"Cuộc săn ruồi" vốn chỉ bắt đầu với một cái tít "con ruồi giá 500 triệu đồng" có vẻ vẫn chưa hạ nhiệt dù truyền thông mấy tuần sau Tết cũng khá nhiều “tít” nóng: giáo sư hôn hoa hậu, người mẫu say chửi bới công an, văn hóa bạo lực trong lễ hội ở Việt Nam...

khủng hoảng truyền thông, tân hiệp phát
Xung quanh vụ án chai Number One của Tân Hiệp Phát vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa DAD.

Đã tưởng câu chuyện đi vào hồi kết cùng với kết luận của đoàn thanh tra Tân Hiệp Phát (THP) "đạt hết". Nhưng vài hôm sau lại thấy một loạt tin về "ruồi, lông & dị vật" trong sản phẩm của THP... cùng với một loạt các ý kiến về việc thỏa thuận của THP và những nghi ngờ xung quanh kết quả thanh tra...

Nhưng càng xem, có vẻ công luận và ý kiến các bên cũng đang đi trong vòng luẩn quẩn lặp lại những lý lẽ cũ. Quan trọng hơn, từ góc nhìn và quyền lợi những người tiêu dùng khách quan, người ta cũng không thể "đập ruồi” nếu không xem lại toàn bộ những sự kiện thực tế và ý nghĩa pháp lý thực sự của chúng dưới một lăng kinh chuyên môn.

Trước tiên hãy bắt đầu bằng việc xem lại phân tích vụ việc của một vài đồng nghiệp được báo chí đăng (*)… Có thể thấy, lúc đầu, có lẽ do còn thiếu thông tin và không có dữ liệu thực tế nên nhiều bài viết đặt ra những giả định rồi đưa ý kiến dạng tư-vấn-đoán “guesstimate” theo đó. Do vậy việc thiếu hay sai khó tránh… Nhưng nhìn chung đại loại các ý kiến được chia thành hai phe:

Phản đối hành xử của THP: coi vụ việc anh Minh đòi tiền là một thỏa thuận dân sự được làm với sự cho phép của luật bảo vê người tiêu dùng và do vậy bức xúc vì THP bội ước, coi thường người tiêu dùng và hình sự hóa một thỏa thuận dân sự.

Ngược lại, nhóm ý kiến thứ hai không phản đối THP do coi hành vi của anh Minh là hành vi phạm tôi “cưỡng đoạt tài sản” hay nôm na là “tống tiền” doanh nghiệp do thực tế anh Minh chẳng hể có/quan tâm đến việc chứng minh thiệt hại của mình thay vào đó chỉ chăm chăm đi dọa tung thông tin ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp/thương hiệu để làm cơ sở cho yêu cầu đòi tiền.

1. Xem xét vấn đề bằng cơ sở quan trọng nhất của phe phản đối: đã có một “thỏa thuận” giữa hai bên?!

Không biết sau này kết luận điều tra của cảnh sát và viện kiểm sát cho vụ việc này sẽ như thế nào, tuy nhiên cho đến nay, có vẻ như trong thực tế được các báo ghi nhận không hề có chứng cớ gì về một thỏa thuận như vậy ngoại trừ tuyên bố và những lý lẽ của phe phản đối.

Do vậy hay giả sử có một loại thỏa thuận gì đó hãy xem xét ý nghĩa pháp lý của thỏa thuận này thế nào? Chúng ta có thể thấy có hai trường hợp ở đây:

  • Trường hợp 1: THP đã đồng ý trả tiền cho ông Minh trước rồi tố giác với cơ quan công an, liệu như vậy là đã có thể coi là “thỏa thuận” có giá trị thi hành hay chưa?

Tôi sợ rằng ngay cả lúc này cũng chưa vì nếu có thật “thỏa thuận” này được làm do sự thúc ép và để mua sự im lặng của ông Minh nhằm che dấu một sản phẩm có lỗi, chứ KHÔNG phải để đền bù những thiệt hại thực tế đã xảy ra cho ông này hay bất kỳ một bên thứ ba nào khác.

Bên cạnh đó, có thể nhận định rằng ông Minh có mục đích lớn hơn là đe dọa THP để nhận tiền mà không phải là nhằm bảo vệ quyền lợi bị xâm hại hay bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bất kỳ bên thứ ba nào khác.

Do vậy nó vi phạm các nguyên tắc cơ bản mà Bộ luật Dân sự đã quy định về sự "trung thực thiện chí, tự do tự nguyện, tôn trọng… lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác" khi các bên tham gia thỏa thuận (**).

Do đó, nếu có, đây là một thỏa thuận vô hiệu vì nội dung không hợp pháp.

  • Trường hợp 2: THP thực tế đã không đồng ý mà chỉ giả cách đồng ý hay im lặng về việc đó (trong biên bản làm việc giữa hai bên không hề nói gì đến chấp thuận của THP) trên cơ sở và theo yêu cầu của cơ quan công an để giúp cơ quan này có điều kiện bắt quả tang một hành vi phạm tội, sau khi THP đã thực hiện việc tố giác tội phạm. Như vậy đã không có thỏa thuận trong trường hợp này mà chỉ có một số biện pháp nghiệp vụ được sử dụng để điều tra & ngăn chặn hành vi phạm pháp.

