Vốn đang gặp cạnh tranh dữ dội từ Toyota, nay Volkswagen lại đang có thêm cuộc chiến quyền lực nội bộ giữa CEO và Chủ tịch tập đoàn. Chỉ có một câu hỏi duy nhất mà ai nấy trong giới kinh doanh Đức đều muốn biết hôm 10.4 vừa qua là Chủ tịch Volkswagen Group (VW), ông Ferdinand Piech đang muốn gì.

Bởi lẽ, khi chính thức tuyên bố trước công chúng rằng ông hoàn toàn mất niềm tin vào Tổng Giám đốc (CEO) lâu năm Martin Winterkorn của VW, Piech đã đưa hãng xe này rơi vào cảnh xào xáo và khơi mào cho một cuộc chiến tranh giành quyền lực.

Một cuộc tranh chấp quyền lực trong nội bộ là điều cuối cùng mà VW, hãng sản xuất ôtô lớn thứ 2 thế giới về doanh số bán, mong muốn trong lúc này. VW đang trong quá trình thực hiện kế hoạch cắt giảm chi phí lên tới 5 tỉ euro nhằm cải thiện tính sinh lời của nhãn hàng chính VW. Hãng xe này cũng đang đau đầu vì doanh số bán giảm tại thị trường Mỹ và các thị trường mới nổi.

cạnh tranh thương hiệu xe hơi

“Sự chê trách của Piech đối với Winterkorn đã khiến cho mọi người đặt câu hỏi về động cơ thật sự của ông. VW nhìn chung đã thành công trong những năm gần đây. Đó một phần là vì Winterkorn và Piech đã lãnh đạo rất tốt”, Stefan Bratzel, Giám đốc Trung tâm Quản trị Ôtô tại Đại học Khoa học Ứng dụng (Đức), nhận xét.

Winterkorn là người từng được Piech đỡ đầu. Khi Piech là CEO của nhãn hàng hạng sang Audi (thuộc VW), ông đã cất nhắc Winterkorn lên vị trí Giám đốc Kỹ thuật. Sau đó, khi Piech trở thành CEO của VW, ông đưa Winterkorn trở thành CEO của Audi và mở đường cho Winterkorn trở thành CEO của Tập đoàn VW vào năm 2007.

Ai cũng cho rằng các gia đình Porche và Piech (cùng nắm giữ 50,7% cổ phần biểu quyết tại VW) đã cùng nhất trí cho Winterkorn giữ chức Chủ tịch của Ban cố vấn không tham gia điều hành, khi vị Chủ tịch hiện tại là Piech về hưu (dự kiến vào năm 2017). Nhưng với tuyên bố vừa qua của Piech, viễn cảnh này dường như xa vời. Một nguồn tin thân cận với vị CEO cho biết Winterkorn sẽ đấu tranh để tiếp tục ngồi lại chiếc ghế CEO cho đến khi hợp đồng của ông hết hạn vào cuối năm 2016.

Sóng gió nổi lên
cạnh tranh thương hiệu xe hơiCổ phiếu đã giảm 1,5% sau tuyên bố của Piech, khi nhà đầu tư lo ngại về tình trạng không chắc chắn về dàn lãnh đạo ở VW.

Thế nhưng, từ nhiều năm nay Piech không quan tâm đến giá cổ phiếu mà là làm thế nào để giữ gìn những gì ông đã xây dựng cho VW sau hơn 50 năm kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo và dẫn dắt tập đoàn này - một tập đoàn có tổng cộng 12 nhãn hàng với mục tiêu qua mặt Toyota trở thành hãng xe lớn nhất thế giới.

Những người ủng hộ Winterkorn nói rằng không ai làm tốt nhiệm vụ đó trong những năm gần đây hơn Winterkorn. Kể từ khi Winterkorn trở thành CEO của VW vào năm 2007, lượng xe bán ra đã tăng 77% đạt 10,2 triệu chiếc vào năm ngoái, doanh thu tăng 92% đạt 202 tỉ euro trong khi lãi ròng tăng gấp 3, đạt 10,8 tỉ euro.

Tuy nhiên, kết quả lạc quan này phần lớn là nhờ vào 3 “con bò sữa”: 2 nhãn hàng hạng sang Audi và Porsche và vị trí thống trị của VW tại thị trường Trung Quốc. Những thế mạnh này đã giúp che lấp nhiều vấn đề mà dường như khiến một người cầu toàn như Piech tỏ ra khó chịu. Có lẽ đó là lý do khiến Piech đưa ra nhận xét như thế về Winterkorn.

Thực vậy, sau nhiều năm trời chật vật ở thị trường Mỹ, Winterkorn đã quyết định đánh một canh bạc mới: đầu tư xây dựng một nhà máy mới vào năm 2011 tại Chattanooga, bang Tennessee nhằm vực dậy thị trường này. Ban đầu, doanh số bán cũng có nhích lên nhưng lại giảm vào năm ngoái vì không tung ra được mẫu xe mới. Với diễn biến ảm đạm này, mục tiêu đạt tới 800.000 chiếc xe bán ra hằng năm tại Mỹ vào năm 2018 có vẻ khó đạt được.

Trong khi đó, biên lợi nhuận thấp tại nhãn hàng chính VW năm ngoái đã buộc ông Winterkorn phải thừa nhận sự thật đau lòng: “Hãy thành thật với nhau rằng chúng ta cần phải làm nhiều thứ mới bắt kịp được các đối thủ lớn về mặt năng suất”, ông nói.

Tuy nhiên, có lẽ đòn giáng mạnh nhất vào niềm tự hào của Piech lại là ở lĩnh vực cải tiến kỹ thuật. Khi còn đứng đầu nhãn hàng Audi, Piech đã thúc đẩy hàng loạt cải tiến, trong đó có chiếc Quattro. Nhưng gần đây, các đối thủ đã tỏa sáng hơn cả VW. Chẳng hạn, BMW đã tung ra chiếc xe điện BMW i3 bằng sợi carbon.

