2020 là một năm đặc biệt với Cốc Cốc, startup sở hữu trình duyệt và máy tìm kiếm Make in Vietnam duy nhất cạnh tranh với Google. Đại dịch Covid-19 tưởng như khiến startup này đổ vỡ, lại là động lực mạnh giúp Cốc Cốc tìm ra lối đi riêng và có lãi “lớn nhất lịch sử”.
Cốc Cốc là tên startup đầu tiên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu gương điển hình trong bài phát biểu tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp tháng 11/2020. Trong khuôn khổ Techfest 2020 với chủ đề "Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước vượt qua thách thức" diễn ra tại Hà Nội, có lẽ Cốc Cốc là một ví dụ không thể điển hình hơn bởi nó còn là một sản phẩm công nghệ Make in Vietnam.
Là một startup với sản phẩm lõi là trình duyệt Internet và máy tìm kiếm, phải cạnh tranh trực tiếp hàng ngày với các đối thủ khổng lồ là Google (với trình duyệt Chrome và máy tìm kiếm Google), Apple (với trình duyệt Safari)… bài toán phát triển của Cốc Cốc là rất khó.
Đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 lan sang Việt Nam và bùng phát vào tháng 3, cũng giống như rất nhiều công ty khác, Cốc Cốc đứng trước một cuộc khủng hoảng cực lớn. Ngay trước khi diễn ra lệnh cách ly toàn xã hộ từ đầu tháng 4/2020, doanh thu quảng cáo (nguồn thu chính của startup này) lao dốc. Những ngày tiếp theo đó còn khó khăn hơn khi nhiều khách hàng đồng loạt tạm ngừng quảng cáo… Cơ hội của Cốc Cốc vốn đã khó lại càng khó hơn.
Chị Đào Thu Phương, Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc chia sẻ: "Ngày nào bọn mình cũng họp, tìm cách điều chỉnh liên tục và tự hỏi: Mình có thể sống sót bằng cách nào; trường hợp xấu nhất xảy ra là các công ty không quảng cáo nữa và không có doanh thu thì sẽ sống tiếp được bao nhiêu ngày?".
Giải pháp đầu tiên mà ban lãnh đạo Cốc Cốc thực hiện là rà soát lại toàn bộ chi phí để cắt giảm những gì không thực sự cần thiết từ thứ nhỏ nhất như đồ ăn, giấy, bút… Tuy nhiên, thông điệp quan trọng mà Cốc Cốc đưa ra là "không cắt giảm nhân sự".
Đào Thu Phương tâm sự: "Trong ngành này, nhân sự là quan trọng nhất. Nếu vào thời điểm khó khăn, mình lại quay lưng với người lao động thì sẽ tạo tâm lý rất không tốt và những người giỏi sẽ ra đi".
Để thực hiện được chiến lược cắt giảm chi phí nhưng không giảm người, ban lãnh đạo Cốc Cốc quyết định chia sẻ thẳng thắn về việc buộc phải giảm lương trong một thời gian khi doanh thu của công ty lao dốc. Và khi con số về tỷ lệ giảm được công bố, Đào Thu Phương nhận được phản hồi "thở phào" từ nhiều nhân sự: "Ôi may quá, giảm thế thôi à!".
Thực tế, Cốc Cốc thực hiện giảm lương theo cấp. Theo đó, lãnh đạo cấp cao bị giảm lương nhiều nhất, sau đó đến cấp trung. Với những nhân viên ở cấp thấp nhất, lương không bị giảm vì "lương họ đã thấp rồi, không thể giảm được".
Trên thực tế, để đưa ra phương án này, Cốc Cốc đã đặt cược vào khả năng hồi phục của thị trường quảng cáo online và xác định công ty có thể cầm cự được trong 3-4 tháng nếu tình huống xấu diễn ra.
Tuy nhiên, một may mắn lớn của Cốc Cốc trong khủng hoảng Covid-19 là năm 2019 công ty đã đóng cửa hầu hết các side project (dự án cá nhân) vốn tốn khá nhiều chi phí, để tập trung cho sản phẩm lõi là trình duyệt.
Không còn kỳ vọng vào các side project để tạo đột phá, Cốc Cốc tập trung trở lại vào sản phẩm lõi là trình duyệt với những bài toán cực khó. Chiếm thị phần khá lớn về trình duyệt trên desktop (gần 20% - đứng thứ 2 tại Việt Nam sau Chrome của Google) nhưng cuộc chiến trên mobile thì rất khác.
Đào Thu Phương phân tích, nếu trên desktop, Cốc Cốc có tính năng nào hay, tốt cho người dùng thì việc update rất đơn giản, chỉ cần bấm nút là xong. Tuy nhiên, với mobile thì các tính năng này phải được sự phê duyệt của Google và Apple.