Tuy nhiên, trong thực tế, cho tới nay, đại diện của THP đã luôn luôn khẳng định đã không hề “thỏa thuận” với anh Minh mà chỉ gặp anh này 2 lần để giải thích thuyết phục, trước khi báo công an. Thay vào đó lại có một biên bản làm việc giữa đại diện THP với ông Minh với chữ ký của ông này trên từng trang.

Xem biên bản có thể thấy rõ quá trình ông Minh đòi THP thanh toán từ 1 tỷ giảm xuống còn 600 triệu rồi 500 triệu VND… Do vậy có thể tạm coi là không có thỏa thuận, cho đến khi có bằng chứng chứng minh ngược lại, đương nhiên

Tóm lại “thỏa thuận” giữa THP và ông Minh là vô hiệu theo pháp luật và/hoặc đã không tồn tại một thỏa thuận như vậy. Nên có thể thấy, THP không có nghĩa vụ thực hiện mà cũng không thể bị coi là bội ước hay vi phạm thỏa thuận với ông Minh.

2. Ai có lỗi và phải bồi thường nếu chai nước thực sự có ruồi

Ở đây có thể thấy có ba trường hợp:

  • Thứ nhất THP có lỗi trong quá trình sản xuất dẫn đến việc con ruồi lọt vào trong chai Number One. Đương nhiên THP cần phải bồi thường cho ông Minh một khoản tiền hay sản phẩm tương ứng với các thiệt hại (nếu có).
  • Thứ hai, cả THP và ông Minh đều không có lỗi trong việc xuất hiện dị vật trong chai nước Number One. Dù vậy với tư cách là công ty làm ra sản phẩm THP cần phải đưa cho ông Minh một sản phẩm khác, bồi thường một khoản tiền hay sản phẩm tương ứng với các thiệt hại (nếu có).

Trong cả hai trường hợp trên, theo các nguyên tắc của pháp luật, ông Minh cần phải nêu chi tiết thiệt hại xảy ra cho mình làm cơ sở thương lượng và thỏa thuận khoản bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có chứng cứ chứng minh có thiệt hại cho ông Minh và xem biên bản làm việc, có vẻ ông Minh cũng không quan tâm gì đến việc nêu/chứng minh thiệt hại của mình.

  • Thứ ba, THP không có lỗi mà ông Minh có lỗi (cố ý đưa con ruồi vào trong chai nước Number One để đòi tiền THP – hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản.

Rõ ràng ở đây THP không phải bồi thường, kể cả trong trường hợp có thiệt hại cho ông Minh. Thay vào đó THP có quyền đòi ông Minh bồi thường và pháp luật có nghĩa vụ ngăn chặn hành vi “cưỡng đoạt tài sản" như vậy.

Thiết nghĩ đến đây người quan sát khách quan đã có thể ít nhiều có thêm một hướng giải thích khả năng vì sao THP đã chọn cách không thực hiện “thỏa thuận” với ông Minh. Đơn giản là trên thực tế có vẻ công ty này đã không coi việc gặp gỡ và mang tiền ra quán café là một “thỏa thuận” có giá trị thi hành.

Cũng rất nhiều khả năng đây chỉ là chiến thuật và biện pháp nghiệp vụ công an sử dụng để giải quyết mối đe dọa tung thông tin có thể gây thiệt hại từ ông Minh, một người có yêu cầu, dù không rõ vô tình hay cố ý, khá rõ là phải được trả tiền để im lặng.

Để tạm kết, chưa nói đến việc ông Minh có phải là đối tượng được áp dụng luật bảo vệ người tiêu dùng hay không (ông này là chủ quán bán hàng có bán nước giải khát THP chứ không phải người mua sản phẩm dùng cho nhu cầu cá nhân như đã có luật sư trình bày khá thuyết phục) câu hỏi tại sao THP lại hành xử như “gài bẫy” khách hàng có lẽ đã được trả lời qua những phân tích ở trên.

Tóm lại, có thể kết luận rằng giữa THP và ông Minh không có thỏa thuận, hoặc có thỏa thuận nhưng thỏa thuận này bất hợp pháp nên không thể được công nhận & thực hiện.

Từ các tình tiết được nêu trên báo, có thể suy đoán rằng THP đánh giá được tính chất bất hợp pháp của thỏa thuận/yêu cầu từ ông Minh nên đã tố giác với cơ quan công an.

Việc tố giác của THP đương nhiên là hợp pháp vì các tổ chức, công dân không chỉ có quyền và còn có nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội (***).

(*) Tóm tắt một số ý kiến tiêu biểu được báo dẫn như ý kiến của các luật sư Trần Vu Hai, Đinh Van Quế, Dinh Như Quynh & Nguyễn Tấn Thi

(**) Bộ luật Dân sự, Điều 4, 6, 8, 10.

(***) Bộ luật Tố tụng Hình sự, Điều 25.1.

Kỳ sau: Vụ án con ruồi: uy hiếp hay không uy hiếp – cách thức thương lượng & yêu cầu bồi thường – có thể che dấu thông tin tội phạm và coi đó là đòn bẩy trong thương lượng hay không?

LS. PHÙNG ANH TUẤN

Theo Bizlive

Pin It
Steven Wright

"Ở đâu cũng đều có thể coi là khoảng cách đi bộ nếu bạn có thời gian."

User Menu