Đây là nhận định của Cục trưởng Cục Phát thanh và Truyền hình Nguyễn Thanh Lâm về việc các tập đoàn công nghệ nước ngoài đang muốn lấn sân với bản quyền thể thao.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên về chủ đề bản quyền truyền hình các sự kiện thể thao lớn, ông Nguyễn Thanh Lâm đã nhận định các đài truyền hình đang gặp cảnh "không còn một mình làm chủ sân chơi" với sự xuất hiện của các ông lớn công nghệ từ nước ngoài.

Cụ thể, Cục trưởng Lâm đề cập tới việc giá bản quyền thời gian qua dù là vấn đề nóng hổi, tuy nhiên không còn là câu chuyện duy nhất đáng quan tâm trong tương lai gần.

"Từ trước đến giờ nó có câu chuyện về giá, nhưng mà ở đâu đó các đài truyền hình, các hệ thống truyền hình gần như vẫn là người mua duy nhất đối với những sự kiện thể thao lớn của thế giới, có giá trị bản quyền cao. Không ông này mua thì ông khác mua, rồi lại chia sẻ với nhau. Tức là bàn với nhau, chia sẻ và quyết định với nhau việc đó trong một phạm vi hẹp là thế giới truyền hình", ông Lâm nói.

G4

Bản quyền truyền hình thể thao không còn là sân chơi riêng của các đài truyền hình. Ảnh: Getty.

"Bây giờ không còn như vậy nữa. Chúng ta thấy, những mạng xã hội lớn xuyên biên giới, những cái nền tảng xuyên biên giới với sức mạnh tài chính và với cộng đồng người xem cũng rất lớn. Họ bước vào cuộc chơi bản quyền nội dung truyền hình với những phương tiện và sức mạnh gấp nhiều lần các đài truyền hình. Với những bài toán không còn là bài toán truyền thống, tức là xem xong rồi thu quảng cáo hay phát triển thuê bao nữa mà có thể có những bài toán khác nữa", Cục trưởng Cục Phát thanh và Truyền hình cho biết.

"Cho nên, vấn đề quan trọng vẫn là vấn đề giá nhưng không phải là vấn đề duy nhất nữa. Vấn đề ở chỗ là bây giờ các ông truyền hình không còn một mình làm chủ sân chơi này, và cuộc chơi này có vẻ sẽ thay đổi", vị này khẳng định.

Về vấn đề mua bản quyền các giải đấu thể thao lớn như World Cup hay ASIAD vừa qua, ông Lâm cho rằng đúng là việc mua bản quyền truyền hình không giống với các loại hàng hóa bình thường khác, nếu đắt quá người mua có quyền từ chối.

"Đây lại là hàng hóa quá đặc biệt và là tình cảm, sự quan tâm của người dân đối với sự kiện đó, lại còn gắn với chuyện các cầu thủ, các vận động viên thể thao Việt Nam... Thế thì việc đo tâm lý của khán giả, của xã hội để quyết định là mua hay không mua là rất quan trọng", ông Lâm nói.

"Vấn đề quan trọng vẫn là vấn đề giá nhưng không phải là vấn đề duy nhất nữa. Vấn đề ở chỗ là bây giờ các ông truyền hình không còn một mình làm chủ sân chơi này, và cuộc chơi này có vẻ sẽ thay đổi."

Trước đó, câu chuyện bản quyền truyền hình thể thao lại nóng lên sau World Cup, ASIAD khi Facebook tuyên bố đạt thoả thuận trị giá 264 triệu USD phát sóng trực tiếp giải Ngoại hạng Anh trong 3 năm liên tiếp trên nền tảng mạng xã hội của mình tại 4 quốc gia Đông Nam Á là Campuchia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam.

Theo đó, từ mùa giải 2019-2020, người dùng Facebook có thể xem trực tuyến các trận đấu của giải đấu này trên Internet thay vì qua truyền hình truyền thống.

Ngay sau đó, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã có văn bản gửi Bộ Thông tin & Truyền thông đề nghị không cấp phép cho Facebook phát sóng giải Ngoại hạng Anh khi không đảm bảo yêu cầu về Luật Cạnh tranh và yêu cầu về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch nội dung Việt hóa. Tuy nhiên VNPayTV chưa nhận được phản hồi từ cơ quan quản lý.

* Nguồn: Zing News

Pin It
Peter Drucker

"Doanh nghiệp có hai chức năng, và chỉ có hai mà thôi: marketing và sáng tạo. Marketing và sáng tạo làm ra kết quả. Những thứ khác chỉ là chi phí."

User Menu