Trước đây khi gặp một cô gái xinh, hội bạn chúng tôi thường thách đố nhau xem ai sẽ là người xin được số điện thoại đầu tiên,

nhưng hiện nó đã trở nên lỗi thời và thay vào đó là việc có được thông tin Facebook của nàng.

Đó chỉ là một ví dụ vui về sự phổ biến của Facebook trong đời sống của chúng ta. Có nhiều người ăn Facebook, uống Facebook hay thậm chí ngủ cũng Facebook. Nó trở thành một phần không thể thiếu hàng ngày, giúp mọi người kết nối, theo dõi thông tin và chia sẻ mọi thứ theo cách đơn giản nhất.

twitter

Dù phát triển mạnh mẽ trên thế giới nhưng Twitter lại không được đón nhận tại Việt Nam

Tính tới thời điểm đầu năm 2014, Facebook có 22 triệu người dùng tại Việt Nam, tăng trưởng rất nhanh so với con số 12 triệu ở thời điểm tháng 5/2013. Trong khi đó ông lớn khác là Twitter đã từ chối tiết lộ thống kê và không đưa ra lý do cụ thể, nhiều ý kiến đều cho rằng do mạng xã hội này có quá ít người dùng tại Việt Nam.

Twitter phát triển rất tốt trên thế giới, nó trở thành kênh tin tức chính của nhiều người dùng nhưng tại Việt Nam lại bị "ghẻ lạnh" và đành nhường sân chơi cho Facebook. Vậy lý do nào khiến Twitter thiếu "đất sống"?

Thói quen sử dụng

Với Twitter, người dùng thảo luận về một chủ đề cùng quan tâm hay tạo mối quan hệ mới, mọi đăng tải, bình luận được hiểu thị ở dạng công khai. Còn với Facebook, họ sử dụng để theo dõi tin tức từ những người mình quen biết, có thể chia sẻ thông tin trong một nhóm người nhất định, tạo sự riêng tư và dần dần quan hệ được hình thành dưới dạng vòng tròn. Những người quen biết nhau sẽ trò chuyện, trao đổi và tán gẫu với nhau, đó cũng là một trong những đặc trưng văn hóa của Việt Nam so với các nước phương tây.

Bên cạnh đó chúng ta thường đi theo số đông, điều này càng đúng với mạng xã hội. Khi đã quen với việc sử dụng Facebook, mối quan hệ tăng dần theo dạng "friends of friends", thật khó để khiến ai đó quyết định sử dụng mạng xã hội mới khi chỉ họ có vỏn vẹn một vài người bạn.

Đa phần người Việt chưa biết #hashtag là gì

Bạn có thể cho rằng đây là ý kiến chủ quan của tôi, nhưng nó hoàn toàn có cơ sở.

Hiểu một cách giản, hashtag có chức năng nhóm tất cả thông tin có cùng chủ đề lại với nhau và được nhận diện bằng dấu #. Mỗi bài đăng có chèn hashtag sẽ được nhóm lại, chỉ cần tìm kiếm theo hashtag, bạn có thể theo dõi toàn bộ thông tin về chủ đề quan tâm đang được mọi người bàn tán.

Hashtag hoàn toàn khác biệt với tag. Nếu như tag chỉ hướng đến một đối tượng cụ thể, trong một phạm vi hẹp, thì hashtag mang tính kết nối toàn cầu, không chỉ là liên quan đến bạn bè, không chỉ giới hạn trong nhóm, không chỉ trong lượng fan trên fapage, mà hahstag giúp chúng ta nhóm tất tần tật thông tin về chủ đề quan tâm tại một khoảng thời gian thực trên toàn cầu.

Facebook đã tích hợp hashtag từ tháng 6/2013, tuy nhiên tính tới thời điểm hiện tại, số lượng bài đăng sử dụng hashtag của người Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí trên mạng xã hội Instagram, vốn được biết tới là dịch vụ chia sẻ hình ảnh sử dụng lượng lớn hashtag nhưng còn nhiều thành viên không hề biết mục đích thực sự của nó

Điểm mạnh của Twitter nằm ở hệ thống hashtag, nó giúp người dùng theo dõi bất kỳ sự kiện nào một cách nhanh nhất. Trong trường hợp người dùng không hề hiểu rõ về điểm mạnh này, có lẽ việc Twitter không thể phát triển là điều dễ hiểu.

