khachhanghanoiKhách mua sắm Hà Nội bị ảnh hưởng lớn bởi tin đồn và quyết định mua của họ dựa theo tâm lý đám đông.

Một nghiên cứu gần đây của Colliers Vietnam đã đưa ra những con số khá thú vị về Một nghiên cứu gần đây của Colliers Vietnam đã đưa ra những con số khá thú vị về thị trường bán lẻ tại Hà Nội.

Một thị trường nhiều đặc thù

Nghiên cứu cho hay khách mua sắm Hà Nội tin tưởng chủ yếu vào thông tin truyền miệng, tức là tư vấn từ bạn bè và người thân khi đi mua sắm. Điều này cho thấy rằng họ bị ảnh hưởng lớn bởi tin đồn và quyết định mua của họ dựa theo tâm lý đám đông.

Ngoài ra, điều này cũng cho thấy các trung tâm thương mại cần làm tốt hơn các chiến dịch PR và quảng cáo để thúc đẩy nhận biết và niềm tin của khách hàng về trung tâm thương mại của mình.

Colliers Vietnam cũng cho rằng đặc tính dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa cao, sự thay đổi phong cách sống, thu nhập khả dụng tăng khiến thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và thị trường Hà Nội nói riêng vẫn là một địa điểm hấp dẫn trong mắt các nhà bán lẻ Việt Nam và quốc tế. Trong giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ Hà Nội ước tính sẽ đạt 17 - 20%/ năm.

Báo cáo của Colliers Vietnam cho thấy phái nữ chiếm tới 70% lượng người đi mua sắm trong độ tuổi 17- 45 tuổi tại Hà Nội, vì vậy có thể nói họ là người quyết định đến việc mua sắm trong các trung tâm thương mại. Trung bình họ chi tiêu khoảng 200 USD cho mỗi lần đi mua sắm. Mặt hàng mua chủ yếu là giày dép, giải trí, xem phim, nước hoa và thời trang.

Liên quan đến độ tuổi, nhóm tuổi từ 17 - 25 tuổi chiếm tới 42% trong tổng số người đi mua sắm. Họ quan tâm chủ yếu tới giải trí, xem phim và mua hàng hóa.

Nhóm khách hàng trong độ tuổi 26 - 35 có nghề nghiệp và thu nhập cao có xu hướng chủ yếu là mua hàng hóa và dịch vụ. Họ là nhóm khách hàng lớn thứ hai trong số những người đi mua sắm tại các trung tâm thương mại.

Những khách hàng trên 46 tuổi chiếm số ít, nhưng họ có khả năng chi trả cao, đặc biệt là những mặt hàng cao cấp. Chi tiêu trung bình mỗi lần cho việc mua sắm hàng thời trang cao cấp lên tới 2.500 USD và họ cũng thường xuyên đi mua sắm ở nước ngoài.

Tại Hà Nội, Vincom Center trên đường Bà Triệu được đánh giá tốt nhất, được nhiều người biết đến nhất và xuất hiện sớm nhất, mở cửa vào năm 2004 bởi tập đoàn Vingroup. Người mua sắm đánh giá khá tích cực cho các tiêu chí như vị trí, các tiện ích, cơ cấu ngành hàng và tiện lợi. Bên cạnh đó, Parkson Thai Ha, The Garden và Pico Mall cũng nhận được đánh giá cao.

Trong vài năm gần đây, người Hà Nội có xu hướng đi mua sắm tại nước ngoài khá thường xuyên khi họ đi du lịch, du học, thăm bạn bè và người thân. Họ chi tiêu khá nhiều cho giày dép, túi xách, mỹ phẩm và thời trang.

Bên cạnh đó, hình thức mua sắm trực tuyến cũng trở lên quen thuộc với người Hà Nội khi mà 50% số người được hỏi đã sử dụng dịch vụ này. Họ mua chủ yếu là giày dép, túi xách, mỹ phẩm và đồ gia dụng. Tuy nhiên, nhiều người còn chưa hài lòng về chất lượng của hàng hóa và độ thuận tiện của việc thanh toán khi giao hàng qua mua sắm trực tuyến.

Khi nguồn cung tăng nhanh

Trong quý 4/2011, thị trường bán lẻ Hà Nội chứng kiến mức tăng vọt về nguồn cung với ba trung tâm mua sắm đi vào hoạt động: Parkson Landmark 72, Savico MegaMall và Vincom Center Long Biên. Cả ba trung tâm này đều đặt tại các khu vực ngoại vi thành phố.

Áp dụng mô hình trung tâm mua sắm vùng độc lập, Savico MegaMall hướng tới đáp ứng đầy đủ tất cả nhu cầu mua sắm, giải trí cho người tiêu dùng. Các khách thuê chủ chốt gồm có đại siêu thị Big C, siêu thị điện máy Trần Anh, nhà hàng hải sản Seafood One và khu trò chơi MegaFun, cùng với một khu vực để xe rộng lớn ngoài trời có sức chứa 700 ô tô và 4.000 xe máy.

