“Marketing” hay “online marketing” là những từ khá... đáng sợ đối với nhiều doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Tuy nhiên, có một số thủ thuật kinh doanh trực tuyến mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể tận dụng hiệu quả, bất chấp giới hạn về nguồn lực tài chính.

KinhDoanhOnline

Trong một bài viết trên Lifehack, doanh nhân - chuyên gia tiếp thị kỹ thuật số Michael Prywes đã chia sẻ 5 thủ thuật giúp phát triển một chiến lược tiếp thị trực tuyến (online marketing) thành công:

1. Tìm hiểu kỹ thị trường và khách hàng tiềm năng

Đây là lời khuyên đơn giản nhất nhưng quan trọng nhất bởi vì nghiên cứu thị trường là bước không thể thiếu khi làm tiếp thị.

Những yếu tố nhân khẩu học cụ thể bạn muốn nhắm đến là gì? Những website nào phù hợp với những yếu tố nhân khẩu học đó? Khách hàng tiềm năng sẽ quan tâm đến những tính chất nào khi nhìn vào sản phẩm của bạn? Và làm thế nào bạn cho họ thấy rằng sản phẩm có mang tính chất đó?...

Đó là một số câu hỏi mà bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến nào cũng phải nắm được câu trả lời trước khi lên kế hoạch cho một chiến dịch marketing.

Hãy làm nghiên cứu thị trường bằng cách đặt những câu hỏi mở để tạo điều kiện cho khách hàng tiềm năng nói lên suy nghĩ của họ. Song song đó là kiểm tra xem mọi người nói gì về công ty bạn trên các phương tiện truyền thông xã hội. Việc này sẽ giúp bạn biết được những điểm hạn chế của mình và định hình tốt hơn về chiến dịch tiếp thị sắp tới.

2. Chú trọng content marketing

Thay vì chi tiền cho quảng cáo trên Google hoặc thiết kế những website phức tạp, bạn có thể tạo ra một trang blog đơn giản hoặc một tài khoản Instagram để đăng những thông tin thú vị về thương hiệu. Hãy chọn đăng thông tin hoặc thảo luận những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực của mình theo hướng tiếp cận thật gần gũi và thân thiện.

Như đã nói ở trên, bạn phải biết độc giả mục tiêu của mình là ai, từ đó tạo ra nội dung phù hợp để phục vụ họ.

Content marketing là cách đầu tư ít tốn kém hơn các cách tiếp thị truyền thống nhưng cũng khó hơn nhiều. Bởi vì khi đó, bạn cần phải cập nhật nội dung tiếp thị một cách thường xuyên, chọn lọc, khai thác những thông tin thú vị, tạo ra những video độc đáo để hấp dẫn độc giả…

3. Hoạt động trên mạng xã hội

Dù bạn có một bài đăng tuyệt vời trên website nhưng điều đó cũng vô nghĩa nếu không có người đọc nó. Những nền tảng như WordPress có thể là mảnh đất màu mỡ cho content marketing, nhưng content marketing luôn phải gắn với một chiến dịch truyền thông xã hội thì mới có thể tiếp cận được độc giả tiềm năng.

Chiến dịch này không nhất thiết phải trải đều ở tất cả các phương tiện truyền thông xã hội mà chỉ nên tập trung vào một trong những nền tảng lớn nhất, sau đó dần lan rộng sang các nền tảng khác. Facebook thường là lựa chọn đầu tiên, nhưng bạn cũng có thể chọn LinkedIn nếu nội dung muốn truyền tải mang tính nghiêm túc, nặng về chuyên môn hoặc chọn Instagram hay Pinterest trong trường hợp nội dung mang tính đại chúng.

4. Hiểu rõ tầm quan trọng của SEO

Google vẫn là một trong những công cụ quan trọng nhất giúp khách hàng biết đến doanh nghiệp. Do đó, đừng bỏ qua các chiến lược tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (Search Engine Optimization - SEO).

Google theo dõi và xếp hạng các website dựa vào độ liên kết giữa website đó với các website khác. Điều này có nghĩa là, bạn cần phải liên kết với các trang khác để tăng thêm lượng truy cập cho trang của mình. Dieter Hsiao - CEO Công ty tiếp thị kỹ thuật số Mezzologic tin rằng, các doanh nghiệp có thể đầu tư vào việc xây dựng tính liên kết này bằng cách sưu tầm những đường link từ nhiều kênh khác nhau.

Bạn cũng cần phải cập nhật nội dung thường xuyên, để độc giả liên tục tiếp cận được với những bài viết và video mới trên website. Nhờ đó, nó sẽ được xếp hạng cao hơn trên bảng xếp hạng tìm kiếm của Google.

Dù áp dụng những thủ thuật nào, đừng quên rằng cách tốt nhất để có được thứ hạng cao trên Google là sản xuất những nội dung phù hợp và chất lượng.

5. Phục vụ khách hàng trên thiết bị di động

Dù biết rằng mọi người đang sử dụng điện thoại di động để lên mạng và làm kinh doanh nhiều hơn bao giờ hết nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của các thiết bị di động. Tháng 4/2016, số liệu từ comScore cho thấy, 65% thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số hiện nay là trên thiết bị di động.

Vì vậy, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải có một chiến lược tiếp thị trên di động, nghĩa là website của bạn phải được thiết kế theo hướng thân thiện với người sử dụng các thiết bị này. Xây dựng một trang web riêng cho người dùng di động có thể là một ý tưởng hay, đặc biệt khi doanh nghiệp của bạn hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ.

Cần phải lưu ý hạn chế đăng quá nhiều thông tin trên phiên bản di động, vì dù mọi người dành nhiều thời gian để online trên thiết bị di động hơn nhưng khoảng thời gian lưu lại trên mỗi trang vẫn ngắn hơn so với trên máy tính để bàn.

Bích Trâm
(Theo DNSG)

Pin It
Robert Heller (chủ bút Mỹ)

"Quản lý hiệu quả luôn luôn hàm nghĩa hỏi đúng câu cần hỏi".

User Menu