Sự thành công của bất kỳ thương hiệu điện thoại nào cũng bắt nguồn từ sức mạnh nội lực kết hợp với điều kiện thuận lợi từ bên ngoài.
Sức mạnh nội lực chính là lợi thế cạnh tranh, chiến lược đúng đắn, lãnh đạo tài năng cùng chuỗi giá trị vững chắc. Ngoài ra, các nhà sản xuất còn phải trông cậy vào chính sách hỗ trợ phát triển từ chính phủ, trình độ khoa học kỹ thuật, thêm vào đó, còn liên quan đến cả GDP của một quốc gia. Tôi xin phân tích sự thành công của Apple để minh chứng cho luận điểm trên.
Sự thành công của thương hiệu Apple
Trong báo cáo thường niên của mình, Apple cho biết họ bán được gần 170 triệu chiếc điện thoại iPhone trong tài khóa 2014, tăng 13% so với năm 2013. Tổng giá trị cho việc bán iPhone vào khoảng hơn 100 tỷ USD, chiếm 56% nguồn thu của toàn công ty. Có thể nói, Apple đang sống nhờ vào những chiếc iPhone của họ.
Theo số liệu từ trang web IDC, chuyên về cung cấp các dịch vụ tư vấn cho nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì có 5 nhà cung cấp điện thoại lớn trên thế giới là Samsung, Apple, Huawei, Xiaomi và Lenovo. Samsung dẫn đầu thị phần. Họ đóng góp 21,4% tổng số điện thoại bán ra tính đến tháng 2/2015, tuy nhiên con số này đã giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm trước, tương tự Lenovo đứng thứ năm. Apple giữ vị trí thứ hai nhưng số lượng điện thoại của họ bán ra so với cùng kì năm trước tăng 2%.
Đối với thương hiệu Apple, ngoài vẻ đẹp, sự sáng tạo và sự thân thiện đối với người dùng thì sự thành công trong việc quản lý tốt các hoạt động trong chuỗi cung ứng đã làm nên vị thế của công ty hiện tại.
Lợi thế cạnh tranh của Apple chính là sự sáng tạo, sự tinh tế trong từng sản phẩm. Họ đầu tư rất nhiều cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Họ là người tiên phong trong tạo ra điện thoại cảm ứng phản hồi nhanh, họ cũng là người tạo ra iOS, một hệ điều hành hết sức mới tại thời điểm nó được giới thiệu. Họ cũng là "người cầm cờ" trong việc tạo ra kho ứng dụng khổng lồ Apple Store để phục vụ tốt hơn cho cuộc sống con người. Hơn nữa việc tạo ra trải nghiệm người dùng khá thân thiện cũng là điểm mạnh của Apple, tất cả ứng dụng của Apple dường như rất dễ thao tác, họ luôn muốn tạo sự dễ dàng cho người dùng bất kể người dùng đó là ai.
Việc xác định được lợi thế cạnh tranh của mình giúp cho cố CEO của họ Steve Jobs chọn những chiến lược dài hạn cho công ty dễ dàng và chính xác hơn. Steve Jobs là một trong những CEO kiệt xuất của thế giới với những kỹ năng lãnh đạo mạnh mẽ, ông đã lựa chọn và vận hành chiến lược cũng như bộ máy tổ chức vô cùng hiệu quả, điều đó cũng đóng góp cho sự phát triển của công ty. Đây được coi là lợi thế cạnh tranh đặc biệt, giúp Apple là duy nhất so với các đối thủ cùng ngành.