Vincom Center Long Biên cũng đi vào hoạt động từ cuối quý 4/2011, thuộc khu đô thị Vincom Village - dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2013 với các tòa chung cư và văn phòng, khu biệt thự, bệnh viện và khách sạn. Cách đường quốc lộ 5 tới 2,4 km, Vincom Center Long Biên có năm tầng với tổng diện tích cho thuê đạt 35.000 m2 cùng khu để xe rộng 7.000 m2. Các khách thuê chủ chốt bao gồm các siêu thị Lê’s Mart, nội thất Nhà Xinh, điện máy Best Carings, rạp chiếu phim Platinum và mô hình mua sắm tương tự Vincom Center Hà Nội trên phố Bà Triệu.

Cùng với Savico MegaMall, Vincom Long Biên sẽ tạo nên một điểm đến mua sắm thú vị, thu hút khách hàng từ phía Đông Hà Nội và cả các tỉnh phụ cận như Hưng Yên, Bắc Ninh. Tuy vậy, dân cư trong vùng đa phần thuộc tầng lớp thu nhập thấp tới trung bình, các trung tâm bán lẻ này cần có những chiến lược dài hơi nhằm thu hút khách hàng từ nhiều khu vực khác và đảm bảo lưu lượng người mua sắm cao.

Parkson Landmark 72 chính thức gia nhập thị trường từ đầu tháng 12, đây cũng là trung tâm thương mại tổng hợp thứ 8 của Parkson. Đặt tại năm tầng đế (từ tầng hầm B1 đến tầng 4), Parkson Landmark 72 bao gồm khu ăn uống, siêu thị Citimart và nhiều nhãn hàng thời trang từ trung đến cao cấp.

Với mô hình bán lẻ tương tự như Parkson Thái Hà, dự án này thiếu một khu giải trí và khu vui chơi cho trẻ em, dù đây là dự án Parkson lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích thuê khoảng 28.500 m2. Tuy nhiên, giống như Megastar tại Vincom Center Hà Nội, rạp chiếu phim Lotte trên tầng 5 và 6 có thể đóng vai trò chủ chốt đối với thành công của trung tâm này.

Chờ các nhà đầu tư mới

Nguồn cung mới từ các dự án kể trên đã khiến tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ hiện đại tại Hà Nội tăng 33,4% so với quý 3/2011. Hiện tại, 51,7% của tổng diện tích 433.700 m2 thuộc về hình thức trung tâm mua sắm, 14,4% đến từ trung tâm thương mại tổng hợp, 30,6% đến từ đại siêu thị, trong khi các khối đế bán lẻ chỉ chiếm 3,3%.

Sự gia nhập của các dự án mới dẫn tới mức giảm đáng chú ý của giá chào thuê trung bình toàn thị trường, đặc biệt là phân khúc ngoài khu trung tâm.

Tại khu vực trung tâm, Hàng Da Galleria chào thuê các diện tích tại tầng 4 (diện tích 1.725 m2) và chào đón các khách thuê đầu tiên thuộc ngành hàng thời trang và ăn uống. Tuy vậy, mức giảm giá chào tại trung tâm này chỉ khiến giá trung bình của khu vực giảm nhẹ 1,53%.

Những trung tâm mua sắm mới tại các khu vực ngoại vi đều chào thuê với mức giá thấp. Vincom Long Biên thậm chí còn miễn phí thuê cho khách thuê trong năm đầu tiên, cùng với nhiều ưu đãi hấp dẫn khác. Giá thuê đối với các năm tiếp theo cũng rất hợp lý khoảng 15-25 USD/m2/tháng). Bởi vậy, giá chào thuê trung bình của phân khúc trung tâm hương mại ngoài trung tâm giảm 11,35% so với quý trước, còn 41,5 USD/m2/tháng.

Theo đánh giá của Colliers Vietnam, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế ảm đạm sẽ tiếp tục khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong năm 2012. Trên thực tế, không chỉ người tiêu dùng chi tiêu ít đi, mà các nhà bán lẻ cũng đang tập trung phát triển sản phẩm hơn là mở rộng hệ thống phân phối/cửa hàng.

Tuy vậy, nhiều diễn biến tích cực vẫn mang đến triển vọng cho thị trường bán lẻ: các nhà bán lẻ quốc tế lớn liên tục xúc tiến gia nhập thị trường Việt Nam.

Một số ví dụ đáng lưu ý là tập đoàn Hong Kong Dairy Farm vừa khai trương siêu thị đầu tiên tại Việt Nam; tập đoàn Aeon của Nhật Bản cũng chuẩn bị cho việc phát triển mạng lưới bán lẻ với nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm và trung tâm thương mại tổng hợp; Lotte và E-Mart đến từ Hàn Quốc cũng đang đầu tư phát triển quy mô kinh doanh của mình. Metro Cash & Carry cũng có kế hoạch mở thêm một số trung tâm bán lẻ, trong khi tập đoàn ECC của Hà Lan cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Theo Vneconomy

Pin It
Robert Schuller

"Bạn sẽ dám làm điều gì vĩ đại nếu bạn biết bạn không thể thất bại?"

User Menu