Sau đợt “khám sức khoẻ” với KPMG, Traphaco đã quyết liệt triển khai dự án “Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh” từ tháng 11/2021 nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược duy trì, giữ vững vị thế số 1 đông dược, tập trung đầu tư phát triển ngoài đông dược.

Trong bối cảnh ngành dược ảm đạm, Traphaco vẫn kinh doanh có lãi, làm tiền đề cho chiến lược tăng trưởng.

Traphaco mạnh tay tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, thay đổi cách thức quản lý khách hàng, thúc đẩy hoạt động marketing, phát triển các sản phẩm tân dược...

Ngược dòng ngành dược

Năm 2021, Traphaco có doanh thu hợp nhất hơn 2.160 tỉ đồng, tăng 13,2% so với năm 2020. Đây là kỷ lục doanh thu cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử kinh doanh của Traphaco, lợi nhuận hợp nhất đạt 265 tỉ đồng, vượt 10,5% kế hoạch (240 tỉ đồng) và tăng trưởng 22,2% so với năm 2020.

Năm 2022, Traphaco đặt mục tiêu đạt 2.345 tỉ đồng doanh thu, tăng 8,6% so với doanh thu thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 286 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2021. Công ty cũng đặt kế hoạch chia cổ tức bằng tiền tỉ lệ 30% cho cổ đông. Theo Ban lãnh đạo Traphaco, ước tính doanh thu quý I/2022 đạt trên 610 tỉ đồng, lợi nhuận 83 tỉ đồng, tăng lần lượt khoảng 30% và 50% so với quý I/2021.

Dây chuyển sản xuất dược phẩm của Traphaco
Ảnh: Quý Hoà

Con số này rất đáng chú ý khi năm 2021 có hơn một nửa doanh nghiệp dược trên sàn chứng khoán sụt giảm doanh thu, lợi nhuận. Tổng doanh thu của 14 công ty dược niêm yết trên sàn giảm 15% và lợi nhuận sau thuế tăng 1%. Traphaco nằm trong nhóm doanh nghiệp dược tăng trưởng tốt nhất trên thị trường về doanh thu và lợi nhuận. Tỉ trọng chi phí bán hàng trên doanh thu giảm, nhờ đó tỉ suất lợi nhuận sau thuế của công ty cải thiện từ 10,8% lên 12,3%.

Giai đoạn 2021-2025 được coi là thời kỳ tăng tốc mới của doanh nghiệp lớn trong ngành dược phẩm và chăm sóc sức khoẻ này. Đáng chú ý, việc tái cấu trúc hệ thống kinh doanh theo 2 mảng đông dược – ngoài đông dược đang được Traphaco rốt ráo thực hiện.

Sau đợt “khám sức khoẻ” với hãng tư vấn KPMG, Traphaco đã quyết liệt triển khai dự án “Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh” từ tháng 11/2021 nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược duy trì, giữ vững vị thế số 1 đông dược, tập trung đầu tư phát triển ngoài đông dược.

Bà Đào Thuý Hà, Phó Tổng Giám đốc Traphaco, cho biết để thực thi chiến lược cốt lõi phát triển song hành đông dược và ngoài đông dược thì sản phẩm thuốc tân dược phải được đầu tư mạnh. Nhóm sản phẩm này hứa hẹn tạo ra những bước đột phá về doanh thu cho Traphaco, đảm bảo hiện thực hoá tốc độ tăng trưởng kép 13,3% về doanh thu và 15% về lợi nhuận trước thuế trong giai đoạn 2021-2025.

Theo nghiên cứu của IMS, tiêu thụ thuốc của Việt Nam ở kênh OTC (thuốc không kê đơn) chỉ tăng nhẹ 3,6% CAGR trong 5 năm tới. Thay vào đó, doanh số kênh ETC (bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ) được dự phóng tăng trưởng mạnh 10,6% CAGR và chiếm chủ đạo 65% thị trường dược phẩm. Điều này phần nào cho thấy, chiến lược phát triển tân dược và đẩy mạnh vào kênh ETC của Traphaco là thức thời sau nửa thế kỷ nắm giữ vị thế số 1 đông dược tại Việt Nam.

Sau khi Traphaco chia tách trình dược viên, mảng đông dược ghi nhận tăng trưởng hơn 20%, mảng ngoài đông dược thậm chí còn cao hơn, 35%. Lãnh đạo Công ty nhận định “cơ hội đối với sản phẩm của Traphaco trên cả kênh OTC và ETC vẫn còn rất lớn, Công ty sẽ tận dụng sự hài hoà giữa các sản phẩm để tạo giá trị cao hơn cho người dùng”.

“Biết mình, biết ta” để nỗ lực phấn đấu, một loạt giải pháp đã được ông Chung Ji Kwang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Traphaco, chia sẻ với cổ đông. Đó là tiếp tục triển khai dự án tái cấu trúc, hợp tác chuyển giao công nghệ, có thêm nhiều sản phẩm khai thác từ nhiều đối tác nước ngoài và hệ thống phân phối mạnh.

Kỳ vọng vào đối tác Hàn Quốc

Ngành dược vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, gián đoán do dịch bệnh, giá thành tăng cao, nhất là thời điểm dịch bùng phát mạnh tại 2 đất nước cung cấp chính nguồn nguyên liệu dược là Trung Quốc và Ấn Độ.

Với chiến lược tái cấu trúc lần này, Traphaco đặt tham vọng mở rộng danh mục sản phẩm thông qua chuyển giao công nghệ với đối tác Daewoong – cổ đông của Traphaco từ năm 2018. Daewoong thuộc Top 3 thương hiệu dược lớn nhất Hàn Quốc với doanh thu hằng năm trên 1 tỉ USD. Từ năm 2021, Traphaco đã tiếp nhận chuyển giao 12 sản phẩm mới Daewoong. Theo đại diện của Daewoong, ngoài 70 sản phẩm đặc trị các bệnh có nhu cầu lớn ở Việt Nam, hiện nay, tập đoàn này sẽ mở rộng thêm danh mục mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trong giai đoạn chuyển giao 3 và 4. Đặc biệt, trong chiến lược lâu dài, Daewoong muốn tăng cường các sản phẩm có tính công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng trên cả 2 kênh OTC và ETC.

Ngoài đối tác Hàn Quốc, Traphaco cũng tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các đối tác chiến lược để nhận chuyển giao, đa dạng dòng sản phẩm, phục vụ chiến lược phát triển sản phẩm tân dược. Theo kế hoạch, trong vòng 5 năm tới, Traphaco sẽ nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất gia công hàng trăm sản phẩm mới, đem lại doanh thu ước tính 25 triệu USD (doanh thu tích luỹ của các sản phẩm sau 5 năm triển khai thị trường).

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư

Pin It
Robert Schuller

"Bạn sẽ dám làm điều gì vĩ đại nếu bạn biết bạn không thể thất bại?"

User Menu