Facebook xây dựng thế lực mới trong thị trường tài chính với một đồng tiền ảo dành cho hàng tỉ người.

“Nếu bạn bị mất đồng Libra, chúng tôi sẽ hoàn tiền”, ông chủ mạng xã hội lớn nhất hành tinh nói về kế hoạch phát hành đồng tiền mã hóa dành cho thế giới trong năm sau.

Tham vọng toàn cầu

Mark Zuckerberg vừa có bài cảm nghĩ trên Facebook xác nhận tin đồn gần đây về khả năng tạo ra một đồng tiền mã hóa vào năm sau. Theo Mark, dự án Libra có sứ mạng toàn cầu, trao quyền cho hàng tỉ người trên khắp thế giới dưới công nghệ blockchain. Cụ thể, Facebook sẽ phát hành Calibra, ví điện tử chứa đồng Libra. Bên cạnh ứng dụng độc lập, ví Calibra cũng sẽ xuất hiện trong 2 ứng dụng chat WhatsApp và Messenger. Mark nói Calibra cho phép người dùng chuyển tiền qua smartphone với chi phí từ thấp đến zero và còn có thể thanh toán hóa đơn, trả tiền cà phê, vé xe buýt, tàu điện...

FB1

Ảnh: coincodex.com.

Điều ấn tượng là Mark cho biết có đến 27 tổ chức quốc tế cùng hợp tác xây dựng nền tảng Libra với mục tiêu phi lợi nhuận. Các tên tuổi nổi tiếng đều góp mặt như MasterCard, PayPal, PayU, Stripe and Visa, hay các dịch vụ phổ biến như Booking, eBay, Farfetch, Lyft, Spotify và Uber. Tất nhiên các công ty hoạt động trong lĩnh vực blockchain cũng không thể nằm ngoài danh sách như Anchorage, Coinbase, Xapo và Bison Trails. Trước đó, tờ Wall Street Journal đưa tin dự án Libra kỳ vọng hút 1 tỉ USD vốn đầu tư, trong đó mỗi công ty sẽ đầu tư khoảng 10 triệu USD. Mark cũng đặt kỳ vọng có khoảng 100 nhà sáng lập sẽ góp mặt ở thời điểm Libra ra mắt.

Có thể thấy Facebook đang dần hiện thực hóa lĩnh vực trung gian thanh toán. Hiện nay, ứng dụng chat Messenger ở Mỹ đã cho phép chuyển tiền ngang hàng, nhưng bằng các loại tiền tệ hiện có và giữa các tài khoản được liên kết với thẻ thanh toán do ngân hàng phát hành. Việc phát hành đồng tiền mã hóa dựa trên công nghệ blockchain sẽ là một đột phá mới trong lĩnh vực thanh toán.

Thực tế, các hệ sinh thái có lượng người dùng lớn, sở hữu lượng dữ liệu khổng lồ đều nhắm đến việc tích hợp nền tảng thanh toán riêng, tiến đến lấp đầy hệ sinh thái của mình. Mới đây, Apple và Goldman Sachs tung ra thẻ tín dụng. Đồng hồ thương hiệu Apple Watch hiện đã được sử dụng để quét mã mua sắm ở nhiều quốc gia.

FB2Các ứng dụng trò chuyện lại càng có nhiều ví dụ hơn. Chẳng hạn như WeChat ở Trung Quốc, hay WhatsApp cũng rất phổ biến ở Ấn Độ. Signal và Telegram cũng đang lên kế hoạch về đồng tiền mã hóa. Với Facebook, việc phát triển đồng tiền của chính mình sẽ giúp mạng xã hội này lôi kéo thêm người dùng và cả doanh nghiệp không chỉ chia sẻ trạng thái mà còn là túi tiền của họ.

Thách thức Libra

Không dễ phát hành một đồng tiền mã hóa còn nhiều tranh cãi ở các quốc gia. Với cơ chế chuyển tiền dễ dàng và phi tập trung, dẫn đến việc không có ai kiểm soát nên hoạt động rửa tiền hay tài trợ cho tội phạm được gán tên cùng với các loại tiền mã hóa. Điều này thực tế đã xảy ra với đồng Bitcoin, đồng tiền mã hóa đầu tiên, được công nhận chính thức ở một số quốc gia và có quy mô giá trị lớn nhất hiện nay.

Mark cho biết đồng Libra sẽ được phân cấp, điều hành bởi nhiều tổ chức khác nhau thay vì chỉ một và điều này làm cho hệ thống trở nên công bằng hơn. Vấn đề bảo mật cũng được Mark đảm bảo khi tuyên bố sẽ hoàn tiền nếu người dùng để mất đồng Libra vì lý do gian lận. Một rắc rối khác mà hầu như các loại tiền mã hóa đang đối mặt là sự bất ổn của giá trị. Chẳng hạn, đồng Bitcoin đã từng có thời điểm lên đến con số không tưởng là 18.000 USD/đồng, rồi lại có giai đoạn rớt mạnh về dưới mốc 3.000 USD/đồng.

Việc tạo ra một đồng tiền mã hóa có giá trị ổn định không phải là dễ dàng. Để giải quyết bài toán này, một khả năng là lượng vốn được sử dụng để cho việc tạo ra đồng tiền sẽ được chốt vào một giỏ tiền tệ cố định, nghĩa là gắn liền với giá trị của đồng tiền như USD chẳng hạn. Năm 2018 cũng chứng kiến sự bùng nổ của các đồng tiền mã hóa dạng này, theo Stable.Report, một trang web chuyên theo dõi các đồng tiền mã hóa có giá trị ổn định. Dù vậy, việc phát triển các đồng tiền dạng này cũng không dễ. Tờ The Economist dẫn ví dụ về đồng Basis đã đóng cửa sau 8 tháng hoạt động, dù thu hút nhiều người ủng hộ, trong đó có cả cựu Thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

FB3

Kiểm soát hay không kiểm soát, kiểm soát như thế nào với một đồng tiền phi tập trung tiếp tục là bài toán khó đối với Facebook. Tờ The Economist nhận định nhiều khả năng Libra chỉ là một nửa đồng Bitcoin, hơn là đồng tiền mã hóa thuần chủng. Rắc rối cuối cùng mà Facebook đối mặt là vấn đề dữ liệu người dùng.

Năm ngoái, Facebook trở thành trung tâm dư luận của vụ bê bối dữ liệu khi 87 triệu dữ liệu người dùng bị thu thập bất hợp pháp bởi Cambridge Analytica. Kể từ đó, Facebook đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề riêng tư và vi phạm dữ liệu tương tự. Theo Mark, thông tin trên Calibra sẽ độc lập với thông tin chia sẻ trên Facebook.

Facebook có sẵn hệ sinh thái người dùng, doanh thu quảng cáo vượt trội cùng lượng dữ liệu khổng lồ. Vì vậy, sự tham gia của đế chế này là một tín hiệu tốt cho thị trường, đặc biệt khi vẽ ra viễn cảnh tuyệt vời cho người dùng với mức phí thấp đến mức mà các định chế tài chính toàn cầu truyền thống cũng phải đau đầu. Dù vậy, muốn người dùng tin tưởng vào Libra, Mark phải đủ lập luận thuyết phục, chưa tính đến việc thay đổi thói quen của người dùng từ thẻ thanh toán sang ví điện tử dưới công nghệ blockchain.

* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Pin It
Henry Chester

"Nhiệt tình là tài sản vĩ đại nhất trên thế giới. Nó đánh đổ cả tiền, quyền lực và tầm ảnh hưởng."

User Menu