Từ thực tế, doanh nghiệp ngành gỗ hoàn toàn có khả năng khai thác giá trị cao nhất của ngành.
Xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp tăng được nguồn khách hàng tự tìm đến, dễ tiếp cận thị trường quốc tế và tối ưu hóa lợi nhuận. Với thực trạng hiện nay, Mục tiêu xuất khẩu 11 tỉ USD năm 2019 sẽ khó đạt nếu chỉ có số doanh nghiệp nhất định xây dựng thương hiệu.
Còn rất yếu
Theodore Alexander, một công ty do một người nước ngoài do ông Paul Smith làm chủ, đến Việt Nam cuối năm 1998, đầu tư một nhà máy sản xuất đồ nội thất cao cấp theo tiêu chuẩn Hoàng gia Anh để xuất khẩu.
Điều đặc biệt là ông Smith đã dựa trên nền tảng thiết kế và sản xuất hoàn toàn là người Việt Nam. Ông dùng Tràm Bông vàng, loại gỗ có nhiều tại Việt Nam, làm nguồn sản xuất chủ lực.
Xây dựng thương hiệu, cần lưu ý việc chuyển giao công nghệ chế biến gỗ từ các nước tiên tiến. Ảnh: Hải Vân.
Theodore Alexander bây giờ đã là một thương hiệu tiếng tăm trên thị trường nội thất quốc tế. Nhưng tại Việt Nam, số doanh nghiệp làm được như Theodore Alexander không nhiều.
Cả nước đã có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản và trên 1.800 doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu, số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng, thương hiệu vẫn là một nút thắt quan trọng, cản trở ngành gỗ Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Chuỗi giá trị sản phẩm ngành chế biến lâm sản, bao gồm sản xuất, thương mại, thiết kế và thương hiệu. Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), ông Nguyễn Quốc Khanh, nói rằng, thương hiệu của các doanh nghiệp trong ngành gỗ “còn rất yếu”.
Thương hiệu, phần giá trị gia tăng của doanh nghiệp, được xây dựng trên hai nền tảng: chất lượng và uy tín. Nhưng ông Khanh cho biết: “Chuỗi giá trị này ở các doanh nghiệp gỗ chỉ đạt mức trung bình, do năng suất thấp, chất lượng chưa ổn định”.
Thương hiệu cho gỗ Việt
Việt Nam, quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, đứng đầu Đông Nam Á, về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản được mở rộng đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu đạt kim ngạch 11 tỷ USD xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản cho năm 2019, giữa lúc đồng USD tăng giá là tín hiệu tốt cho xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, ngưỡng tăng gặp nhiều cản trở kể từ năm 2019.
Quan ngại suy thoái kinh tế theo chu kỳ 10 năm có thể khiến người tiêu dùng thắt chặt tiền bạc, ít người mua đồ nội thất mới, sẽ tái sử dụng hoặc mua đồ nội thất cũ để giảm thiểu chi tiêu.
Vì lẽ đó, các nhà bán lẻ, nhà nhập khẩu sẽ đặt mua ít hơn từ các nhà sản xuất. Do đó, việc đa dạng hóa thị trường, thu hút nhiều khách hàng sẽ chịu thêm những tác động từ suy thoái kinh tế.
Như vậy, thị trường 2019 sẽ nhiều thách thức hơn. Việc làm cho khách hàng hài lòng là một “tài sản” quan trọng đối với các doanh nghiệp trong nỗ lực xây dựng thương hiệu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Do đó, ngay cả những công ty đã có xây dựng thương hiệu thành công vẫn áp dụng những phương thức cần thiết, liên tục cải thiện quy trình sản xuất, đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
AA, một nhà thầu Việt Nam về nội thất, đã phát triển các cơ sở sản xuất của mình như một một điểm đến sản xuất và lắp đặt đồ nội thất cho các công trình trong nước, đã xây dựng thương hiệu thành công.
Đến nay, AA dù đã xuất khẩu sản phẩm tới 50 quốc gia trên thế giới, vẫn sử dụng nhiều phương thức để quảng bá thương hiệu và dịch vụ của mình đến các chủ đầu tư trong nước và quốc tế.
Thêm nữa, những khoản đầu tư lớn được AA chi ra, mua máy móc tiêu chuẩn quốc tế từ Đức, Thụy Sĩ, Ý, Nhật Bản, Đài Loan, nhằm sản xuất đồ nội thất chất lượng hàng đầu cho các dự án khách sạn 5 và 6 sao, cũng như nâng cấp phương thức quản lý và đào tạo nhân sự.
AA thay vì thông qua các trung gian, đã ký hợp đồng làm việc trực tiếp với chủ dự án, làm việc với nhà thiết kế để thực hiện công việc, cùng lúc quảng bá thương hiệu của trực tiếp đến nhà đầu tư.
Đến nay, khi đã xuất khẩu tới hơn 50 quốc gia trên toàn cầu, AA vẫn cho việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là tối cần thiết. Chính thương hiệu sẽ làm tăng giá trị thương mại, không những góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu, giá trị bán buôn nội địa mà còn định vị ngành đồ gỗ nội thất của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư