7P, các doanh nhiệp lớn hoặc tập đoàn sẽ quan tâm đến hai nhóm giải pháp lột tả tinh thần cơ bản của quản trị, đó là yếu tố con người (P5) và yếu tố hệ thống (P6).
Ở cấp độ ba (nấc 3) đề cao vai trò của tư tưởng, triết lý, văn hóa trong một tổ chức, hay cụ thể là trong một doanh nghiệp. Các giải pháp ở cấp độ này thể hiện bởi sứ mệnh hay tầm nhìn của doanh nghiệp, của thương hiệu, văn hóa, những thói quen ứng xử và chuẩn giá trị trong doanh nghiệp, cũng như giữa thương hiệu ứng xử trước cộng đồng.
Mô hình Marketing 7P bao gồm các bước: P1. Sản phẩm. P2. Giá bán. P3. Phân phối. P4. Quảng bá. P5. Con người. P6. Quy trình. P7. Triết lý. Mô hình này sẽ hữu dụng trong môi trường cạnh tranh và lành mạnh, thuận lợi cho các cá nhân nhà quản trị hay lãnh đạo doanh nghiệp (kể cả một tổ chức) đã lĩnh hội nguyễn nguyên lý marketing căn bản. |
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn Online.