“Lời chỉ trích của Piech đối với Winterkorn có lẽ cho thấy ông tin rằng VW đã trở nên quá tự mãn. Câu slogan ‘Vorsprung durch Technik’ (cải tiến qua công nghệ) của nhãn hàng Audi dường như đã bị bỏ lại đằng sau vào thập niên 2000”, chuyên gia phân tích Arndt Ellinghorst tại Công ty Evercore ISI, nhận xét.

Còn Ferdinand Dudenhoeffer, thuộc Trung tâm Nghiên cứu ôtô tại Đại học Duisburg-Essen, cho rằng: “Piech không muốn ngồi yên đứng nhìn khi thấy những gì ông cố công xây dựng tại VW bị đe dọa”.

Ai thắng ai thua?
Khi lên tiếng chỉ trích Winterkorn, Piech đã vấp phải sự phản đối ngay tức thì từ phía các cổ đông lớn của VW bao gồm cả bang Lower Saxony (nắm 20% cổ phần tại VW) và công đoàn Đức (nắm giữ phân nửa trong số 20 chiếc ghế trong Ban cố vấn VW).

Người đứng đầu công đoàn Bernd Osterloh nhận xét Winterkorn là “một trong những nhà quản lý ô tô thành công nhất” tại VW. Còn Wolfgang Porsche, người em họ của Piech và là Chủ tịch Porsche SE, công ty holding nắm giữ 50,7% cổ phần biểu quyết của VW, cho rằng quan điểm của Piech chỉ là “ý kiến cá nhân” (hai gia đình Porsche và Piech tổng cộng nắm 5 chiếc ghế trong Ban cố vấn).

Việc các cổ đông lớn cũng như công đoàn đều lên tiếng ủng hộ cho Winterkorn có nghĩa là không có không đủ số phiếu biểu quyết của Ban cố vấn để buộc sa thải CEO.

cạnh tranh thương hiệu xe hơi

Bernd Pischetsrieder, người tiền nhiệm của Winterkorn

Thế nhưng, Piech nổi tiếng là khi nói ra lời nào bất lợi cho một nhà điều hành cấp cao nào, người đó không sớm thì muộn cũng “mất ghế”. Nguyên CEO của Porsche, ông Wendelin Wiedeking là một trong những nhà điều hành bị tiêu tan sự nghiệp chỉ vì vài nhận xét của Piech trước công chúng.

Bernd Pischetsrieder, người tiền nhiệm của Winterkorn, cũng cùng chung số phận dù ban đầu cũng giành được nhiều sự ủng hộ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Wall Street Journal vào năm 2006, ông nói tương lai của Pitschetsrieder, vị CEO lúc đó của VW, hoàn toàn để ngỏ. Chỉ vài tháng sau đó, Pitschetsrieder đã bị thay thế bởi Winterkorn. “Piech là một con cáo. Ông có thể đang khôn khéo ngồi chờ và làm cho đối thủ của mình suy yếu dần”, một người đã và đang làm việc cho Piech (không muốn nêu tên) nhận xét.

Với tiếng tăm của Piech, thậm chí những người ủng hộ Winterkorn cũng phải thừa nhận rằng khả năng chỉ định một CEO mới là có thể xảy ra. “Nhưng cuộc chuyển giao quyền lực sẽ rất khó khăn. Hồ sơ làm việc của Winterkorn rất thuyết phục, nhưng nếu bế tắc này không thể giải quyết một cách ổn thỏa thì một dàn quản lý mới có thể sẽ lên thay”, một nhà quản lý quỹ tại Frankfurt nắm số lượng lớn cổ phần tại VW nhận xét.

Trong khi đó, Arndt Ellinghorst, chuyên gia phân tích tại Evercore ISI, cho rằng: “Gần như tất cả các chỉ số về chi phí tại Tập đoàn VW đều đã tăng lên và đứng ở mức cao ngất ngưỡng. Vì thế, động thái của Piech buộc Ban cố vấn phải xem xét. Sự không chắc chắn là một tin xấu cho các cổ đông của VW.

cạnh tranh thương hiệu xe hơi

Tuy nhiên, một sự thay đổi sẽ là điều mà mọi người hoan nghênh”. Ông cho rằng người đứng đầu nhãn hàng Porsche, ông Matthias Mueller đang ở vị trí rất tốt để thay thế cho Winterkorn. Còn Ulrich Hackenberg, 64 tuổi, đứng đầu bộ phận phát triển kỹ thuật các nhãn hàng của VW, có thể là ứng cử viên sáng giá cho vị trí Chủ tịch thay cho Piech. Bởi lẽ, như Piech đã tuyên bố hôm 10.4 rằng các vị trí Chủ tịch và CEO phải có gốc từ kỹ sư.

Nhưng làm thế nào mà Piech có thể làm cho cuộc chuyển giao quyền lực này được diễn ra trôi chảy thì vẫn chưa rõ. Max Warburton, chuyên gia phân tích tại Bernstein Research, khuyến cáo Piech không nên quá liều lĩnh mà “hư bột hư đường”. “Bằng cách nhúng tay vào, ông ấy có thể sẽ gây tổn hại đến những gì ông đã xây dựng tại VW, thậm chí có thể đánh dấu sự kết thúc của thời đại Ferdinand Piech. Đứng ở góc độ của các cổ đông, đó không phải là điều gì quá tồi tệ”, ông nói.

Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Không ghi tác giả

Pin It
Winston Churchill

"Nếu bạn dẹp một thị trường tự do, bạn tạo ra một thị trường chợ đen."

User Menu