Bên cạnh đó, Apple quản lý khá tốt chuỗi cung ứng của mình. Họ có nguồn cung ứng bền vững và hiệu quả từ khắp nơi trên thế giới. Họ giữ liên lạc với các đối tác, luôn bảo đảm rằng họ sẽ nhận được thông tin đầy đủ nhất về những đơn hàng. Kỹ sư trưởng của họ, Jony Ive và các kỹ sư khác dành đôi khi hàng tháng để làm việc với các nhà sản xuất và cung ứng, giúp họ thiết kế các khâu sản xuất, phục vụ cho sản xuất hàng loạt nhằm cắt giảm chi phí. Đối tác của Apple được bảo đảm sẽ nhận được tiền chi trả đúng thời điểm quy định. Bên cạnh đó, Apple luôn đặt hàng với số lượng rất lớn, chuyên biệt vài sản phẩm, nên đảm bảo cho họ nguồn cung dồi dào, với chiết khấu hấp dẫn. Chính điều này giúp Apple có lợi nhuận biên khá lớn trong ngành, vào khoảng 25%. Đối với các nhà cung ứng đáp ứng đủ tiêu chuẩn của mình, Apple luôn muốn tạo dựng mối quan hệ đối tác bền vững, việc này giúp họ luôn duy trì được nguồn cung và không bao giờ rơi vào tình trạng hủy đơn hàng do thiếu cung.
Một yếu tố khác đóng góp không nhỏ cho sự thành công của "Táo khuyết" chính là khả năng dự báo nguồn cầu các sản phẩm của họ. Họ sử dụng hệ thống ERP để quản lý hầu như mọi hoạt động từ sản xuất đến bán hàng. Hơn nữa, Apple bán hàng thông qua hệ thống chuỗi bán lẻ riêng của mình, nên họ có thể theo dõi, quản lý hàng tồn kho, các dòng hàng, dòng tiền theo thời gian thực. Mỗi giao dịch đều được lưu lại trên kho dữ liệu. Dựa vào những số liệu lịch sử này, họ sẽ đưa ra dự báo lượng cầu khá chính xác cho mỗi thời điểm khác nhau. Việc này giúp cho công ty luôn có đủ nguồn cung và nguồn dự trữ cần thiết cho mọi đơn hàng đã nhận.
Bên cạnh đó dịch vụ khách hàng, hậu mãi được Apple thực hiện khá hoàn hảo, họ tổ chức cửa hàng trưng bày và bán lẻ rất chuyên nghiệp và bắt mắt. Khách hàng có bất kỳ vấn đề nào về sản phẩm, họ chỉ cần đem đến các cửa hàng này sẽ được nhân viên hỗ trợ nhiệt tình, đặc biệt nếu sản phẩm nào có bất kì vấn đề nào trong thời gian bảo hành, sẽ được đổi hoàn toàn bằng một sản phẩm khác. Điều tuyệt vời là khách hàng không cần mang theo hóa đơn hoặc bất kỳ giấy tờ nào khác, việc bảo hành vẫn được thực hiện. Việc duy nhất khách hàng được yêu cầu thực hiện là sắp xếp lịch hẹn thông qua 1 ứng dụng trên Appstore và lưu trữ dữ liệu cá nhân trước khi đến cửa hàng bảo hành. Apple dường như được cả nước Mỹ hỗ trợ. Mỹ là đất nước có nhiều bằng cấp được đăng ký nhất trên thế giới. Trình độ khoa học kỹ thuật của họ bắt đầu phát triển từ lâu, từ sau cuộc nội chiến, đỉnh cao là sau thế chiến thứ hai vì họ tiếp nhận rất nhiều chất xám từ những người Do Thái di cư vì Đức quốc xã. Họ phát triển rất nhiều, rất nhanh và mạnh ở nhiều mảng, bao gồm công nghệ thông tin. Họ (nước Mỹ) đã ở một mức độ phát triển nhất định về công nghệ thông tin trước khi Apple từng bước xây dựng đế chế của mình
Lối đi cho điện thoại thương hiệu Việt
Vậy thì, lối đi nào cho các điện thoại thương hiệu Việt? Thật sự thì trong ngắn hạn, tôi không tin sẽ có bất kì điện thoại thương hiệu Việt nào có thể thành công được. Thị trường điện thoại thông minh đang bão hòa và cái giá cho việc thâm nhập thị trường là rất cao.
