Dự kiến năm nay, VN lần đầu tiên có ngày mua sắm trực tuyến theo phiên bản Black Friday của Mỹ. Dù hiện nay TMĐT đang tập trung nhiều hơn vào mạng lưới phân phối, nhưng sẽ phải sớm chú ý đến hệ thống đánh giá trực tuyến.
Hơn cả quảng cáo
Song song với sự phát triển các giao dịch thương mại điện tử, thời gian tới người tiêu dùng sẽ quan tâm và sử dụng sức mạnh của hệ thống đánh giá trực tuyến sản phẩm để ra quyết định mua sắm.
Báo cáo năm ngoái của Công ty Nghiên cứu thị trường Epinion cho thấy có đến 50% người dùng Internet ở Việt Nam đã mua sắm trực tuyến. Trong khi đó, nghiên cứu của Công ty Nielsen cho thấy khách hàng có xu hướng tin vào nhận xét đánh giá của các khách hàng đã mua sắm sản phẩm hơn là các thông điệp quảng cáo. Điều này cho thấy các công ty bán hàng trực tuyến nên chú trọng nhiều hơn đến việc xây dựng và duy trì hệ thống khách hàng đánh giá sản phẩm trực tuyến và nên xem đó là kênh giao tiếp quan trọng với khách hàng.
Một số trang web, diễn đàn đánh giá sản phẩm phổ biến tại Việt Nam: vnreview.vn, tinhte.vn (trang web đánh giá các sản phẩm chuyên về công nghệ); lamchame.com, webtretho.com (đánh giá về sản phẩm dành cho mẹ và bé, thực phẩm, mỹ phẩm hoặc thời trang)...
Tương tự như với thông tin truyền miệng, khách hàng cũng có thể thể hiện quan điểm của mình thông qua đánh giá trực tuyến. Tờ E-market đưa tin số lượng người mua sắm trực tuyến coi trọng các đánh giá mà người tiêu dùng đã để lại trên mạng đã tăng lên đáng kể, tới 91% năm 2012.
Ở một số quốc gia, nếu trang mạng bán hàng trực tuyến mà không có cơ chế để khách hàng đánh giá dịch vụ bán hàng và bảo hành thì rất có thể sẽ bị họ nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm và giao dịch. Các trang bán hàng lớn như eBay, Newegg... từ lâu đã sử dụng cơ chế này để khuyến khích sự tham gia và thúc đẩy độ tin cậy của khách hàng vào các dịch vụ mua bán trực tuyến của họ. Ngoài ra, cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia phản hồi cũng cho khách hàng thấy ý kiến của họ được coi trọng, và cảm giác họ sinh hoạt mua sắm trong một cộng đồng có sự tương trợ lẫn nhau.
Một trong những điều lo lắng nhất với các công ty bán hàng trực tuyến có lẽ là làm sao gây dựng được niềm tin của khách hàng. Khái niệm niềm tin được hiểu nôm na là sự đồng ý chấp nhận rủi ro để tin vào một ai đó hay một điều gì đó. Chẳng hạn như khi khách hàng bấm chuột chọn một sản phẩm và gõ số thẻ tín dụng để trả tiền, ở một mức độ nào đó họ đã chấp nhận sự không chắc chắn về chất lượng và dịch vụ mà họ sẽ nhận được. Do đó, giao dịch này chỉ có thể xảy ra khi có sự đồng ý chấp nhận rủi ro của khách hàng. Khách hàng càng ít trải nghiệm mua sắm với một công ty nào đó sẽ càng có nhiều cảm giác rủi ro hơn những khách hàng quen thuộc.
Cái gì tạo niềm tin?
Như vậy, rõ ràng là muốn giảm cảm giác không chắc chắn, hay muốn tăng niềm tin thì khách hàng cần có đầy đủ thông tin về sản phẩm hay dịch vụ. Các nghiên cứu tiêu dùng cho thấy khi khách hàng mua sản phẩm có giá trị càng cao thì sẽ càng bỏ ra nhiều thời gian thu thập thông tin hơn. Khi chưa có trải nghiệm mua sắm với một công ty nào đó trước đó, họ sẽ dựa rất nhiều trên thông tin đánh giá về sản phẩm của những người mua hàng trước đó để hình thành thái độ của mình với sản phẩm.
Vậy các yếu tố nào trong các đánh giá trực tuyến sẽ giúp tạo nên độ tin tưởng ở các khách hàng tiềm năng? Các nghiên cứu cho thấy hai yếu tố quan trọng để giảm sự khó chịu do cảm giác không chắc chắn mang lại với khách hàng trong giai đoạn tìm kiếm thông tin và ra quyết định mua sắm.
Thứ nhất là chất lượng của các mẩu đánh giá bao gồm độ sâu và rõ ràng của đánh giá. Thứ hai là sự tương đồng giữa người đã đưa ra đánh giá và hoàn cảnh của khách hàng tiềm năng. Chẳng hạn như nếu người đưa ra đánh giá về một dịch vụ giao hàng nào đó có vị trí địa lý tương tự người có ý định mua cùng món hàng đó thì nhận xét của họ sẽ được sự quan tâm hơn. Tiểu sử của người đánh giá cũng rất quan trọng vì điều đó chứng tỏ họ có uy tín như thế nào với tư cách khách hàng. Khái niệm "người có ảnh hưởng" (opinion leader) bây giờ có thể bao gồm cả những người có ảnh hưởng trong thế giới trực tuyến.
Tất nhiên, vẫn có những thủ thuật để công ty trực tuyến có thể thuê người hay cài phần mềm để tự tạo ra những đánh giá chất lượng hàng hóa dịch vụ của mình. Tuy nhiên, điều này sẽ không có lợi lâu dài vì khả năng bị lộ là rất cao. Hơn nữa, khi bị phát hiện ra thì danh tiếng công ty sẽ không còn nữa.
Đã có ý kiến cho rằng khi nền kinh tế dịch chuyển dần lên mạng Internet và khách hàng ngày càng kỹ tính hơn, quảng cáo sẽ chỉ là công cụ để cung cấp thông tin chứ không đóng góp nhiều đến việc hình thành hay thay đổi thái độ khách hàng về một sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Khi người tiêu dùng ngày càng dựa vào những đánh giá đồng đẳng (peer review) để xem xét và lựa chọn sản phẩm, các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm trực tuyến cũng nên chuẩn bị và đón nhận xu hướng này.
Huế Dương
Theo TBKTSG