Chỉ trong vòng 7 tháng, Thế Giới Di Động (mã chứng khoán MWG) đã khai trương thêm gần 100 cửa hàng thegioididong.com và siêu thị Điện máy Xanh, nâng số điểm bán lên 505 ở nhiều tỉnh - thành. Điều gì đã giúp Điện máy Xanh lớn mạnh dù thị trường điện máy hết sức cạnh tranh?
Ngày 29/8, Công ty Thế Giới Di Động đã khai trương siêu thị (ST) Điện máy Xanh thứ 37 tại 44 Kim Đồng, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Đây là ST đầu tiên ở vùng Tây Bắc của Điện máy Xanh.
Việc liên tục mở điểm bán của doanh nghiệp này được đánh giá là khá mạo hiểm khi thị trường điện máy chưa hết khó khăn và nhà đầu tư nước ngoài đang mở rộng sự bành trướng.
Ngay cả Nguyễn Kim với thâm niên 19 năm hoạt động với 23 trung tâm nhưng đầu năm nay đã phải bán 49% cổ phần cho đối tác Thái. Một thương hiệu điện máy phía Bắc là Pico cũng đang thỏa thuận để "sản sẻ” cổ phần sở hữu cho đối thủ ngoại.
Việc thâu tóm của các đối thủ nước ngoài chỉ mới diễn ra từ đầu năm nay nhưng trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp điện máy đã gặp khó khăn.
5 năm qua, một loạt thương hiệu như WonderBuy, Best Carings, HomeOne, Việt Long, Topcare đã phá sản vì không trụ nổi trong thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác hoặc không mở rộng mạng lưới hoặc mở rộng với số lượng hạn chế để giữ thị phần. Khó khăn là thế nhưng từ đầu năm đến nay, Thế Giới Di Động đã mở thêm 13 điểm bán cho Điện máy Xanh.
Theo ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc Công ty CP Thế Giới Di Động, MWG không ngại khai phá thị trường mới. Bởi, nếu mang đến một nơi mua sắm có giá hợp lý, chất lượng phục vụ tử tế thì bất cứ ở đâu cũng có khách hàng.
"Hơn nữa, chúng tôi nhìn nhận miền Bắc là một thị trường rộng lớn. Không chỉ gói gọn tại Hà Nội và Hải Phòng, thị trường này là cả một khu vực với 6 tỉnh - thành ở Tây Bắc, 9 tỉnh - thành Đông Bắc, 10 tỉnh - thành Đồng bằng Sông Hồng với mật độ dân cư đông đúc. Do vậy, tiềm năng ở khu vực này vẫn còn nhiều", ông Kinh Doanh nói.
Vì nhận định vẫn còn cơ hội nên Thế Giới Di Động đưa ra kế hoạch tiếp tục mở nhiều ST tại Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Yên Bái, Hải Phòng... trong thời gian tới.
Ra đời trong thời điểm khó khăn của thị trường điện máy, Điện máy Xanh vẫn liên tục phát triển. Năm 2014 trở về trước, thương hiệu này chỉ giới hạn ở các tỉnh miền Nam, thế nhưng, từ năm 2015 đã mở rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên và giờ là miền Bắc.
Và tính đến ngày 29/8, Điện máy Xanh đã có 37 siêu thị cùng với đội ngũ hơn 1.300 nhân viên. Không dừng lại ở đó, "thương hiệu mới nổi" này đặt mục tiêu cán mốc 70 điểm bán trong năm nay, trong đó có 10 - 15 ST tại phía Bắc.
Số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường GFK, cho thấy, doanh thu ngành điện máy quý I/2015 đạt 36.000 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2014, trong đó, Nguyễn Kim đứng đầu với khoảng 12% thị phần, Điện máy Chợ Lớn 7,5%, Điện máy Xanh khoảng 5%.
Nếu xét về điểm bán, đến nay, Nguyễn Kim (thâm niên 19 năm) có 23 trung tâm, Điện máy Chợ Lớn và Thiên Hoà cùng 14 năm hoạt động có chuỗi bán lẻ lần lượt là 24 ST và 7 trung tâm.
Trần Anh có thâm niên 13 năm và 16 ST, Phan Khang 12 năm với 13 ST, HC 9 năm với 14 ST, Pico 7 năm với 5 ST, trong khi Điện máy Xanh mới có 5 năm nhưng đã đạt chuỗi 37 ST.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, có nhiều lý do giúp Điện máy Xanh tăng trưởng mạnh.
Trước hết, thương hiệu này có tài chính khá tốt: Năm 2012, doanh thu tăng 151%, năm 2013, dù thị trường điện máy ảm đạm nhưng doanh thu vẫn tăng 29% và tiếp tục tăng lên 50% trong năm 2014.
Đặt mục tiêu doanh thu tăng 60% trong năm 2015, nhưng trên thực tế, quý I đã tăng đến 91% so với cùng kỳ 2014. Với nguồn tài chính dồi dào, Điện máy Xanh đã sẵn sàng cho kế hoạch đạt 100 ST khi kết thúc năm 2016.
Bên cạnh đó, Điện máy Xanh còn có lợi thế về năng lực phát triển và vận hành hệ thống. Trong đó, việc phát triển mặt bằng, xây dựng ST, tuyển dụng, đào tạo nhân viên nhanh, hệ thống công nghệ thông tin theo kịp sự phát triển mạnh.
Điểm thuận lợi nữa là quy mô các ST Điện máy Xanh vừa phải (từ 800 - 1.000m2) nên xây dựng nhanh, ít chi phí vận hành và hàng hóa trưng bày.
Mô hình này phù hợp với việc mở rộng nhanh và phát triển đường dài. Không chỉ thế, Điện máy Xanh còn được hưởng lợi từ ngành hàng viễn thông di động (gồm điện thoại, laptop, máy tính bảng) và thế mạnh về hàng hóa, chính sách bán hàng, chiết khấu có được từ chuỗi thegioididong.com.
Theo đánh giá của GFK, điện máy là thị trường có mức tăng trưởng cao nhưng cạnh tranh rất khốc liệt.
Để thu hút khách hàng, các nhà bán lẻ cần phải có định hướng kinh doanh phù hợp, đa dạng hóa dịch vụ giá trị gia tăng, cải tiến và hoàn thiện chính sách chăm sóc khách hàng, hệ thống bảo hành, chính sách hậu mãi và mở rộng hệ thống nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng tăng.
KIM TUYẾN/DNSG