Thông tin Công ty cổ phần Đức Việt được bán lại cho Tập đoàn Daesang (Hàn Quốc) khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối một thương hiệu Việt đã có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng.
Đức Việt được "sang tay" cho Tập đoàn Hàn Quốc với giá 32 triệu USD?
Ông tiến sĩ Toán học khởi nghiệp ở tuổi 50
Là một tiến sĩ toán học nhưng ông Mai Huy Tân lại được nhiều người biết đến hơn với vai trò ông chủ của thương hiệu xúc xích Đức Việt .
Sau 30 năm làm việc cho cơ quan nhà nước, ông Tân quyết định rời bỏ công chức và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh vào năm 2000. Khi đó, vị tiến sĩ này đã bước qua tuổi 50.
Cũng giống như nhiều người khác, ông nghĩ đến việc làm một cái gì để bán. Xuất phát từ suy nghĩ “Đời người ai cũng phải ăn, phải uống và phải chết”, trong đó nhu cầu “phải ăn” là thường xuyên, ông quyết định sản xuất thực phẩm ăn uống.
Tiến sĩ Mai Huy Tân
Từng du học tại Đức nên ông quyết định hợp tác cùng với người bạn của mình sản xuất xúc xích Đức. Với số vốn khiêm tốn, Công ty TNHH Đức Việt được thành lập trong một xưởng nhỏ với diện tích hơn 200m2 tại quận Thanh Xuân – Hà Nội.
Được sự giúp đỡ của chuyên gia người Đức, những sản phẩm xúc xích đầu tiên nhận được nhiều lời khen ngợi từ khách hàng trong nước và cả những người Đức sống, làm việc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thời gian đầu, việc kinh doanh của ông Tân cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi ít khi đó tại Việt Nam không nhiều người biết đến xúc xích tươi, xúc xích xông khói.
Dù mang danh là ông chủ, đích thân ông Tân phải vừa điều hành công ty, vừa mặc đồng phục nhân viên tiếp thị đi mời khách ăn thử xúc xích ở các quán bia. Công ty phải đăng quảng cáo trên báo Nhi đồng và mua báo phát ở một số trường học kèm phát xúc xích miễn phí.
Năm 2002, với số vốn đầu tư của nước ngoài, công ty của tiến sĩ Tân chuyển đổi thành Công ty Liên doanh Đức Việt.
Đến năm 2004, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng của thị trường, Đức Việt đã khai trương nhà máy chế biến thịt và thực phẩm sạch tại Hưng Yên. Với sự ra đời của nhà máy mới cùng sự giúp đỡ của các chuyên gia Đức, số lượng sản phẩm của Đức Việt cũng trở nên phong phú hơn.
Năm 2008, công ty chuyển đổi thành Công ty CP Thực phẩm Đức Việt với nhiều cổ đông tham gia góp vốn. Số lượng cán bộ công nhân tăng lên 300 người, với gần 60 loại sản phẩm bao gồm xúc xích và thịt cắt lát hong khói.
Từ đó cho đến nay, hệ thống phân phối của Đức Việt được mở rộng tại khắp các tỉnh thành trên cả nước. Các sản phẩm Đức Việt ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Cùng với Vissan và CP, Đức Việt được đánh giá là 1 trong 3 "ông lớn" trên thị trường xúc xích Việt Nam hiện nay, trong đó Đức Việt đặc biệt chiếm ưu thế ở phân khúc xúc xích tươi.
Và thương vụ chuyển nhượng trị giá 32 triệu USD
Đang có chỗ đứng nhất định trên thị trường, Đức Việt khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định bán lại công ty cho Tập đoàn thực phẩm Hàn Quốc Daesang Corp.
Tin từ Korea Newswires cho hay, Daesang Corp đã mua lại 99,99% cổ phần của Công ty CP Thực phẩm Đức Việt với mức giá 32 triệu USD. Như vậy, Tập đoàn Hàn Quốc đang định giá mỗi cổ phần của công ty này vào khoảng 2,46 USD (khoảng 55.000 đồng).
Theo báo cáo của Daesang, Đức Việt có tổng tài sản 16 tỷ won (khoảng 320 tỷ đồng) và nợ phải trả 7 tỷ won (khoảng 140 tỷ đồng). Năm ngoái, doanh nghiệp đạt doanh thu 31 tỷ won (hơn 600 tỷ đồng) và lợi nhuận thu về là 2 tỷ won (40 tỷ đồng).
Dealstreetasia cho biết Daesang bắt đầu hoạt động vào năm 1956 và chuyên về sản xuất thực phẩm và gia vị, gồm tương đậu nành, sốt đậu nành, súp và mì Trung Quốc. Tập đoàn Hàn Quốc bắt đầu tiến vào thị trường thực phẩm Việt Nam trong những năm 1990. Hiện tại, Daesang có 3 nhà máy sản xuất tại nước ta, trong đó một trong những sản phẩm chủ lực là bột ngọt Miwon.
Cũng theo nguồn tin này, Tập đoàn Hàn Quốc này sẽ hoàn tất việc thâu tóm Đức Việt vào ngày 5/8 tới đây.
Tuy nhiên, trước thông tin nêu trên, sáng 28/7, đại diện Công ty CP Thực phẩm Đức Việt cho biết, hiện tại công ty mới đang trong quá trình đàm phán và chưa có quyết định cuối cùng.
Theo Linh Lam
NDH