"Có những đặc tính mà người dùng Việt Nam rất thích nhưng lại không tương thích với chính sách của Google và Apple là không được duyệt, phải gỡ bỏ và bị cảnh báo. Nếu bị cảnh báo 3 lần là ứng dụng Cốc Cốc sẽ bị gỡ khỏi kho ứng dụng của App Store và Google Play – một thảm hoạ", Đào Thu Phương giải thích về khung cửa siêu hẹp của cuộc chiến trình duyệt trên mobile.
Lấy ví dụ, tính năng vẫn bật được Youtube khi tắt màn hình smartphone trên trình duyệt Cốc Cốc được người dùng rất yêu thích nhưng buộc phải dỡ bỏ vì vi phạm chính sách của Youtube và bị cảnh báo.
"Làm tính năng cho trình duyệt trên mobile đã rất khó rồi, lại phải cạnh tranh với 2 ‘ông kẹ’ là Apple và Google – người duyệt các tính năng của Cốc Cốc có được phép cung cấp tới người dùng hay không, thì thành siêu khó. Nhưng mà giờ bọn mình cũng còn mỗi cửa đấy và nhiều lúc cũng chưa biết đi kiểu gì (cười)", nữ tướng Cốc Cốc tâm sự.
Bên cạnh chọn một việc siêu khó, Cốc Cốc cũng khởi động thực hiện một dự án cũng siêu hóc búa khác: Mạng quảng cáo Cốc Cốc (Cốc Cốc Audience Network). Mạng quảng cáo này được xây dựng từ hệ thống quảng cáo Cốc Cốc với nền tảng công nghệ có sẵn, là cầu nối liên kết các nền tảng nội dung và nhà quảng cáo Việt Nam.
Để có thể nuôi dưỡng một hệ sinh thái với nhiều nền tảng nội dung và nhà quảng cáo Việt Nam – vốn đang bị các "ông kẹ" như Google, Facebook áp đảo, Cốc Cốc xác định: Đây là một dự án phải đầu tư dài hạn. "Nếu các công ty Việt Nam không liên kết với nhau và tìm đường đi thì rất khó sống với mấy ‘ông kẹ’ như Google, Facebook", Đào Thu Phương nhận xét.
Để sống sót trong "năm Covid", tạo được doanh thu tối ưu cho mình nhưng vẫn tăng hiệu quả cho khách hàng so với trước, Cốc Cốc tìm ra một phương án không quá phức tạp. Việc khai thác khách hàng quảng cáo với trình duyệt và máy tìm kiếm vốn đã được thực hiện theo chiều dọc (phân theo ngành), giờ được khai thác sâu hơn.
Để tăng hiệu quả cho khách hàng quảng cáo – đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử, các kỹ sư của Cốc Cốc đã tìm ra giải pháp giúp tối ưu hoá tỷ lệ chuyển đổi thành đơn hàng. Đây chính là nhân tố quan trọng giúp Cốc Cốc vẫn tăng trưởng doanh thu quảng cáo trong "năm Covid". Năm 2020, doanh thu của Cốc Cốc đạt 235 tỷ đồng (dự kiến) so với 207 tỷ đồng của năm 2019.
Đào Thu Phương cho biết thêm: "Đối với các khách hàng khó khăn như ngành hàng không thì vào thời điểm nhu cầu trong nước bùng lên trở lại, Cốc Cốc hỗ trợ họ một mức giá rất ưu đãi để cùng vượt khó và hồi phục sau khủng hoảng".
Còn với việc cải thiện trình duyệt trên smartphone, Cốc Cốc cũng thay đổi chiến thuật. Thay vì việc phân tích dữ liệu để cải tiến tính năng như làm với desktop, các kỹ sư của Cốc Cốc tập trung vào hành vi của người sử dụng điện thoại. Họ liên tục quan sát và phỏng vấn trực tiếp người dùng để tìm cách tạo ra các trải nghiệm mới hữu ích, tiện dụng hơn.
Bên cạnh đó, thay vì tập trung vào thành phố lớn, Cốc Cốc chọn các đô thị nhỏ và nông thôn – nơi người dùng chưa có nhiều giải pháp trên smartphone và Cốc Cốc là một lựa chọn tốt.
"Họ chỉ quan tâm Cốc Cốc là một sản phẩm dễ sử dụng, đáp ứng được các nhu cầu tốt nhất chứ không cần phải là hình ảnh thời thượng hay thương hiệu lớn… như ở thành phố lớn. Điều này làm cho bọn mình dễ thở hơn một chút và là hướng đi tốt", nữ tướng Cốc Cốc chia sẻ.
