Theo kế hoạch, An Khang sẽ mở 50 cửa hàng mới trong tháng 5/2022 và nâng tổng số cửa hàng lên 500 vào cuối tháng 7/2022 và 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2023. Ngoài ra, An Khang triển khai website mới vào đầu tháng 6/2022.
An Khang hiện có biên lợi nhuận gộp là 20%, ban lãnh đạo đặt mục tiêu tạo ra lợi nhuận ròng vào cuối năm 2022.
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) công bố tình hình kinh doanh tháng 4/2022. Ghi nhận, doanh thu thuần tăng 19% so với cùng kỳ lên 11.400 tỷ đồng, trong đó doanh thu online tiếp tục được đẩy mạnh vói 1.500 tỷ đồng (tăng 178%). Luỹ kế 4 tháng đầu năm, MWG đạt 47.900 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 18%.
Đáng chú ý, chuỗi dược An Khang ghi nhận doanh thu luỹ kế tăng gấp 3,7 lần cùng kỳ, với tổng số đang có là 250 nhà thuốc (tăng 41 điểm bán mới). Theo MWG, doanh thu trung bình mỗi nhà thuốc đã hoạt động tròn tháng là 700-800 triệu/tháng; đối với mô hình độc lập và 400-500 triệu/tháng đối với mô hình bên cạnh cửa hàng Bách Hoá Xanh.
Đây là tín hiệu đầu tiên sau tuyên bố sẽ đẩy mạnh chuỗi dược từ người đứng đầu là ông Nguyễn Đức Tài. “Với chuỗi An Khang, sau khi điều chỉnh về nhận diện… thời gian tới các bạn sẽ thấy sự tăng tốc của chuỗi này để đạt mục tiêu Top 3 doanh số mảnh dược. Khi mà, quy mô đâu đó 7-8 tỷ USD trong khi hiện có đến 60.000 cửa hàng thuốc truyền thống, trong khi số cửa hàng theo chuỗi còn ít để thấy dư địa rất lớn. Theo kế hoạch, An Khang từ tháng 5/2022 sẽ hoàn tất rà soát lại và ra mắt hình ảnh mới hoàn toàn”, lãnh đạo chia sẻ tại ĐHĐCĐ mới đây.
Điểm lại, từ đầu năm, MWG đã bất ngờ tuyên bố sẽ mở rộng chuỗi An Khang với tốc độ rất nhanh. Sau thời gian tích hợp để hưởng sái lưu lượng khác tại Bách Hoá Xanh, chuỗi An Khang từ năm 2022 sẽ được MWG chi mạnh phát triển độc lập, Công ty cũng khẳng định sẽ đầu tư cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để phát triển mạnh mẽ.
Cuối năm 2021, MWG đã mua lại gần 100% vố An Khang, chính thức ghi nhận chỉ số doanh thu lợi nhuận vào Tập đoàn. Động thái này diễn ra trong bối cảnh đối thủ đáng gờm là chuỗi thương hiệu Long Châu (được vận hành bởi FPT Retail), doanh thu Công ty liên tục tăng bằng lần nhờ hoạt động xuyên suốt đại dịch. Đặc biệt, “thiên thời địa lợi nhân hoà” giúp Long Châu nhanh chóng có lãi nhẹ, dù kế hoạch ban đầu của ban lãnh đạo sẽ hoà vốn đến năm 2023.
Nói về động thái này, đại diện là ông Nguyễn Đức Tài cho biết muốn kiếm lợi nhuận trong ngành dược thì thời điểm này là phù hợp để tăng trưởng mô hình chuỗi nhà thuốc. “Ngành thuốc sau đợt dịch vừa rồi có những bước phát triển tốt. Trước đây, ngành thuốc cơ bản chỉ có thuốc chữa bệnh là chính, nhưng sau đợt dịch vừa rồi thì thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ cũng có những tăng trưởng rất ngon lành.
Đây là những dấu hiệu cho thấy ngành thuốc Việt Nam bắt đầu có những dịch chuyển từ trạng thái chữa bệnh, đau đâu chữa đó, sang trạng thái bảo vệ sức khỏe. Bước chuyển dịch này giống như những nước phát triển. Tại các nước này, thực phẩm chức năng, vitamin, các loại thuốc làm cho cơ thể khỏe mạnh phát triển rất tốt”, ông nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, An Khang sẽ mở 50 cửa hàng mới trong tháng 5/2022 và nâng tổng số cửa hàng lên 500 vào cuối tháng 7/2022 và 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2023. Ngoài ra, An Khang sẽ triển khai website mới vào đầu tháng 6/2022. An Khang hiện có biên lợi nhuận gộp là 20%, ban lãnh đạo đặt mục tiêu tạo ra lợi nhuận ròng vào cuối năm 2022.
Nguồn CafeF