Nỗi ám ảnh giới hạn ký tự

Tôi còn nhớ trước đây mỗi khi gửi tin nhắn văn bản đều phải kiểm tra lại để rút gọn chữ cho đủ giới hạn 160 ký tự. Nhưng hãy quên nó đi, hiện tại smartphone xuất hiện nhan nhản với sự giúp đỡ của rất nhiều ứng dụng OTT, tôi có thể thoải mái trò chuyện với bạn bè mà không phải lo lắng tới vấn đề giá cước và giới hạn của tin nhắn thông thường nữa

Những tưởng ám ảnh về việc đếm ký tự sẽ mãi mãi biến mất theo xu hướng công nghệ, nhưng tôi lại tiếp tục phải đối mặt với nó khi sử dụng Twitter. Thậm chí dịch vụ này còn "kẹt" hơn cả nhà mạng khi chỉ cho phép đăng tải tối đa 140 ký tự. Khi người dùng đã quen viết những dòng trạng thái dài trên Facebook, thật khó để họ chấp nhận mức giới hạn ít ỏi này.

Không đáp ứng được nhu cầu chia sẻ

Theo số liệu thống kê từ Google, người dùng smartphone tại Việt Nam sử dụng phần lớn thời gian cầm máy để chụp ảnh. Chỉ cần bước vào một quán cafe, bạn đã có thể bắt gặp ngay nhiều nhóm bạn nữ cầm điện thoại thi nhau phồng mồm, trợn má để... "tự sướng". Sau khi chọn được một tấm ưng ý trong hàng chục tấm vừa chụp, việc tiếp theo chắc chắn sẽ là chỉnh sửa và chia sẻ lên mạng xã hội.

Với Facebook, chỉ cần vài thao tác đơn giản bạn đã có thể khoe với mọi người bức hình vừa chụp và gán vào từng album để tiện theo dõi. Còn với Twitter thì sao? Trước đây muốn đăng tải hình ảnh, bạn chỉ có thể chọn cách upload lên một dịch vụ thứ ba, sau đó dẫn link về tweet cá nhân. Hiện tại Twitter đã chịu thay đổi, cho phép người dùng tải ảnh lên, tuy nhiên bạn không thể tạo album ảnh theo từng chủ đề mong muốn, gây khó khăn cho việc tìm kiếm hoặc xem lại sau này. Có thể nói, Twitter chưa đáp ứng được nhu cầu khoe ảnh đang ngày càng tăng cao và trở thành xu hướng này.

Bên cạnh đó, một thiếu sót khiến Twitter khó cạnh tranh với Facebook là tính năng chia sẻ địa điểm. Nếu như check-in trên Facebook cho phép người dùng cá nhân hóa tối đa bằng việc tạo địa điểm mới và sử dụng dữ liệu có sẵn thì Twitter chỉ đơn thuần hiển thị vị trí thành phố và quốc gia. Khi sử dụng Twitter, bạn không thể check-in các địa điểm ăn uống, quán cafe hay cửa hàng quần áo thời trang,... trong khi Facebook có thể hoàn thành tốt công việc trên.

Thiếu nhiều chức năng cần thiết

Twitter có phần giống với Instagram, chỉ hỗ trợ tạo tài khoản đơn thuần mà không hề bổ sung thêm bất cứ chức năng nào. Trong khi đó với Facebook, người dùng có thể tạo một nhóm (group) riêng để trao đổi thông tin, tạo fanpage hay như việc thiết lập các mối quan hệ cá nhân. Những chức năng trên giúp người dùng sử dụng Facebook đa chức năng và hiệu quả, dần dần trở thành thế giới thứ 2 của mỗi người sử dụng nó thay vì một dịch vụ trao đổi thông tin đơn thuần.

Theo Tuấn Anh

Trí thức trẻ

Pin It
C. V. Ramannan

"Nếu một cơ hội đến với bạn thì hãy chớp lấy ... đừng nghĩ rằng rồi nó sẽ lại đến."

User Menu