Alibaba không chỉ cố gắng xây dựng hình ảnh một công ty thương mại điện tử của Trung Quốc mà là một hãng thương mại điện tử toàn cầu có trụ sở đặt tại Trung Quốc.
Thương hiệu Alibaba vừa trải qua một tuần đầy phấn khích. Công ty đã thành công vượt bậc trong Ngày Cô đơn 11/11 với doanh số bán hàng trên 14 tỷ USD chỉ trong 1 ngày. Con số này thật sự ấn tượng và dù vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh đó, nhưng cách mà công ty đang tạo ra khối lượng tiền khổng lồ cho thấy phần nào tương lai của Alibaba.
Thành công toàn cầu của ngày cô đơn
Ngày Cô đơn năm nay của Alibaba đặc biệt trở thành sự kiện toàn cầu. Công ty đã hợp tác cùng hơn 20.000 nhà bán lẻ ngoài Trung Quốc để bán sản phẩm trên những trang thương mại điện tử gồm Tmall và Taobao. Họ thậm chí còn tổ chức một buổi tiệc với sự tham dự của những ngôi sao giải trí hàng đầu như Điệp viên 007 - Daniel Craig.
Đây là một thành công thực sự phi thường.
CEO Daniel Zhang nói rằng tổng lượng hàng hóa giao dịch tạo ra trong 2 giờ đầu của Ngày Cô đơn năm nay đã vượt qua cả con số tương tự trong 24h của ngày này năm trước. "Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sức hút toàn cầu của sự kiện này”, chuyên gia phân tích Scott Devitt nhận định.
Chuyên gia Daniel Wei đến từ Credit Suisse cũng cho biết, top 5 đất nước khác ngoài Trung Quốc mua nhiều hàng hóa của Alibaba nhất gồm Mỹ, Singapore, Malaysia, Australia và Canada. Trong khi đó, theo Robert Peck tới từ Suntrust thì 1/3 khách hàng của Alibaba mua hàng hóa từ những công ty quốc tế. Chính điều này đã giúp công ty hoàn thành những mục tiêu mà họ đặt ra trước Ngày cô đơn.
“Điều quan trọng, đây là lần đầu tiên có rất nhiều thương hiệu toàn cầu được bán trên các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba. Đây là cơ hội để họ giới thiệu tới khách hàng Trung Quốc những thương hiệu quốc tế”. Peck cũng nhấn mạnh rằng ngày này sẽ tạo đà để Alibaba tấn công vào những thị trường khác bên ngoài Trung Quốc.
Tương lai là tập đoàn toàn cầu
Dù các nhà đầu tư chưa phản ứng ngay với những thành quả mà Alibaba đạt được trong Ngày cô đơn. Bằng chứng là cổ phiếu của Alibaba đã giảm tại Mỹ vào ngày thứ 4 tuần trước và tiếp tục giảm vào ngày thứ 5. Tuy nhiên những thành quả mà họ đạt được trong ngày này cho thấy phần nào chiến lược trong tương lai của họ.
Ngay trong thứ 4 tuần trước, nhà sáng lập Alibaba là Jack Ma cũng đã trả lời phỏng vấn tờ Bloomberg rằng trên 50% doanh thu của công ty hiện được tạo ra bên ngoài Trung Quốc. Trước đó, ông đã thừa nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và rằng lòng trung thành của người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng giảm.
Dù thị trường vẫn còn nhiều khoảng trống - chỉ 50% các công dân Trung Quốc được sử dụng Internet nhưng tốc độ phát triển lại không đạt được như các nhà đầu tư mong đợi. Do đó, chiến lược mở rộng ra bên ngoài có lẽ là một ý tưởng khôn ngoan.
Mũi nhọn tấn công của Alibaba còn được nhân đôi: Vừa mang những thương hiệu không phải của Trung Quốc đến thị trường Trung Quốc, vừa mở rộng sản phẩm cung cấp cho khách hàng bên ngoài biên giới nước họ.
Thứ 5 vừa qua, công ty đã ký thỏa thuận đặt trụ sở văn phòng mới tại London. Trong khi đó, hãng đã có văn phòng tại Ấn Độ và Mỹ. Thêm nữa, Alibaba đã chính thức hóa mối quan hệ với những nhà bán lẻ nước ngoài bao gồm cả Macy’s.
“Chúng tôi xem khởi đầu quốc tế hóa là chìa khóa phát triển trong dài hạn để mở rộng sự hiện diện tại Mỹ và châu Âu trong những tháng tới. Chúng tôi tin rằng sự thành công của ngày Cô đơn là tín hiệu tích cực cho cuộc cách mạng sắp tới của Alibaba”.
Bằng việc mở rộng ra bên ngoài Trung Quốc, Alibaba không chỉ cố gắng xây dựng hình ảnh một công ty thương mại điện tử của Trung Quốc mà là một hãng thương mại điện tử toàn cầu có trụ sở đặt tại Trung Quốc.
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ/BI