Sau 3 năm, Shopee từ vị trí bét bảng đã vươn lên trở thành hãng bán lẻ sở hữu lượng truy cập lớn nhất trên toàn khu vực Đông Nam Á.
Dữ liệu từ nền tảng so sánh giá iPrice và công ty phân tích website SimilarWeb chỉ ra rằng 2 hãng bán lẻ trực tuyến có trụ sở tại Singapore là Shopee và Lazada đang chiếm tới 60% lượng truy cập vào các trang thương mại điện tử tính trong 3 tháng, kết thúc vào tháng 12/2019.
Trong khi đó, theo một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái bởi Google thì nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á dự kiến trị giá 300 tỷ USD trong năm 2025.
"Các công ty đang muốn tìm kiếm các cơ hội ở khu vực này cần hiểu rằng cách tiếp cận một mô hình phù hợp cho tất cả không thể mang lại hiệu quả. Đông Nam Á nổi tiếng là nơi mỗi một thị trường khác nhau sẽ có đặc điểm hành vi tiêu dùng của người dân khác nhau", một chuyên gia phân tích nhận định trên tờ Nikkei.
Nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á dự kiến trị giá 300 tỷ USD trong năm 2025.
Startup mới nổi của Indonesia là Tokopedia - được Softbank rót vốn và kỳ lân Bukalapak là các nền tảng thương mại điện tử phổ biến thứ 3 và 4 trên phương diện lượng truy cập nhưng thị phần của họ đang giảm mạnh.
Shopee đứng đầu khi chiếm 33% lượng truy cập web thương mại điện tử trên toàn khu vực trong 3 tháng cuối năm 2019, theo sau là Lazada với 27%.
Thị phần của Tokopedia giảm từ 14% xuống còn 11% trong cùng kỳ, Bukalapak từ 14% xuống còn 6,5%.
iPrice cũng ghi chú rằng các kế hoạch của chính phủ Indonesia nhằm tăng lượng sử dụng Internet tại thị trường lớn nhất Đông Nam Á có thể giúp thúc đẩy 2 nền tảng trong nước phát triển hơn.
"Có rất nhiều cơ hội với Tokopedia để vươn lên vị trí dẫn đầu khi Hiệp hội nhà cung cấp Internet Indonesia đã công bố vào tháng 6/2019 rằng 56% người dùng internet của đất nước này chưa hề thực hiện một giao dịch thương mại điện tử nào".
Cristiano Ronaldo là đại diện thương hiệu cho Shopee trong Super Shopping Sales 9.9
Shopee - đơn vị thu hút chỉ 7% lượng truy cập website thương mại điện tử trong quý 3 năm 2017, sau cả Bukalapak 9% và Tokopedia 14%, Lazada 48% đã bứt phá vươn lên vị trí dẫn đầu nhờ những chiến dịch marketing xuất sắc.
Năm ngoái, Shopee đã có một ngày mua sắm siêu giảm giá thành công rực rỡ khi sử dụng ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo làm đại sứ thương hiệu.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh đang ngày một lớn hơn.
Theo như công ty theo dõi di động App Annie, Sendo của Việt Nam, Wish của Mỹ và Zilingo của Singapore cũng đang được chú ý ở Đông Nam Á và hiện là một trong những nền tảng di động được người dùng tải nhiều nhất.
Edwin Koh, giám đốc nội dung số khu vực Đông Nam Á tại nhà cung cấp giải pháp truyền thông kỹ thuật số Limelight cho biết: "Điều thực sự có thể mang lại lợi thế cho các nhà bán lẻ điện tử trong công cuộc tìm kiếm sự thống trị là trải nghiệm mua sắm trực tuyến khi người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm không bị tụt lại phía sau".
"Người mua ngày nay rất hiểu biết và những người mua sắm trực tuyến thường đánh giá cao các tính năng mua sắm trực tuyến tiên tiến và trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa", Koh nói. "Cải thiện giao diện hướng tới khách hàng cũng như cơ sở hạ tầng để đảm bảo khả năng mở rộng, hiệu suất và bảo mật là những yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi những website thương mại điện tử muốn giữ chân khách hàng".
* Nguồn: CafeBiz