Chọn hướng tập trung vào đô thị nhỏ và vùng nông thôn, Cốc Cốc cũng lựa chọn việc đưa ra những cải tiến nhỏ về tính năng mà thôi. "Những cải tiến này giúp người dùng tiết kiệm hơn một chút về thời gian hoặc cảm thấy thoải mái hơn chút ít khi sử dụng… và Cốc Cốc không đầu tư vào những tính năng cao siêu hay mang tính cách mạng".
"Không kỳ vọng thay đổi ngành hay thay đổi thế giới mà đơn giản chỉ tìm mọi cách giúp người dùng bớt bị spam, tìm được địa chỉ mua sắm có uy tín dễ dàng, thậm chí chỉ giúp tiết kiệm được chi phí 1.000-2.000 đồng thôi… chính là mục tiêu của bọn mình. Cứ làm được nhiều cái như vậy sẽ giúp người dùng gắn bó với Cốc Cốc nhiều hơn bởi nó thiết thực", Đào Thu Phương nhận xét.
Theo nữ tướng Cốc Cốc, việc đầu tư vào cải tiến nhiều tính năng nhỏ, hữu ích sẽ không gặp rủi ro lớn về chi phí mà lại tạo ra hiệu quả rõ ràng, đặc biệt phù hợp trong giai đoạn công ty cần kiểm soát chặt dòng tiền. "Bọn mình gọi đùa đây là chiến lược cần cù bù thông minh", Phương nói.
Năm 2020, Cốc Cốc dự kiến đạt lợi nhuận 30 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ khi ra đời cho đến nay và lại đến đúng vào năm khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động. Thực tế, con số lợi nhuận này vô cùng nhỏ bé nếu so sánh với các công ty khác. Nhưng ở góc độ một công ty dịch vụ số với sản phẩm Make in Vietnam, phải cạnh tranh với những tập đoàn khổng lồ, làm mưa làm gió trên toàn thế giới như Google, Apple thì việc có lãi, lại vào đúng "năm Covid" là một con số rất ấn tượng.
Thế nhưng, với những người ở Cốc Cốc, họ không ảo tưởng gì về con số lợi nhuận đạt được năm 2020. "Đúng là con số lợi nhuận là lớn nhất trong lịch sử hoạt động của Cốc Cốc, nhưng cũng chỉ bằng gần 2 tháng chi phí hoạt động thôi", Đào Thu Phương nhận xét.
Phó Tổng giám đốc của startup có sản phẩm Make in Vietnam giải thích thêm: "Có được chút lãi là nhờ bọn mình khéo co kéo và cũng có chút may mắn chứ đường đi phía trước còn nhiều mìn lắm, không dò dẫm cẩn thận cũng có thể chết bất cứ lúc nào. Chẳng có gì đảm bảo thành công khi phải cạnh tranh với mấy ‘ông kẹ’ đó nếu mình không chăm chỉ và cố gắng từng ngày một".
Không cảm thấy quá thỏa mãn về tương lại với con số "lợi nhuận kỷ lục" nhưng nữ tướng Cốc Cốc lại rất vui vẻ khi được chia sẻ một "niềm tự hào lặng lẽ của bọn mình".
Đào Thu Phương cho biết, trên thế giới chỉ có khoảng 20-30 trình duyệt Internet nhưng máy tìm kiếm (search engine) thì có dưới 10 và trong đó có một máy tìm kiếm của Việt Nam (Cốc Cốc). "Trong số các quốc gia có search engine thì Việt Nam được đứng cạnh rất nhiều cường quốc trên thế giới", Đào Thu Phương nhận xét.
Phó Tổng giám đốc của Cốc Cốc cho rằng: "Nếu nhìn sâu xa hơn một chút thì việc có một máy tìm kiếm của riêng Việt Nam sẽ giúp cho người dùng ít nhiều có ‘tự do số’ khi không phải phụ thuộc 100% vào Google. Ít nhất thì bọn mình cũng cung cấp cho người Việt Nam một công cụ để check chéo khi hoài nghi về kết quả bị định hướng bởi máy tìm kiếm nước ngoài".
Thực tế, người dùng thường có xu hướng tin vào những thông tin ở trang đầu mà công cụ tìm kiếm trả về. Khi không có một nguồn nào khác để xác nhận lại, các công cụ tìm kiếm có thể dễ dàng định hướng người dùng đọc những thông tin mà họ muốn. Khi chỉ có 1 nguồn là Google, người dùng sẽ dễ bị sự phụ thuộc, nhưng khi có 2 nguồn, họ có thể kiểm tra chéo.
Tuy nhiên, nữ tướng của startup với trình duyệt và máy tìm kiếm Make in Vietnam này cũng nói thêm: "Để có thể luôn cung cấp một lựa chọn tốt tương đương và cạnh tranh ngang ngửa với Google thì sẽ là một quãng đường rất, rất dài".
Theo Trí Thức Trẻ