2015 là một năm đầy biến động của VinaAcecook, từ cuộc tổng tấn công của các đại gia mì gói đến các thông tin tiêu cực khiến thị trường tiêu thụ mì sụt giảm. Người Việt Nam rất thích mì ăn liền, nhưng mức tiêu thụ sản phẩm này đang có xu hướng giảm.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu sếp VinaAcecook đưa ra là do các thông tin tiêu cực về mì ăn liền xuất hiện thường xuyên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng này.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, năm 2014, Việt Nam có mức tiêu thụ bình quân 5 tỷ gói mì/năm và xếp vị trí thứ 5 trên thế giới về mức độ tiêu thụ mì ăn liền, chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, và Ấn Độ.
Riêng trong tháng 10/2015, thị trường Việt Nam có mức tiêu thụ sản phẩm mì ăn liền là 315,4 triệu gói mì. Tuy nhiên, nhìn chung từ đầu năm 2015 đến nay và so sánh với những năm trước, mức tiêu thụ sản phẩm mì ăn liền đang có xu hướng giảm.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Kagoshima Shigeto – Giám đốc khối Marketing của CTCP Acecook Việt Nam (VinaAcecook), là do nhiều thông tin tiêu cực về mì ăn liền như mì ăn liền là sản phẩm thiếu dinh dưỡng, chứa chất độc hại (axit oxalic, transfat...), và là tác nhân gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư...
“Thậm chí một số báo, trang tin còn hướng dẫn cách ăn mì an toàn như: Rửa/nấu mì 2-3 lần rồi mới ăn. Với cách chế biến này, mì không còn là thực phẩm. Khi không còn vị gì thì nó không phải là thức ăn được. Khi viết như vậy và người tiêu dùng làm theo, đó là sự cố rất lớn”, ông Kagoshima nói.
Bên cạnh đó, Kagoshima cũng chỉ ra 2 nguyên nhân khác khiến ngành hàng mì ăn liền bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một là, thị trường Việt Nam có sự du nhập thêm của nhiều loại hình thức ăn nhanh của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới trong 2 năm gần đây.
Hai là, việc cạnh tranh trên thị trường giữa các doanh nghiệp diễn ra không lành mạnh làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu, ngành hàng trong mắt người tiêu dùng.
Bị các đại gia “tổng tấn công”, VinaAcecook chỉ mất... 4% thị phần
“Năm qua là một năm đầy biến động với Công ty Acecook Việt Nam khi những doanh nghiệp đối thủ liên tiếp uy hiếp thị phần của công ty bằng các chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh”, sếp Marketing của Acecook lên tiếng.
Còn nhớ hồi đầu năm, Masan, Asia Foods, Micoem... cùng lúc tấn công mặt hàng mì gói VinaAcecook, tập trung đánh vào sản phẩm mì chua cay – sản phẩm mũi nhọn của Hảo Hảo, một trong các nhãn hàng chủ lực của VinaAcecook, khi nhãn hàng này gặp vấn đề về khan/cháy hàng.
Theo thông tin từ VinaAcecook, thị phần của VinaAcecook đã rớt từ 40,4% vào tháng 1/2015 xuống còn 36,6% vào tháng 4/2015.
Với riêng đối thủ Asia Foods với nhãn hàng mì ăn liền Hảo Hạng, VinaAcecook đã đưa công ty này ra tòa về tội vi phạm bản quyền thương hiệu mì gói tôm chua cay Hảo Hảo.
Sản phẩm mì Hảo Hạng được tung ra thị trường từ tháng 1/2015 – thời điểm VinaAcecook gặp khó với mì Hảo Hảo - với thông điệp quảng cáo và thiết kế bao bì tương tự mì gói tôm chua cay Hảo Hảo.
“Họ không chỉ nhái bao bì sản phẩm (gói mì), mà còn nhái cả thùng carton bọc ngoài. Để xây dựng một thương hiệu, một sản phẩm cần đầu tư rất nhiều công sức, chất xám, tâm trí. Và khi thương hiệu mạnh rồi, các công ty khác chỉ cần nhái thiết kế và bán được sản phẩm?”, ông Kagoshima bức xúc.
Mặc dù theo thống kê mới nhất, thị phần của VinaAcecook đã hồi phục ở mức 39,6%, tuy nhiên, mức tiêu thụ mì ăn liền của toàn thị trường Việt Nam đã giảm khoảng 10 triệu gói so với tháng 1/2015.
VinaAcecook hiện đang sở hữu các nhãn hàng mì ăn liền Hảo Hảo, Hảo 100, mì không chiên Mikochi, miến Phú Hương, phở Đệ Nhất... Công ty hiện đã xây dựng được hệ thống 10 nhà máy tại Việt Nam.
Theo: Bảo Bảo / Trí Thức Trẻ