Về dài hạn, có rất nhiều điều cần phải làm để mong có được dòng điện thoại thương hiệu Việt. Trước hết ở tầm vĩ mô, cần có nhiều hơn những chính sách khuyến khích sản phẩm của công ty nội địa, khuyến khích phát triển hạ tầng cơ sở cũng như nguồn nhân lực, phát triển khoa học kỹ thuật, đặc biệt là chú trọng cho phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ ví dụ như các công ty làm chip, lắp ráp, làm kính điện thoại hoặc chế tạo các bộ phận nhỏ trong điện thoại. Các ngành phụ trợ này trước mắt sẽ cạnh tranh với các công ty Trung Quốc và Đài Loan. Về lâu dài, các công ty này sẽ là nền tảng để phát triển một chiếc điện thoại thương hiệu Việt. Hãy nhìn vào sự thành công của Huawei, Xiaomi và Lenovo. Các công ty này đều có xuất sứ ở Trung Quốc đại lục hoặc Đài Loan. Theo như chúng ta đều biết thì đây là công xưởng của thế giới, Apple đặt hàng nhà máy ở Đài Loan lắp ráp và theo thống kê thì khoảng hơn 60% giá trị của 1 chiếc iphone xuất phát từ Đài Loan. Còn Samsung, họ sẵn sàng chế tạo chip cho Apple, để tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của bản thân trên thị trường.
Việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ này, ngoài khả năng tăng nguồn thu cho chính phủ, doanh nghiệp và người lao động, còn thúc đẩy năng suất lao động và công nghệ hóa các dây chuyền sản xuất. Thêm nữa, với bản chất thông minh, ham học hỏi vốn có của mình, thì các tiến bộ khoa học kỹ thuật đó sẽ sớm được tiếp thu. Phần quan trọng là khi một chiếc điện thoại gắn mác "Made in Viet Nam" thì đó chính là một hình thức marketing không tốn tiền mà cực kỳ hiệu quả cho những chiếc điện thoại của người Việt sau này.
Về phần các công ty sản xuất nên xây dựng thương hiệu thông qua những đại sứ mà cả thế giới đều biết đến và chấp nhận như những ca sĩ K-pop hoặc có thể tài trợ những sự kiện mang tầm thế giới như World Cup.
Thêm vào đó, các công ty nên có "sản phẩm dẫn dắt", tương tự như iPod đối với iPhone. Người tiêu dùng Mỹ quen với iPod trước vì vậy họ dễ dàng chấp nhận iPhone. Đối với các sản phẩm mới ra và không có "sản phẩm dẫn dắt" thì có lẽ thị trường phù hợp nhất đối với các công ty này là thị trường ngách, hãy nhìn vào Huawei, họ tấn công thị trường ở các tỉnh nhỏ trước, tương tự là Xiaomi và Lenovo, xác định phân khúc tiềm năng ở phân khúc tầm trung và giá tốt. Họ đã xác định được lợi thế cạnh tranh của mình, và đã thành công.
Đề nghị tiếp theo là các công ty nên cố gắng xây dựng cho mình chuỗi giá trị bền vững, đối tác chiến lược với những bản hợp đồng dài hạn hơn là chú trọng quá nhiều vào chi phí. Việc quản lý chuỗi cung ứng được tốt thì, như là phần thưởng, lợi nhuận biên cũng sẽ tăng lên.
Cuối cùng, hãy bán sản phẩm của công ty, chiếc điện thoại hoàn thiện tới tay người tiêu dùng, và kèm theo đó là các chính sách hậu mãi hợp lý. Các hãng sản xuất nên có trách nhiệm với những tuyên bố và sản phẩm của mình, thay vì chối bỏ hoặc quy kết trách nhiệm cho một bên thứ ba.
Nguyễn Thiên Ân
Theo Vnexpress