Thương hiệu là thứ quyền lực nhất trong doanh nghiệp của bạn. Trong thời đại ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng từ hình ảnh, khách hàng sẽ sử dụng nhận diện thương hiệu (brand’s visual identity) để đánh giá thương hiệu của bạn. Vì vậy, việc sở hữu một thiết kế bắt mắt và mang lại nhiều thông tin sẽ thu hút nhiều khách hàng tiềm năng.
Ai cũng biết logo là quan trọng, nhưng logo không phải là tất cả. Ngày nay, thương hiệu của bạn phải xâm nhập được vào tất cả các phần của thị trường, từ bao bì đến quảng cáo in ấn, cùng với bài viết trên mạng xã hội và video của chiến dịch truyền thông.
Rất khó để có thể có cái nhìn khách quan và chuẩn xác về chính sản phẩm chúng ta tạo ra. Nhưng điều đó vô cùng có ích. Trước khi bạn quyết định có đổi mới thương hiệu hay không, hãy trả lời 10 câu hỏi sau. Hơn nữa, hãy cùng xem qua lời khuyên của chúng tôi về những việc cần làm nhất cho thương hiệu của bạn.
1. Thương hiệu của bạn có kể một câu chuyện về chính bạn không?
Ngày xửa ngày xưa, có một loại xà phòng rửa chén. Nó cũng như tất cả các loại xà phòng rửa chén khác thôi, chỉ có điều nó còn có thể làm sạch cả vết dầu thô trên thân thể vịt con và giải cứu những động vật khác khỏi vấn nạn tràn dầu nữa cơ. Wow!
Đó là thể loại truyện có thể kết nối với khách hàng. Ai chẳng muốn cứu động vật con đúng không? Khách hàng luôn tìm kiếm mối liên kết cá nhân với thương hiệu, và việc kể chuyện để khiến khách hàng đứng về phía bạn là cách hoàn hảo để tạo sự kết nối này.
Thương hiệu Dawn thu hút tính yêu động vật trong mỗi chúng ta, và nhấn mạnh vào sự phổ biến của ý thức bảo vệ môi trường.
Coupon tuyệt vời của Dawn làm cho khách hàng cảm thấy như đang tự mình đóng góp vào mục đích của họ bằng cách mua sản phẩm của hãng này. Và Dawn còn khuyến khích thêm nhiều hoạt động trên mạng xã hội bằng cách sử dụng hashtag độc đáo #HowDoYouLoveWildlife (#Bạnyêuđộngvậthoangdãđếnmứcnào).
Điểm mạnh của Dawn là tạo ra nhữnh hình ảnh trên mạng xã hội để thu hút sự chú ý của khách hàng và làm họ tập trung vào cố gắng mang tính nhân đạo, và thêm phần quảng cáo bằng cách cho hình ảnh sản phẩm lên trên những hình ảnh này.
Hãy xem xét nếu thương hiệu của bạn kể một câu chuyện ý nghĩa – việc bạn có nên làm mới thương hiệu hay không dựa vào điều này.
2. Đổi mới thương hiệu có làm mất tính tài sản thương hiệu không?
Tài sản thương hiệu là giá trị của việc sở hữu một cái tên thương hiệu và tiếng tăm nhiều người biết đến. Những doanh nghiệp có tài sản thương hiệu lớn hơn tất nhiên sẽ kiếm được nhiều tiền hơn vì mọi người biết và tin tưởng họ.
Vì vậy nếu bạn làm mới thương hiệu, khách hàng có còn nhận diện thương hiệu mới chung với danh tiếng đáng tin cậy của bạn không? Chúng ta đều biết rằng con người hay chống lại sự thay đổi, và chúng ta không hề muốn mất lòng tin của một khách hàng trung thành khi làm họ rối.
Mục đích của bạn khi làm mới thương hiệu nên nhắm đến những thay đổi bước ngoặc mà khách hàng có thể nhận diện và ủng hộ, hơn là đổi mới hết tất cả mọi thứ sang hướng khác. IHOP (International House of Pancakes) gần đây đã làm rất tốt việc này.
IHOP đã tạo ra thay đổi lạc quan hơn và nó đã được rộng rãi đón nhận. Cái mới trong thương hiệu này gồm logo mới nhưng vẫn giữ lại màu sắc, hình khối và kiểu chữ đặc trưng dễ nhận biết của họ.
Tuy nhiên, họ đã lật ngược đường cong màu đỏ như “mếu” và biến nó thành mặt cười. Hiện nay, IHOP đã kết hợp logo mới vào rất nhiều mảng thuộc nhận diện thương hiệu của họ. IHOP đã tạo ra nhiều chiến dịch marketing nhấn mạnh vào thương hiệu dựa trên nền tẳng niềm vui, như hashtag #IHOPSmile khuyến khích khách hàng chia sẻ hình ảnh họ thưởng thức bữa ăn tại IHOP trên Instagram và Twitter. Sử dụng màu sắc tươi tắn và logo mới, IHOP đã tạo ra những biểu tượng và hoa văn (pattern) vui nhộn (như hình dưới) có thể được sử dụng trong chiến dịch marketing của họ, bao gồm cả thiết kế danh thiếp và giấy dán tường ở nhà hàng của họ.
