Theo bà Tan Hooi Ling, co-founder của Grab, tổng doanh thu của công ty “thấp hơn so với giai đoạn trước khi dịch COVID-19 bùng phát”. Dù mảng giao thực phẩm tăng trưởng mạnh nhưng vẫn không bù vào được tổn thất do nhu cầu gọi xe lao dốc*.
Trong nửa đầu tháng 4/2020, Grab đã phải tạm dừng toàn bộ các dịch vụ vận chuyển 4 bánh (GrabCar, GrabCar Plus, GrabCar Doanh nghiệp, Grab Tỉnh/Grab Tuyến, JustGrab, GrabTaxi, GrabRent) tại tất cả các tỉnh, thành phố. Thay vào đó, công ty triển khai GrabMart (dịch vụ giao hàng từ các cửa hàng thực phẩm, tạp hoá, siêu thị với cước phí bằng dịch vụ GrabFood thông thường), GrabAssistant (dịch vụ mua hộ hàng hoá và giao nhanh trong vòng 1 giờ), và Gói tiết kiệm “Grab-From-Home” nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống, giao nhận trong mùa dịch COVID-19 của khách hàng.
Grab là “siêu ứng dụng” gọi xe công nghệ tại Đông Nam Á được sáng lập vào 2012 bởi Anthony Tan (Trái) và Hooi Ling Tan (Phải).
Nguồn: Bloomberg
Giám đốc vận hành Tan Hooi Ling cho biết mặc dù doanh thu của Grab bị ảnh hưởng kể từ khi đại dịch bùng phát, bà dự đoán công ty sẽ có đủ thanh khoản để vượt qua suy thoái kinh tế. “Vận tải là một dịch vụ thiết yếu của thị trường đại chúng, vì vậy chúng tôi dự đoán nó sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Với vốn đầu tư mạnh, chúng tôi may mắn có được thanh khoản dồi dào để vượt qua dù đó là một cuộc suy thoái kéo dài 12 tháng hay suy thoái 36 tháng”**.
Grab trao tặng gạo, mì gói cho các bác tài có hoàn cảnh khó khăn và có hoạt động tích cực trên ứng dụng vào 12/04
Nguồn: Grab
Trong thời gian này Grab cũng đã thực hiện chương trình “Cùng Grab chung tay – vững vàng vượt khó” trao tặng gạo, mì gói, suất ăn miễn phí... và dành 70 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tác tài xế, đối tác nhà hàng và cộng đồng để phòng chống dịch COVID-19.
Grab là “siêu ứng dụng” gọi xe công nghệ tại Đông Nam Á được sáng lập vào 2012 bởi Anthony Tan và Hooi Ling Tan, đến nay Grab đã có mặt ở hơn 300 thành phố trên 8 quốc gia Châu Á. Theo số liệu 2019 từ ABI Research, Grab chiếm 73% thị trường gọi xe Việt Nam.
Grab chiếm đa số số lượng chuyến xe của các ứng dụng tại Việt Nam vào nửa đầu 2019.
Nguồn: Zing
Grab cũng được biết tới bởi nhiều chiến dịch quảng cáo ấn tượng tại thị trường Việt Nam. Campaign “Đừng bỏ bữa” của Grab vào 2019 đã truyền tải thông điệp gần gũi nhưng sâu sắc nhắc nhở mọi người dù làm gì cũng đừng quên ăn uống đầy đủ và đúng bữa.
Video clip GrabFood – “Đừng bỏ bữa” có 18 triệu lượt xem
Video clip GrabFood – “Trời có mưa, cũng đừng bỏ bữa” đạt 11 triệu lượt xem trên YouTube.
Ngay khi Việt Nam “bật đèn xanh”, Grab đã lập tức tung ra các gói khuyến mãi mạnh từ đầu tháng 5 như “Săn sale xanh, đi thả phanh”, “Đi GrabCar nửa giá” nhằm thúc đẩy người dùng sử dụng dịch vụ.
Trong tháng 2 vừa qua, Grab đã mua lại Bento, một startup của Singapore về Robo-advisor (cố vấn tài chính cung cấp tư vấn tài chính hoặc quản lý đầu tư trực tuyến với sự can thiệp từ trung bình đến tối thiểu của con người) và đổi tên thành GrabInvest. Dù không tiết lộ giá trị hợp đồng, Grab cho biết bước đi này nhằm hướng đến cung cấp dịch vụ quản lý tài sản bán lẻ (retail wealth management service) cho người sử dụng Grab.
Nguồn:
(*) https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-grab-idUSKBN22Q0SW
(**) https://www.pymnts.com/coronavirus/2020/grab-ceo-investors-we-are-facing-tough-decisions/
Grace Le tổng hợp