Động thái chuyển nhượng của kem Fanny diễn ra khi các lệnh nới lỏng giãn cách sau làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bắt đầu được thực hiện, một lần nữa cho thấy sự “đuối sức” của các doanh nghiệp ngành F&B, ngay cả những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về tài chính.
Mới đây, thương hiệu kem Fanny đã đăng thông báo chuyển nhượng công ty. Theo đó, do nhu cầu cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư của công ty mẹ, thương hiệu này muốn tìm đối tác để chuyển nhượng CTCP Fanny Việt Nam – đơn vị sản xuất và kinh doanh kem Fanny.
Tài sản chuyển nhượng bao gồm:
- Thương hiệu kem và một số thương hiệu F&B khác
- Một nhà máy sản xuất kem
- Các tài sản khác trong công ty
Kem Fanny là một thương hiệu kem mang phong cách Pháp, của Việt Nam, được ra đời từ năm 1994 bởi ông Jean Marc Bruno – một chuyên gia từ trường đào tạo nổi tiếng về kem và bánh ngọt Le Noootre Paris (Pháp). Theo giới thiệu, các nguyên liệu cốt yết đều được nhập khẩu từ Pháp và các nguyên liệu độc quyền trên thế giới.
Giá của các loại kem Fanny ở phân khúc trung – cao cấp, khoảng 65.000 đồng/ly 100ml. Ngoài ra, dòng kem dạng hộp có giá 250.000 đồng/hộp 475ml, 960.000 đồng/hộp 3l.
Trong suốt 27 năm qua, thương hiệu kem này đã mở rộng nhiều chi nhánh, trong đó tập trung tại hệ thống khách sạn năm sao, các chuỗi cà phê, nhà hàng cao cấp, TTTM tại TP.HCM, Đồng Nai, An Giang, Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng…
Theo tìm hiểu, kem Fanny là một trong số các thương hiệu tiêu dùng của do Công ty CP Hàng tiêu dùng TNC (một thành viên của Tập đoàn TNG Holdings Vietnam) đầu tư xây dựng. TNC còn là đơn vị quản lý rất nhiều thương hiệu khác như dòng nước uống La’Pure, Apilo – kem Italy, Shalala – kem Pháp cho giới trẻ, Bonheur Deli – bánh Pháp cao cấp...
Động thái chuyển nhượng của kem Fanny diễn ra khi các lệnh nới lỏng giãn cách sau làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bắt đầu được thực hiện, một lần nữa cho thấy sự “đuối sức” của các doanh nghiệp ngành F&B, ngay cả những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về tài chính.
Không chỉ kem Fanny mà nhiều thương hiệu đình đám như The Coffee House, Starbucks cũng ngậm ngùi đóng một vài chi nhánh nổi tiếng của mình. Trong bối cảnh ngành F&B gần như “đóng băng” suốt thời gian dài giãn cách, việc duy trì các cửa hàng tại vị trí đắc địa với giá thuê đắt đỏ đã trở thành gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Theo Savills Việt Nam, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ, một số đã phải kết thúc hợp đồng sớm hoặc ngưng tái ký hợp đồng. Với ngành nghề ăn uống F&B – một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất do tác động của các chính sách giãn cách xã hội, thị trường đang tiếp tục chứng kiến động thái trả mặt bằng sớm, hoặc chấm dứt gia hạn hợp đồng của rất nhiều doanh nghiệp.
“Chi phí mặt bằng là một trong những chi phí rất đáng kể trong tổng chi phí của một doanh nghiệp F&B, kế tiếp đó là về nhân lực. Thêm vào đó, trong thời gian qua, để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, các cơ quan chức năng yêu cầu nhân viên muốn đi làm lại bình thường thì ít nhất phải được tiêm ngừa vắc xin đầy đủ, đây cũng là một trong những trở ngại đối với doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc trả mặt bằng sớm của một hoặc nhiều địa điểm trong chuỗi cửa hàng được đánh giá là một chiến lược hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi họ đang cố gắng để giữ được những cửa hàng hiệu quả để có thể cầm chừng trong thời gian ít nhất là 3 tháng tới tức là quý IV/2021, sau đó sẽ có động thái để mở rộng các chuỗi trong 2022.
Thời gian này cũng là lúc chính các doanh nghiệp cần phải ngồi lại và xem xét các chiến lược marketing, chuyển đổi giữa offline sang online, chuyển đổi về cách thức phục vụ khách hàng, chú trọng vào việc chăm sóc khách hàng, nâng cao những trải nghiệm của khách hàng đối với việc chuyển đổi số nhiều hơn”, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam cho biết.
* Nguồn: CafeBiz