3. Bạn có cần đơn giản hóa dịch vụ của bạn vào chung một nhận diện thương hiệu không?
Nếu bạn cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, tất cả những dịch vụ này có dễ dàng được nhận diện như một phần của thương hiệu bạn tạo ra không? Hay có thể gần đây bạn đã hợp nhất hoặc mua lại doanh nghiệp khác và cần có logo mới kết hợp đại diện cả hai doanh nghiệp.
Trong tình huống trên, thiết kế lại thương hiệu có thể giúp khách hàng cũ và mới nhận ra rằng tầm nhìn và hình ảnh của các bạn đã hợp chung lại với nhau. Một ví dụ thương hiệu đổi mới thành công trong trường hợp này là khi United hợp nhất với Continental Airlines. Họ giữ lại cái tên United in hoa và dùng biểu tượng quả địa cầu của Continental Airlines để tạo ra nhận diện thương hiệu hợp lí và dễ nhận biết bởi khách hàng.
Gần đây, để mừng sinh nhật lần thứ 90 và nhấn mạnh sự trường tồn của doanh nghiệp, United đã tạo ra ảnh cover độc đáo cho trang Twitter của họ, trưng bày một chiếc máy bay từ năm 1906 và một chiếc khác từ năm 2016, với chữ United trên nền bức ảnh.
Tấm hình độc đáo và thu hút sự chú ý này là cách tuyệt vời để thể hiện lịch sử và thành công lâu dài của họ, và kết nối với khách hàng trung thành của họ.
4. Bạn có thể nhận ra vấn đề với thương hiệu hiện tại không?
Người xưa có câu “Không hư thì không phải sửa”. Nếu bạn không thể nhận ra lý do thực sự hay không thể định lượng lý do, thì ý tưởng đổi mới thương hiệu chưa hẳn là điều tốt. Hãy lấy Gap là ví dụ điển hình cho việc bạn không nên làm.
Năm 2010, Gap lẳng lặng đổi logo cũ đã 20 năm tuổi thành logo bạn thấy phía bên phải. Helvetica được thay thế cho kiểu chữ cao thanh lịch dùng ở logo cũ, và hình hộp màu xanh kì cục lơ lửng ở góc trái khiến người xem để ý đến những chi tiết không đúng. Logo mới mang lại cảm giác lười biếng và khách hàng chán ghét nó, buộc Gap phải quay về với logo cũ của mình vài ngày sau đó.
Thế chúng ta học được gì từ Gap? Đổi mới thương hiệu là cả một môn khoa học tinh tế và tỉ mỉ, vì vậy đòi hỏi sự cẩn thận và hoàn mỹ trong quá trình này. Thế nên, việc làm mới thương hiệu không nên được thông qua “Chỉ vì...” Mất rất nhiều thời gian và nghiên cứu để có thể thực hiện thành công một dự án đổi mới thương hiệu mà không mắc sai lầm như Gap.
5. Câu chuyện bạn muốn truyền đạt qua thương hiệu có còn liên quan không?
Thương hiệu hiện tại của bạn có nói lên được giá trị của khách hàng không? Giá trị của con người thay đổi theo thời gian và thương hiệu của chúng ta cần đứng vững trên thị trường bằng cách thể hiện rằng chúng ta dễ thích nghi và có tầm nhìn xa. Khi khách hàng tiến bộ hơn thì thương hiệu cũng phải tốt hơn.
Hãy lấy Aerie làm ví dụ. Là chi nhánh của American Eagle Outfitters, Aerie kinh doanh đồ quyến rũ và đồ ngủ cho khách hàng mục tiêu của AEO, những phụ nữ trẻ. Vào năm 2014, doanh nghiệp này đưa ra thông báo sẽ không chỉnh sửa hình ảnh quảng cáo nữa, nhằm khuyến khích phụ nữ chân thật với cơ thể không chỉnh sửa.
Chiến dịch #AerieReal ra đời như một cuộc cách mạng đổi thương hiệu của Aerie, và kiểu chữ viết tay trên logo của họ vô cùng phù hợp với điểm nhấn vào nét đẹp của sự thực tế và không hoàn hảo.
#AerieReal tập trung vào tầm quan trọng và cái đẹp của khác biệt giữa cơ thể mỗi người để kết nối với khách hàng. Ngày nay, có vô số chiến dịch khuyến khích cái nhìn tích cực về chính cơ thể của mình, và nước đi táo bạo của Aerie về việc cẩn trọng trong chỉnh sửa hình ảnh đã khiến khách hàng đồng cảm. Aerie tiếp tục tương tác với khách hàng trên mạng xã hội. Bằng cách sử dụng hashtag, họ đã trực tiếp thấy được khẳng định từ khách hàng rằng Aerie đã tác động lên cuộc sống của họ.
Theo: Chelsea Alventosa / designschool.canva (Việt hóa bởi: Phuong Tam)
Nguồn: RGB.vn